Phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ thực tiễn công tác THADS cho thấy đối với những vụ việc mà cơ quan THA phải tổ chức cưỡng chế kê biên, định giá và bán đấu giá tài sản để THA, thời gian thi hành thường phải kéo dài trong nhiều tháng mới có thể giải quyết dứt điểm. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thời gian THA phải kéo dài là vì tính chất nghiêm ngặt của biện pháp cưỡng chế kê biên, nên khi tác nghiệp chấp hành viên phải thực hiện đầy đủ, chặt chẽ theo trình tự thủ tục do pháp luật quy định.
Ngoài ra còn có một nguyên nhân khác ảnh hưởng đến thời gian THA là do tài sản kê biên không bán được. Trong thực tế cho thấy rất nhiều trường hợp tài sản kê biên phải định giá lại hoặc giảm giá nhiều lần nhưng vẫn không bán được. Nguyên nhân của thực trạng này là do người mua còn e ngại đối với tài sản bán đấu giá để THA, họ cho rằng khi mua tài sản bán đấu giá phải trải qua các thủ tục pháp lý phức tạp, hơn nữa một số người có tâm lý không muốn liên quan tới cơ quan pháp luật. Vì vậy, một số trường hợp tài sản kê biên được định giá sát với mức giá thị trường, thậm chí là thấp hơn nhiều so với giá thị trường nhưng khi hết thời hạn đăng ký tham gia đấu giá vẫn không có người đăng ký tham gia.
Ngoài ra, việc bán đấu giá tài sản THA gặp nhiều khó khăn nhất và tỷ lệ bán đấu giá thành thấp nhất so với các loại tài sản khác, bởi rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác tổ chức thực hiện bán đấu giá tài sản về việc xác định giá khởi điểm; niêm yết, thông báo công khai việc bán đấu giá; xem xét hiện trạng tài sản; tạm dừng việc bán đấu giá; bàn giao tài sản bán đấu giá thành; thanh toán phí, chi phí bán đấu giá. Đấy là chưa kể trong nhiều trường hợp đương sự còn gấy rối, chửi bới, hăm dọa... làm cho khách hàng hoang mang, lo lắng, sợ hãi không dám tham gia đấu giá.
Cùng chia sẻ vì công việc chung
Nhằm hạn chế tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, dìm giá trong hoạt động đấu giá tài sản, nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động đấu giá tài sản, trong đó có đấu giá tài sản THA, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Đấu giá tài sản với nhiều nội dung mới. Về tài sản THA, Luật bỏ quy định hủy kết quả đấu giá đối với tài sản THA phải có sự đồng ý của người phải THA. Theo đó, kết quả đấu giá tài sản bị hủy theo thỏa thuận giữa người có tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản và người trúng đấu giá về việc hủy kết quả đấu giá tài sản hoặc giữa người có tài sản đấu giá và người trúng đấu giá về việc hủy giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, hủy bỏ hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, trừ trường hợp gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Nhằm phát huy hiệu quả các quy định của Luật Đấu giá tài sản trong việc bán đấu giá tài sản để đảm bảo THA, đại diện Cục Bổ trợ tư pháp đề nghị phải hoàn thiện pháp luật về THA theo hướng nghiên cứu quy định ký hợp đồng dịch vụ đấu giá giữa cơ quan THA với tổ chức đấu giá tài sản thay vì chấp hành viên; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giải quyết khi có khiếu nại, tố cáo liên quan đến bán đấu giá để đảm bảo THA. Trong quá trình tổ chức THA, các chấp hành viên đặc biệt cần nâng cao nhận thức trách nhiệm và năng lực của mình, hạn chế tối đa việc khiếu nại về trình tự thủ tục THA trong việc kê biên, định giá, bán đấu giá tài sản đảm bảo THA.
Các tổ chức bán đấu giá tài sản thì cần tuân thủ thực hiện đúng các quy định về bán đấu giá tài sản, hạn chế thấp nhất những sai sót trong hoạt động bán đấu giá tài sản. Trong đó chú trọng thực hiện đầy đủ quy định về thông báo, niêm yết bán đấu giá tài sản; ban hành quy chế, nội quy cuộc bán đấu giá đúng theo quy định của pháp luật; thực hiện tốt việc định giá tài sản bảo đảm hiệu quả quyền lợi của người trúng đấu giá tài sản THA... Cơ quan THADS và tổ chức đấu giá tài sản cần phối hợp chặt chẽ với nhau hơn nữa tạo thành một đầu mối thống nhất, chia sẻ những khó khăn trong công việc chung, tạo hiệu quả cao hơn trong công tác bán đấu giá tài sản để THADS.