Phó Thủ tướng vào 'tâm lũ' động viên bà con

Chiều tối ngày 7/9, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và đoàn công tác Chính phủ đã đi động viên bà con vùng lũ Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh và huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.

Tại các điểm lũ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tới thăm hỏi động viên viên một số gia đình chính sách còn khó khăn, bị thiệt hại nặng nề vì lũ, ngập úng ở xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ gửi lời hỏi thăm và quà của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới bà con vùng lũ. Ảnh VGP/Thành Chung
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ gửi lời hỏi thăm và quà của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới bà con vùng lũ. Ảnh VGP/Thành Chung

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng gửi lời hỏi thăm và quà của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới bà con nhân dân đang chịu cảnh ngập úng, sinh hoạt bị đảo lộn, sản xuất đình trệ ở Hà Tĩnh.

Ảnh VGP/Thành Chung
Ảnh VGP/Thành Chung

Hiện nước ở Hương Khê đã rút khoảng gần 3m so với đỉnh lũ cách đây 2 hôm, tuy nhiên nước vẫn ngập tới gần đầu gối khi đứng ngay trên nền nhà dân. Xã Phương Mỹ bị cô lập hoàn toàn. Để vào được xã này, thuyền phải đi mất 35 phút. Toàn bộ rau màu của xã này bị hỏng hoàn toàn. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều xã, huyện khác của Hà Tĩnh và Quảng Bình đang bị ảnh hưởng nặng nề vì mưa, lũ trong nhiều ngày qua.

Hàng trăm ngôi trường ở Hà Tĩnh không thể khai giảng vì bị ngập hoàn toàn. Ảnh VGP/Thành Chung
Hàng trăm ngôi trường ở Hà Tĩnh không thể khai giảng vì bị ngập hoàn toàn. Ảnh VGP/Thành Chung

Tại Hà Tĩnh, ngày 5/9 toàn tỉnh có 323 trường không thể khai giảng vì nước ngập hoàn toàn. Tới hôm nay mới chỉ có 41 trường đã tổ chức khai giảng nhưng học sinh và thầy cô giáo vẫn phải vừa học vừa dọn dẹp bùn đất trong lớp học. Riêng ở Hương Khê toàn bộ 61 trường học các cấp đều chưa thể mở cửa đón học sinh.

Ảnh VGP/Thành Chung
Ảnh VGP/Thành Chung

Để giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ, bên cạnh lực lượng vũ trang địa phương, Quân khu 4 đã đưa gần 1.000 bộ đội tới hỗ trợ dân bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản và dọn dẹp bùn đất sau lũ ở Quảng Bình, Hà Tĩnh và Thanh Hóa.

Hàng trăm nhà dân ở Tân Hóa, Quảng Bình bị ngập tới nóc.
Hàng trăm nhà dân ở Tân Hóa, Quảng Bình bị ngập tới nóc.

Tối 7/9, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng đoàn công tác đã đến thăm hỏi động viên bà con ở “rốn lũ” Tân Hóa, huyện  Minh Hóa, Quảng Bình.

Tân Hóa được xem là rốn lũ của tỉnh Quảng Bình. Vùng đất này thấp trũng, một mặt hứng nước từ nhiều hướng thượng nguồn đổ về, một mặt bị các dãy núi phía sau án  ngữ quây lại như bức tường thành khiến nước lũ đổ về thoát rất chậm, cả xã như một túi nước.

Xã Tân Hóa bị cô lập hoàn toàn.
Xã Tân Hóa bị cô lập hoàn toàn.

Trong đợt mưa lũ này, hơn 90% diện tích xã Tân Hóa, hàng trăm nhà dân bị ngập tới nóc và cô lập hoàn toàn. Người dân đã được lực lượng chức năng tiếp tế lương thực, hỗ trợ kịp thời vượt qua khó khăn trước mắt. 

Hàng vạn học sinh Quảng Bình chưa thể tới trường vì mưa lũ.
Hàng vạn học sinh Quảng Bình chưa thể tới trường vì mưa lũ.

Toàn tỉnh Quảng Bình có 263 trường học với hơn 90.000 học sinh chưa tổ chức khai giảng được do ảnh hưởng của mưa lũ; nhiều học sinh ở vùng trũng, vùng bãi ngang, ven biển không thể đến trường. Trong đó, có gần 200 phòng học, 10 phòng nội trú của giáo viên bị ngập sâu, dột ướt, hư hại;…

Cũng trong đợt mưa lũ này, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 2 người chết; 70km kênh mương bị hư hỏng; 700 ngôi nhà bị ngập tới nóc; hơn 1000 nhà dân bị ngập; 1996 hộ dân phải di dời khẩn cấp;... Tỉnh đã huy động hàng nghìn chiến sĩ công an, quân đội, cùng lực lượng thanh niên tình nguyện giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ.

Hàng ngàn ngôi nhà ở "rốn lũ" Hương Khê ngập chìm trong nước, đời sống người dân đảo lộn. Ảnh VGP/Thành Chung
Hàng ngàn ngôi nhà ở "rốn lũ" Hương Khê ngập chìm trong nước, đời sống người dân đảo lộn. Ảnh VGP/Thành Chung

Đánh giá cao cấp ủy, chính quyền và lực lượng vũ trang 2 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình cũng như Quân khu 4 đã chủ động, tích cực bám làng bám xóm, hỗ trợ nhân dân vượt qua lũ dữ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các lượng lượng tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về tính mạng, bảo đảm tối đa tài sản của người dân; chuẩn bị sẵn sàng thuốc men, dự phòng xử lý hiệu quả các vấn đề môi trường, dịch bệnh sau lũ; tính toán thiệt hại về cây trồng để báo cáo Chính phủ xem xét, hỗ trợ xuất cấp giống bảo đảm sản xuất ngay sau khi nước rút hoàn toàn.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các lực lượng vũ trang hỗ trợ dọn dẹp trường lớp để sớm khai giảng, đón học sinh vào năm học mới. Ảnh VGP/Thành Chung
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các lực lượng vũ trang hỗ trợ dọn dẹp trường lớp để sớm khai giảng, đón học sinh vào năm học mới. Ảnh VGP/Thành Chung

Đối với các trường học, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các lực lượng vũ trang hỗ trợ dọn dẹp trường lớp để sớm khai giảng, đón học sinh vào năm học mới nhanh nhất có thể.

Phó Thủ tướng yêu cầu địa phương xử lý hiệu quả các vấn đề môi trường sau lũ; tính toán thiệt hại để báo cáo Chính phủ xem xét, hỗ trợ xuất cấp giống bảo đảm sản xuất ngay sau khi nước rút hoàn toàn. Ảnh VGP/Thành Chung
Phó Thủ tướng yêu cầu địa phương xử lý hiệu quả các vấn đề môi trường sau lũ; tính toán thiệt hại để báo cáo Chính phủ xem xét, hỗ trợ xuất cấp giống bảo đảm sản xuất ngay sau khi nước rút hoàn toàn. Ảnh VGP/Thành Chung

Được biết, để hỗ trợ bà con, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định cấp cho mỗi tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình 1.000 tấn gạo dự trữ. Bộ Y tế hỗ trợ huyện Hương Sơn 10 cơ số thuốc phòng chống lụt bão; 200.000 viên cloraminB; 100 phao cứu sinh các loại. Hội Chữ thập đỏ tặng đồ dùng gia đình, máy lọc nước. Ngân hàng NN&PTNN trao tặng người dân mỗi tỉnh bị thiệt hại mưu lũ 3 tỷ đồng./.

Đọc thêm