Phát biểu tại Hội nghị, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nêu rõ: Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân, là phương tiện để công dân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, là một trong những phương thức công dân giám sát hoạt động của bộ máy Nhà nước, có mối quan hệ chặt chẽ với công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan hành chính Nhà nước.
“Thông qua công tác tiếp công dân, cơ quan Nhà nước lắng nghe được các nguyện vọng, tâm tư của dân, hiểu dân và nhân dân cũng phản ánh được với cơ quan Nhà nước các vấn đề của bộ máy Nhà nước đang vận hành ra sao, cán bộ nào tốt, cán bộ nào có vấn đề… nhân dân đều biết được”, ông Bình nhấn mạnh.
Theo ông Bình, thực hiện tốt việc giải quyết khiếu nại, tố cáo không những bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo của công dân, củng cố lòng tin của dân với chính quyền mà còn góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, nhân dân giám sát xem cán bộ có thực hiện đúng hay không, có vi phạm quyền và lợi ích chính đáng của dân hay không, công chức có thực sự là công bộc của dân hay không?
Cha ông ta nói “đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”. Điều ấy nói lên sức mạnh vô cùng to lớn của nhân dân. Chúng ta có đường lối, chính sách đúng đắn, huy động được sức dân thì không lo sợ đất nước mất ổn định, chính quyền bị đe doạ. “Trong quá trình tiếp dân, cán bộ phải đặt mình vào vị trí của người dân, cầu thị, lắng nghe ý kiến người dân để có biện pháp giải quyết đúng chính sách, pháp luật, hợp lòng dân, tạo đồng thuận trong xã hội”, ông Bình nêu rõ.
Ông Bình cho biết, nhiều vụ việc dân vẫn kéo về Trung ương do một số địa phương chậm giải quyết, thiếu trách nhiệm, trong đó có một số vụ việc liên quan đến thu hồi đất.
Trước tình hình khiếu nại, tố cáo còn diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp để chấn chỉnh.
Một là, chấn chỉnh những tồn tại, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo, nhất là trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách pháp luật có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Thủ trưởng các cơ quan hành chính phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm giải trình, kiên quyết xử lý vi phạm và thông báo công khai trước dân.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, xây dựng, chấn chỉnh việc xử lý triệt để những tồn tại, sai phạm trong công tác quản lý đất đai. Việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải công khai, minh bạch, đúng chính sách, pháp luật, bảo đảm cho người bị thu hồi đất có cuộc sống ổn định, bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, bảo đảm hài hoà về lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất.
Hai là, giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp… đánh giá đầy đủ, sát thực tế việc thi hành Luật Đất đai, nhất là các bất cập là nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo.
Một số địa phương làm sai, ưu ái cho nhà đầu tư mà không bồi thường thoả đáng cho người bị thu hồi đất. Điều này có trách nhiệm của người đứng đầu. “Không để người dân bị thu hồi đất mà cuộc sống cơ cực”, ông Bình nói.
Ba là, giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp, TANDTC và cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích công dân khởi kiện các quyết định hành chính và hành vi hành chính ra Tòa án.
Bốn là, yêu cầu Chủ tịch UBND các cấp phải nắm chắc tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo xảy ra trên địa bàn, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vụ việc thuộc thẩm quyền. Khi xảy ra khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, dư luận quan tâm, Chủ tịch UBND phải đề cao giải quyết kịp thời, không để phát sinh thành “điểm nóng” gây phức tạp tình hình.