Phó thủ tướng: 'Tăng trưởng mà dân không có lợi thì chẳng ý nghĩa'

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng tăng trưởng bền vững là phải tác động đến vi mô, giúp người dân hưởng lợi.

Những trăn trở về chất lượng tăng trưởng kinh tế được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu nêu lên tại Hội thảo "Kinh tế Việt Nam: Động lực tăng trưởng và giải pháp thúc đẩy" diễn ra sáng 15/11.

Ngay đầu hội thảo, Phó thủ tướng thừa nhận Việt Nam đang thiếu nhiều chỉ tiêu đánh giá chất lượng tăng trưởng và thực tế nhiều chuyên gia kinh tế không tin tưởng số liệu thống kê. "Cần xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá chất lượng. Khi không có một nội hàm thống nhất, mỗi bên sẽ có thông tin đánh giá khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau", ông đề xuất

pho-thu-tuong-tang-truong-ma-dan-khong-co-loi-thi-chang-y-nghia

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng cần có hệ thống chỉ tiêu đánh giá chất lượng tăng trưởng. Ảnh:Giang Huy

Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, tăng trưởng bền vững là phải có tác động đến nền kinh tế vi mô. "Tăng trưởng mà người dân không có lợi thì tăng trưởng đó không có ý nghĩa", ông khẳng định.

Thực tế, những lo ngại về chất lượng tăng trưởng GDP mới đây được đào xới lại sau khi Tổng cục Thống kê công bố chỉ số GDP quý III. Tăng trưởng 9 tháng đầu năm cải thiện ngoạn mục, GDP riêng quý III đã nhảy vọt lên tới 7,5%.

Trong khi đó, năm 2016, GDP 9 tháng đầu năm của Việt Nam tăng 5,93%. Năm 2015, con số này là 6,5%. 

Nhờ sự tăng trưởng ngoạn mục này, GDP 9 tháng tăng 6,4%. Với dự kiến GDP quý IV còn có tốc độ tăng cao hơn nữa, nên không cần đợi đến số liệu thực tế vào cuối năm.

Theo Tiến sĩ Trần Đình Thiên, mức tăng trưởng bất ngờ này đặt ra nhiều ý kiến khác nhau, không chỉ về số liệu mà còn ở cách nhìn triển vọng kinh tế. Chuyên gia này mạnh dạn đề xuất Chính phủ không nên theo chỉ tiêu tăng trưởng GDP từng năm một để tránh chạy theo "số lượng".

"Cách tiếp cận với vấn đề tăng trưởng Việt Nam vẫn bị lệch, nghiêng nhiều về số lượng. Về chất lượng, chúng ta mới chỉ nói nhiều nhưng chưa đầy đủ. Để tạo ra động lực tăng trưởng mới, theo tôi, không nên chạy theo từng năm một và GDP chỉ là chỉ tiêu định hướng để không gây áp lực cho Chính phủ", ông Thiên đề xuất.

Trước đó, chia sẻ trên VnExpress, ông Nguyễn Xuân Thành (Đại học Fulbright Việt Nam) cũng cho rằng GDP không nên là một thước đo quá quan trọng của Việt Nam. Theo ông, với nhà đầu tư nước ngoài, tăng trưởng 6% một năm đã đủ hấp dẫn để họ mang tiền vào đầu tư. "Nếu có lo lắng với Việt Nam thời điểm này, là tín dụng có thể được bung quá mạnh sẽ khiến bong bóng vỡ hay các yếu tố trực tiếp liên quan đến kinh doanh hơn là GDP. Bởi với họ, con số đôi khi chỉ là cái vỏ. Còn đối với chính chúng ta, GDP vẫn là một thước đo quan trọng", ông nói.

Không chỉ đi tìm lý giải cho sự tăng trưởng của Việt Nam thời gian qua, tại buổi hội thảo sáng 15/11, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ sẽ cùng toạ đàm, thảo luận với các chuyên gia kinh tế để làm rõ động lực tăng trưởng cho Việt Nam trong thời gian tới.

Theo ông Vương Đình Huệ, giờ là lúc cần phân tích kỹ cơ hội và thách thức nào cho Việt Nam trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0 đang "ập đến" như hiện nay. Lãnh đạo Chính phủ cũng lưu ý cần lựa chọn đúng trọng tâm phát triển, đánh giá đúng năng lực cạnh tranh của Việt Nam nhìn từ góc độ doanh nghiệp. "Nếu chọn quá nhiều trọng tâm, trọng điểm thì thành mũi nhọn kiểu "gai mít", cái gì cũng nhọn", ông ví von.

Bên cạnh đó, Phó thủ tướng cũng nhận thấy đang có sự lệch pha trong sự phát triển của khu vực FDI với khu vực kinh tế trong nước. "Thường chúng ta nói phải chọn lọc theo hướng phù hợp với định hướng tái cơ cấu nền kinh tế, chọn lọc doanh nghiệp FDI có công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có chuỗi giá trị. Tuy nhiên, cần kết nối khu vực này như thế nào để cùng mạnh lên, tránh rơi vào rủi ro có 2 khu vực kinh tế trong một nền kinh tế, thậm chí là câu chuyện có hai nền kinh tế trong một quốc gia", Phó thủ tướng lưu ý.

Đọc thêm