5 khó khăn lớn
Cụ thể, theo Phó Thủ tướng, khó khăn thứ nhất cơ cấu nguồn điện đã có sự thay đổi rất nhanh so với Quy hoạch Điện VII. Cùng với đó, có rất nhiều những dự án chậm tiến độ đã ảnh hưởng đến việc cung ứng nguồn điện cho phát triển kinh tế - xã hội. “Trong này sơ bộ khoảng 60 dự án đang đầu tư thì có đến 35 dự án công suất từ 200MW trở lên chậm tiến độ từ 1 đến 5 năm, thậm chí có dự án còn kéo dài hơn nữa, với tổng công suất khoảng 39.000MW, từ đó đã dẫn đến nguy cơ thiếu điện từ năm 2019”, Phó Thủ tướng cho hay.
Khó thứ hai, báo cáo Quốc hội là nhu cầu đầu tư phát triển của nguồn điện và lưới điện rất lớn. Sơ bộ đánh giá từ nay đến năm 2030, chúng ta cần vốn đầu tư khoảng 130 tỷ USD, bình quân khoảng 12 tỷ USD một năm, trong đó khoảng 9 tỷ cho đầu tư nguồn điện và 3 tỷ đầu tư cho lưới điện.
“Đây cũng là nguyên nhân chính gây ra sự chậm trễ của rất nhiều dự án điện hiện nay”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Khó khăn thứ ba, việc đầu tư nguồn điện còn mất cân đối giữa các vùng miền trong cả nước. Chúng ta thấy rất rõ là khu vực phía Nam tiêu dùng điện chiếm khoảng 50% của cả nước nhưng sản xuất thì chưa đầy 40%. Còn lại khu vực phía Bắc và miền Trung tiêu thụ cũng khoảng 50% nhưng sản xuất 60%.
Khó khăn thứ tư, việc giải tỏa công suất nguồn điện tái tạo ở nhiều địa phương hiện nay còn rất là khó khăn do chúng ta đầu tư đường dây tải điện chậm hơn so với việc đầu tư nguồn điện và thiếu đồng bộ. Đây cũng là một hạn chế cần phải tìm rõ nguyên nhân.
Khó khăn thứ năm, nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện than và khí thì ngày càng lớn. Do đó ta phải nhập than, hiện nay chúng ta đang nhập than và đến năm 2025 thì chúng ta phải nhập khoảng 31 triệu tấn than và khoảng 2,2 triệu tấn khí hóa lỏng (LPG) và đến năm 2030 thì chúng ta nhập 50 triệu tấn than và khoảng 12,5 triệu tấn khí hóa lỏng (LPG) chưa nói là phải nhập khí tự nhiên tại các nước trong khu vực.
10 giải pháp
Từ những phân tích ở trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, để đảm bảo cung ứng đủ điện trong giai đoạn tới, đặc biệt là giai đoạn 2021 – 2030, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tập trung vào một số giải pháp cụ thể như:
Thứ nhất, tập trung để lập Quy hoạch Điện VIII theo đúng Luật Quy hoạch đến giai đoạn 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với một quan điểm đổi mới công tác quy hoạch, trong đó chủ yếu chỉ tập trung vào xác định rõ quy mô công suất nguồn của từng giai đoạn.
Thứ hai, xác định cơ cấu nguồn điện, trong đó tập trung tăng nguồn điện tái tạo và tăng điện khí trong cơ cấu nguồn điện so với Quy hoạch Điện VII hiện nay và kéo dài thời gian đến ngoài 2030.
Thứ ba, xác định không gian để phân bổ điện hợp lý, tức là tranh thủ những tiềm năng, lợi thế của các địa phương, các khu vực để chúng ta bố trí phân bổ. Mặt khác, chúng ta phải bố trí các nguồn điện phù hợp với nhu cầu dùng điện của mỗi địa phương để tránh việc mất cân đối về đáp ứng nhu cầu điện như hiện nay. Chúng ta phải tập trung quy hoạch đường truyền tải đáp ứng yêu cầu giải tỏa công suất và truyền tải an toàn, hiệu quả.
Thứ tư, trên cơ sở quy hoạch Chính phủ sẽ yêu cầu Bộ Công Thương xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn. Từ đó xác định các dự án ưu tiên để huy động vốn đầu tư thực hiện và phải tập trung để tháo gỡ những khó khăn cho các dự án trọng điểm của ngành điện chậm tiến độ để sớm đưa vào hoạt động. Ở đây có Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Sông Hậu 1, Long Phú 1, v.v..
Thứ năm, đẩy nhanh tiến độ các dự án chuỗi điện khí Cá Voi Xanh và lô B, riêng chuỗi điện khí lô B báo cáo với Quốc hội có trữ lượng khoảng 86 tỷ m3 khí và có thể cung cấp khí cho 4 dự án Ô Môn với công suất khoảng 3.600MW. Còn cụm khí Cá Voi Xanh với trữ lượng khí khoảng 150 tỷ m3 và cung cấp cho 5 nhà máy (Thủ tướng Chính phủ đã quyết định) ở khu vực miền Trung, với tổng công suất là 3.750MW. Hai dự án này đã đồng ý chủ trương và đang làm thủ tục cho nên cũng phải đẩy nhanh tiến độ nhưng theo chuỗi tức là phải đồng bộ.
Thứ sáu, sớm xác định quy mô nguồn điện khí tại các cụm điện khí LPG, dự kiến bổ sung quy hoạch, bao gồm cụm Sơn Mỹ, Long Sơn, Cà Ná, Bạc Liêu, v.v..
Thứ bảy, thực hiện nhập khẩu điện gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, đặc biệt ưu tiên hợp tác đầu tư phát triển điện với Lào.
Thứ tám, tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án truyền tải điện, trong đó có đường dây 500KV mạch 3 và đường truyền tải giải tỏa công suất cho các nhà máy điện mặt trời, điện gió. Đặc biệt, Chính phủ sẽ chỉ đạo tập trung rà soát để kéo điện đủ về những vùng sâu, vùng xa, những vùng biên giới, hải đảo.
Thứ chín, về việc cần tăng cường các biện pháp giảm tổn thất điện năng, sử dụng tiết kiệm điện, hiệu quả.
Thứ mười, tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật liên quan đến đầu tư phát triển của ngành Điện. Đặc biệt liên quan đến các cơ chế, chính sách, các cơ chế đặc thù để hỗ trợ, khuyến khích để tháo gỡ khó khăn cho những dự án lớn.