Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội

(PLO) - Trong buổi làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội ngày 16/6/2016, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đề nghị Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc NHCSXH phối hợp với các bộ ngành nghiên cứu rà soát chính sách để NHCSXH có phương thức hoạt động phù hợp đảm bảo cả yếu tố nhà nước và yếu tố thị trường, sao cho “cái khó ló cái khôn”.


“Mỗi ngày giao dịch như một ngày hội”
Theo báo cáo của NHCSXH, sau hơn 13 năm hoạt động, với màng lưới hoạt động trải rộng toàn quốc và tổ chức giao dịch trực tiếp tại gần 11.000 Điểm giao dịch xã, NHCSXH đã huy động được trên 152,5 nghìn tỷ đồng để cho vay với tổng dư nợ đến 31/5/2016 đạt 147,8 nghìn tỷ đồng, với gần 6,8 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác đang vay vốn. Chất lượng tín dụng chính sách không ngừng được nâng cao. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm 0,78%.
Sau hơn 1 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW về tăng cường nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, cân đối ngân sách Trung ương cấp bổ sung vốn Điều lệ, giao tăng chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm 2015 từ 6,5% lên 10%, các địa phương đã dành 5.594 tỷ đồng ngân sách địa phương để ủy thác cho NHCSXH bổ sung nguồn vốn cho vay.
Phát biểu tại buổi làm việc, lãnh đạo các Bộ ngành, hội đoàn thể đã đánh giá cao vai trò của hoạt động tín dụng chính sách trong công tác xóa đói giảm nghèo và tác động sâu sắc của hoạt động của các hội đoàn thể, tới phát triển kinh tế - xã hội của ba khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. “12 năm qua, Hội Nông dân Việt Nam luôn đánh giá rất cao hoạt động tín dụng chính sách. Hoạt động này tác động rất rõ rệt tới công tác an sinh xã hội, là một trong chính sách xóa nghèo bền vững tốt nhất” – ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, nói – “Dưới xã, mỗi ngày giao dịch của NHCSXH diễn ra sôi động như một ngày hội. Không những thế còn tạo ra hoạt động có ý nghĩa, góp phần xây dựng phong trào đoàn thể. Hoạt động nhận ủy thác tín dụng chính sách đã trở thành hoạt động chính của các hội đoàn thể ở địa phương”.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH, cho biết, tới đây, NHCSXH sẽ làm việc với ba Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ nhằm rà soát lại chính sách này để hoạch định cơ chế phù hợp cho các vùng.
Còn tân Chủ tịch UBND tp. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng nhận định việc triển khai vay vốn của NHCSXH hiệu quả. “Tổng vốn vay hiện Hà Nội ủy thác qua NHCSXH hơn 1000 tỷ đồng, nợ quá hạn rất ít” – ông Chung nói – “Chúng tôi mong muốn thời gian tới NHCSXH tiếp tục mở rộng diện cho vay, hạn mức vay để người nghèo mở rộng sản xuất, thoát nghèo”.
Ông Chung cũng cho biết Hà Nội đang nghiên cứu xây dựng một số khu nhà ở xã hội như mô hình khu nhà ở xã hội Đặng Xá (Gia Lâm), để đến năm 2020 có khoảng 80 nghìn căn nhà ở xã hội. Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Xây dựng Đỗ Đức Duy cho biết, Bộ Xây dựng và NHCSXH đã phối hợp thiết kế xong chính sách, quy trình, chỉ chờ vốn để triển khai. “Từ 1/6, gói ưu đãi 30 nghìn tỷ đồng đã chấm dứt, giờ người thu nhập thấp đang chơi vơi không biết vay mua nhà như thế nào. Có tới 90% kiến nghị cử tri của cử tri tới Bộ Xây dựng là liên quan đến nhà ở xã hội”.

“Chính sách phải bám sát thực tiễn”
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, NHCSXH thực sự là điểm sáng trong thực hiện chính sách giảm nghèo và các chính sách xã hội khác, đóng góp không chỉ mặt kinh tế - xã hội mà còn ổn định chính trị, tạo niềm tin vào Đảng CP cho đồng bào sâu xa, nghèo, đối tượng chính sách.
NHCSXH đã đạt được thành tích rất toàn diện, huy động các nguồn lực đáp ứng cơ bản nhu cầu, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách. Nhu cầu rất thực, nên người dân vay có ý thức. Tín dụng chính sách khu vực nông thôn, dân tộc thiểu số góp phần giảm tín dụng đen ở các địa phương. Tín dụng cho xuất khẩu lao động cũng tạo nhiều dấu ấn trong phát triển kinh tế hộ gia đình và địa phương.
NHCSXH cũng đã hình thành được mô hình tổ chức quản trị khá đặc thù, tổ chức từ hội sở chính xuống tới tận Tổ Tiết kiệm và vay vốn. Hội đồng quản trị tổ chức đến tận cấp huyện, có cả Chủ tịch xã tham gia. NHCSXH cũng đã xây dựng bộ máy điều hành gọn nhẹ, đồng thời, có nhiều phương thức đổi mới trong quản lý tín dụng chính sách. Trong hoạt động của mình, NHCSXH cũng chủ động chủ động tham mưu cho chính quyền cơ sở có giải pháp tháo gỡ khó khăn. “Có thành tích này, ngoài nỗ lực của HĐQT, Ban Tổng giám đốc, còn có sự đóng góp của các hội đoàn thể, chính quyền...” – Phó Thủ tướng nói – “Thay mặt cho Chính phủ, tôi đánh đánh giá rất cao hoạt động của NHCSXH thời gian qua”.
Liên quan đến kiến nghị của đại diện các bộ, ngành, hội đoàn thể, Phó Thủ tướng kết luận, cùng với Ngân hàng Phát triển Việt Nam, NHCSXH là một trong hai ngân hàng của Chính phủ. Phó Thủ tướng đề nghị: “Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc NHCSXH suy nghĩ sao cho hoạt động của NHCSXH hài hòa mục tiêu xã hội và thị trường. Chính phủ lo cho hoạt động của NHCSXH nhưng bản thân ban lãnh đạo NHCSXH nhưng phải phát huy được chủ động sáng tạo. Cần có cơ chế chính sách sao cho huy động được nguồn lực xã hội, giảm áp lực cho các ngân hàng thương mại nhà nước.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan hữu trách rà soát lại cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện hoạt động của NHCSXH trong giai đoạn mới. “Chính sách phải bám sát thực tiễn. Muốn chính sách vào đời sống thì đời sống phải đi vào chính sách” – Phó Thủ tướng nói.
Đối với các chương trình tín dụng chính sách thu hút sự quan tâm lớn của đông đảo người dân như chương trình cho vay nhà ở xã hội, cho vay giải quyết việc làm, cho vay hộ nghèo..., Phó Thủ tướng đề nghị NHCSXH và các ban ngành phải nghiên cứu phương thức để “cái khó ló cái không, chứ không để cái khó bó cái khôn”.

Cũng tại buổi làm việc, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trao quyết định bổ nhiệm ông Lê Minh Hưng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH thay ông Nguyễn Văn Bình đã nhận công tác khác.

Đọc thêm