Phối hợp toàn diện, sâu sắc giữa Bộ Tư pháp với Bộ Giáo dục và Đào tạo

(PLVN) - Chiều 27/12, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã đồng chủ trì Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình phối hợp công tác pháp chế giữa hai Bộ giai đoạn 2015 – 2020 và ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2020 – 2025.

Luôn ưu tiên công tác pháp chế

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, Bộ luôn quan tâm ưu tiên công tác pháp chế của ngành Giáo dục. Đặc biệt, vừa qua Bộ GD&ĐT đã chủ trì tham mưu trình Chính phủ để trình Quốc hội ban hành 2 đạo luật rất quan trọng là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục năm 2019.

Đây là cố gắng lớn của Bộ GD&ĐT mà sẽ không thể hoàn thành được nếu thiếu sự hỗ trợ của Bộ Tư pháp từ lập đề nghị đến xây dựng dự thảo, thẩm định. 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khai mạc Hội nghị
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khai mạc Hội nghị 

Đánh giá sự hợp tác giữa hai Bộ là rất hiệu quả, Bộ trưởng Nhạ chia sẻ, đã có những việc chưa có sự thống nhất của các bộ, ngành thì cần ý kiến của Bộ Tư pháp như ý kiến của cơ quan trọng tài để công việc được suôn sẻ. Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ chủ trì xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành 2 Luật trên và rà soát nhiều văn bản khác nhằm xem xét bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung các quy định không còn phù hợp.

Vì vậy, Bộ trưởng Nhạ mong muốn Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm, hỗ trợ kịp thời, chủ động, hiệu quả để công tác pháp chế của Bộ GD&ĐT được tốt hơn và hợp tác giữa hai Bộ ngày càng hiệu quả hơn.

Báo cáo kết quả giai đoạn 2015 – 2020, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT) Lê Thị Kim Dung cho biết, Bộ GD&ĐT và Bộ Tư pháp đã tích cực triển khai thực hiện nhiều hoạt động phối hợp thiết thực, hiệu quả. Công tác pháp chế ngành Giáo dục được triển khai một cách bài bản, thuận lợi, bảo đảm chất lượng.

Công tác phối hợp được triển khai một cách toàn diện trên các lĩnh vực hoạt động chuyên môn pháp chế về xây dựng pháp luật; kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật;  phổ biến, giáo dục pháp luật; theo dõi thi hành pháp luật…

Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị 

Hai Bộ cũng phối hợp có hiệu quả trong công tác chuyên môn, góp phần thực hiện tốt công tác pháp chế và phát triển đội ngũ những người làm công tác pháp chế ngành Giáo dục. Đội ngũ những người làm công tác pháp chế của ngành GD&ĐT, từ Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đại học ngày càng được nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ, trong đó tổ chức pháp chế của Bộ được đánh giá là một trong các tổ chức pháp chế mạnh trong khối các bộ, ngành. 

Chất lượng văn bản do Bộ GD&ĐT chủ trì soạn thảo trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền về cơ bản đảm bảo về chất lượng và tiến độ. Một số văn bản có nội dung phức tạp, có phạm vi ảnh hưởng lớn đã được các đơn vị phối hợp tham mưu để cấp có thẩm quyền ban hành tạo hành lang pháp lý cho ngành Giáo dục hoạt động có hiệu quả.

Các văn bản nợ đọng của Bộ GD&ĐT đã được ban hành, Bộ GD&ĐT không còn trong danh sách các đơn vị nợ đọng văn bản…

Tiếp tục tăng cường phối hợp giữa hai Bộ

Trên cơ sở đó, bước sang giai đoạn 2020 – 2025, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Tuyến đề xuất hai Bộ sẽ tăng cường phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả trong công tác xây dựng pháp luật; công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; công tác hợp nhất văn bản, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật; công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính; công tác bồi thường nhà nước.

Hai Bộ trưởng ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn mới
 Hai Bộ trưởng ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn mới

Trong công tác pháp chế, hai Bộ phối hợp tăng cường năng lực cho đội ngũ những người làm công tác pháp chế của ngành Giáo dục.

Trong công tác GD&ĐT, hai Bộ phối hợp triển khai thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật TP HCM thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật, về xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp…

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Lê Thành Long nhìn nhận năm 2019 là năm thành công của ngành Giáo dục, thể hiện ở chỗ nhiều vấn đề xã hội quan tâm đã được ngành Giáo dục xử lý rốt ráo và được Quốc hội thông qua 2 đạo luật quan trọng, nền tảng.

Trong đó, Luật Giáo dục đại học đã cho phép cơ chế tự chủ đại học, còn Luật Giáo dục cho phép vận hành hệ thống giáo dục quốc dân, khắc phục tình trạng cát cứ mỗi ngành một kiểu, liên thông được các cấp học để kiểm soát, nâng cao chất lượng giáo dục. 

Bộ trưởng Lê Thành Long kết luận Hội nghị
 Bộ trưởng Lê Thành Long kết luận Hội nghị

Hy vọng công tác của Bộ GD&ĐT tiếp tục phát triển hơn nữa, Bộ trưởng Long cũng đánh giá cao hiệu quả của Chương trình phối hợp giữa hai Bộ trong công tác xây dựng pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật… Cho rằng định hướng phối hợp giai đoạn mới giữa hai Bộ là bao quát, toàn diện, sâu sắc thêm nhiều nội dung phối hợp, Bộ trưởng Long đề cao việc phối hợp trong hoàn thiện thể chế bởi lĩnh vực giáo dục ảnh hưởng đến từng gia đình, đến từng con người hàng ngày, hàng giờ, tác động đến tương lai của mỗi người, của đất nước.

Cảm ơn khi vài năm qua Bộ GD&ĐT đều coi là Năm pháp chế, Bộ trưởng Long đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục định hướng này, đồng thời quan tâm củng cố để kiện toàn đội ngũ cán bộ pháp chế…

Cuối Hội nghị, hai Bộ trưởng đã nhất trí ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2020 – 2025 để tăng cường phối hợp trong thực hiện các nhiệm vụ được giao nhằm hoàn thiện, nâng cao chất lượng công tác pháp chế ngành Giáo dục.

Đọc thêm