Xung quanh Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2016 của EVN về các khoản lỗ, lãi của Tập đoàn, hôm qua (8/11), ông Đinh Quang Tri đã chính thức “cắt nghĩa” vấn đề này với công luận để làm rõ nguyên nhân gây lỗ, tình hình tài chính hiện tại và dự báo kết quả sản xuất kinh doanh của EVN trong năm năm 2016.
Chín tháng đầu năm, lời hơn ngàn tỷ
Từ đầu năm 2016, EVN đã lỗ gần 700 tỷ đồng. Nhưng, doanh thu của Tập đoàn thì lại tăng đáng kể. Tại sao lại tồn tại nghịch lý này, thưa ông?
- Theo quy định của Chính phủ, EVN đã thực hiện công bố Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2016 của công ty mẹ EVN, Báo cáo tài chính hợp nhất của EVN.
|
Phó Tổng Giám đốc EVN Đinh Quang Tri: “Năm nay, toàn Tập đoàn ước lãi khoảng 2.000 - 3.000 tỷ đồng.” |
Trong Báo cáo tài chính công ty mẹ EVN, công ty mẹ EVN 6 tháng đầu năm lãi 115 tỷ. Báo cáo hợp nhất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam bao gồm Công ty mẹ EVN và 9 Tổng công ty bao gồm 3 Tổng công ty phát điện, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia và 5 Tổng Công ty điện lực miền, thành phố cho thấy lỗ hơn 700 tỷ.
Tôi xin làm rõ, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến 6 tháng đầu năm Báo cáo hợp nhất của EVN bị lỗ. Thứ nhất, là do 6 tháng đầu năm là mùa khô, EVN phải phát tăng và mua tăng các nguồn điện chạy dầu cũng như than, khí. Thủy điện phát sản lượng thấp nên chi phí giá thành sản xuất điện 6 tháng đầu năm tăng lên. Thứ hai, là chênh lệch tỷ giá 6 tháng đầu năm phát sinh hơn 6 nghìn tỷ đồng làm cho lỗ tổng hợp Báo cáo tài chính hợp nhất của EVN bị lỗ với con số hơn 700 tỷ.
Cụ thể, lỗ này tập trung chủ yếu ở các Tổng công ty phát điện. Khi giá điện theo quy định của Thông tư 56 chỉ được điều chỉnh theo tỷ giá khi cuối năm quyết toán thì Bộ Công Thương sẽ xem xét và điều chỉnh.
Trong khi đó, ước tính trong 9 tháng đầu năm nay, Công ty mẹ Tập đoàn Điện lực Việt Nam lãi hơn 1.000 tỷ, hợp nhất của Tập đoàn sẽ cao hơn con số đó. Điều này cho thấy tình hình tài chính 9 tháng khả quan hơn do Quý III sản lượng thủy điện tốt nên đã giảm phát dầu cũng như giảm việc mua điện các nhà máy có giá bán điện cao.
Ngoài ra, EVN cũng tự sản xuất điện từ các nhà máy Thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu cao hơn so với dự kiến, cho nên 9 tháng đầu năm chúng tôi đã có lãi khoảng hơn 1.000 tỷ đồng.
|
Sáu tháng đầu năm là mùa khô nên thủy điện phát sản lượng thấp khiến chi phí giá thành sản xuất điện tăng |
Chỉ số tài chính của Tập đoàn có bị ảnh hưởng?
Chênh lệch tỷ giá là nguyên nhân chính khiến Tập đoàn chịu thua lỗ nặng hơn?
- Từ đầu năm đến nay, chênh lệch tỷ giá tăng lên khoảng hơn 6.000 tỷ. Theo quy định của Bộ Tài chính sẽ hạch toán vào trong chi phí sản xuất kinh doanh của kỳ hạch toán, tức là theo báo cáo quý thì toàn bộ chênh lệch lỗ đó phải đưa vào trong chi phí sản xuất kinh doanh điện.
Dư luận lo ngại, liệu thua lỗ của EVN như vậy có khiến giá điện tăng lên từ nay đến cuối năm hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến các chỉ số tài chính chung của Tập đoàn, thưa ông?
- Lỗ 6 tháng đầu năm là lỗ hạch toán của nửa năm. Khi báo cáo quyết toán tài chính năm 2016, chúng tôi ước tính năm 2016, Công ty mẹ Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ lãi từ 650 - 700 tỷ đồng và toàn bộ Tập đoàn sẽ lãi khoảng từ 2.000 - 3.000 tỷ đồng.
Tôi cho rằng, tài chính của EVN không ảnh hưởng gì và đến nay, các chỉ số tài chính của EVN đang rất tốt và chúng tôi đã tái cơ cấu lại các khoản vay cũng như thoái vốn toàn bộ theo Quyết định 1782 của Thủ tướng Chính phủ.
EVN đã hoàn thành thoái vốn theo chỉ đạo của Chính phủ trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, và chúng tôi đã thu về hơn 2.000 tỷ đồng. Số tiền này được dùng đầu tư vào các dự án điện. Vì vậy, có thể nói, Báo cáo tài chính của EVN hiện nay là tương đối tốt.
Cảm ơn ông!