Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp

(PLVN) - Chiều 24/3, Bộ Tư pháp, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam tổ chức ký kết Chương trình phối hợp truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật và thông tin về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp giai đoạn 2023 – 2028.

Chủ trì lễ ký kết có các đồng chí: Lê Thành Long, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Lê Ngọc Quang, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam; Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Vũ Việt Trang, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam. Cùng dự có đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và truyền thông và lãnh đạo một số đơn vị của 4 cơ quan.

Toàn cảnh buổi lễ.

Toàn cảnh buổi lễ.

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đã trình bày tóm tắt kết quả thực hiện Chương trình phối hợp số 2828/CTPH-BTP-ĐTHVN-ĐTNVN; nội dung cơ bản Chương trình phối hợp giai đoạn 2023-2028.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh trình bày tóm tắt kết quả thực hiện Chương trình phối hợp số 282.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh trình bày tóm tắt kết quả thực hiện Chương trình phối hợp số 282.

Theo đó, Chương trình phối hợp số 2828/CTPH-BTP-ĐTHVN-ĐTNVN thông tin, truyền thông về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp giai đoạn 2017 – 2021 đã được Bộ Tư pháp, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam ký kết ngày 11/8/2017. Qua tổng kết triển khai thực hiện Chương trình phối hợp này, các cơ quan đều đánh giá cao kết quả tích cực của Chương trình phối hợp này.

Phát huy những kết quả đạt được, nhằm tiếp tục tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Bộ Tư pháp, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam trong công tác PBGDPL, truyền thông chính sách pháp luật và hoạt động của Bộ, Ngành Tư pháp, các cơ quan đã thống nhất ký kết Chương trình phối hợp truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật và thông tin về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp giai đoạn 2023 – 2028.

Việc ký kết Chương trình phối hợp trong thời điểm này có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần phát huy vai trò các cơ quan báo chí, truyền thông chủ lực của quốc gia tham gia công tác PBGDPL, truyền thông chính sách pháp luật, trước bối cảnh, yêu cầu của thực tiễn trong xây dựng và phát triển đất nước hiện nay theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới và những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gần đây.

Lãnh đạo 4 cơ quan ký kết chương trình phối hợp.

Lãnh đạo 4 cơ quan ký kết chương trình phối hợp.

Đồng thời, còn triển khai những chủ trương, chính sách của Đảng về trong xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật, đổi mới công tác PBGDPL tại Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW; Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác truyền thông chính sách.

Việc ký kết Chương trình phối hợp còn hỗ trợ Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao, nhất là có được nguồn tư liệu dồi dào từ các lĩnh vực hoạt động của Bộ, Ngành Tư pháp cũng như huy động, phát huy các chuyên gia, nhà khoa học tham gia công tác truyền thông, PBGDPL.

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang đánh giá cao công tác truyền thông của Bộ Tư pháp thời gian qua đã được triển khai bài bản, kịp thời định hướng và tạo sự đồng thuận trong dư luận xã hội. Khẳng định công tác pháp luật và công tác truyền thông gắn bó mật thiết trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam mong muốn Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục quan tâm phối hợp, kịp thời cung cấp thông tin trong lĩnh vực tư pháp, pháp luật để đội ngũ phóng viên có nguồn thông tin chính thống, triển khai kịp thời các bài viết phản ánh các vấn đề được công chúng quan tâm.

Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang đánh giá cao công tác truyền thông của Bộ Tư pháp.

Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang đánh giá cao công tác truyền thông của Bộ Tư pháp.

Thống nhất với báo cáo tổng kết Chương trình phối hợp số 2828, đồng chí Lê Ngọc Quang, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam nhấn mạnh mỗi cơ quan đều có thế mạnh riêng, song, nếu có chương trình phối hợp và kế hoạch cụ thể sẽ giúp việc triển khai các công việc đảm bảo đồng bộ, đạt hiệu quả tốt hơn.

Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam Lê Ngọc Quang nêu lên một số đề nghị để triển khai hiệu quả Chương trình phối hợp.

Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam Lê Ngọc Quang nêu lên một số đề nghị để triển khai hiệu quả Chương trình phối hợp.

Đánh giá lĩnh vực tư pháp, pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật có phạm vi rộng và khó, do đó Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam đề nghị sau ký kết, các đơn vị cần phối hợp xây dựng kế hoạch triển khai hàng năm, trong đó xác định các vấn đề trọng tâm, trọng điểm để triển khai; tổ chức tiến hành sơ kết giữa kỳ; đổi mới cách làm, chú trọng truyền thông trên nền tảng số để các tầng lớp nhân dân dễ tiếp cận.

Nhất trí với nội dung chương trình phối hợp, đồng chí Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam khẳng định Bộ Tư pháp giữ vai trò hết sức quan trọng trong công tác xây dựng pháp luật, truyền thông chính sách, phổ biến giáo dục pháp luật. Ông mong rằng thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp cùng các Ủy ban của Quốc hội cung cấp cho đội ngũ phóng viên thông tin một cách đầy đủ, kịp thời để đẩy mạnh hiệu quả công tác truyền thông trong lĩnh vực tư pháp, pháp luật nói chung và về các vấn đề dư luận xã hội quan tâm nói riêng.

Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ phát biểu tại buổi lễ.

Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ phát biểu tại buổi lễ.

Trân trọng cảm ơn sự đồng hành, phối hợp của 3 cơ quan báo chí, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành của Nhân dân, sự hỗ trợ các Ban, Bộ, ngành, trong đó có các cơ quan báo chí, Bộ, ngành Tư pháp đã triển khai toàn diện và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Bộ trưởng Lê Thành Long cảm ơn sự hỗ trợ, đồng hành của các cơ quan truyền thông, báo chí trong thời gian qua.

Bộ trưởng Lê Thành Long cảm ơn sự hỗ trợ, đồng hành của các cơ quan truyền thông, báo chí trong thời gian qua.

Trên cơ sở đánh giá kết quả 5 năm Chương trình phối hợp số 2828 với những kết quả tích cực, thực chất cùng việc đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương; các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về truyền thông chính sách, Bộ trưởng bày tỏ sự nhất trí cao về các nội dung trọng tâm đã được xác định tại Chương trình phối hợp giai đoạn 2023-2028. Bộ trưởng mong rằng thông qua Chương trình, các cơ quan sẽ phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, kịp thời, hiệu quả, giúp mỗi cơ quan hoàn thành nhiệm vụ được giao đồng thời góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới…

Đọc thêm