Phòng cháy, chữa cháy tại các khu chung cư: Phải tuyệt đối tuân thủ

(PLO) - Trước thực trạng cháy nổ diễn ra ngày càng phổ biến và nghiêm trọng tại các thành phố lớn, hôm qua (4/4), tại TP HCM, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đã tổ chức Hội nghị thực hiện quán triệt và triển khai Chỉ thị của UBND TP về các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đối với chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn thành phố.
Ảnh minh họa từ internet.

Thông tin về thực trạng phát triển của các chung cư, tòa nhà cao tầng trên địa bàn, đại diện HoRE cho biết, theo số liệu thống kê gần đây, toàn thành phố có 1.037 chung cư; có 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 đã hết niên hạn sử dụng, trong đó có 15 chung cư cũ bị hư hỏng nặng, nguy hiểm cho người sử dụng.

Điều đáng nói, hầu hết 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 không có hệ thống PCCC; nhiều căn hộ chung cư bị cơi nới, rào chắn, không có lối thoát hiểm, nguy cơ cháy tiềm ẩn rất đáng quan ngại. Mặc dù Sở Cảnh sát PCCC đã có nhiều phương tiện, thiết bị hiện đại để chữa cháy nhà cao tầng, như 02 xe thang chữa cháy về lý thuyết có thể vươn đến tầng 18 tương đương 56m, nhưng trên thực tế nếu xảy ra cháy thì có thể tầm với sẽ thấp hơn do khó tiếp cận mục tiêu.

Đối với các chung cư mới xây dựng gần đây như nhà ở tái định cư; chung cư nhà ở xã hội, và một số chung cư nhà ở thương mại đang bị người tiêu dùng quan ngại về chất lượng xây dựng, trong đó công trình PCCC chất lượng thấp, hoạt động không ổn định, thiếu tin cậy. Thậm chí, một số chủ đầu tư chưa (hoặc không) thi công hệ thống PCCC đã đưa dân vào ở.

Tại Hội nghị, nhiều kiến nghị liên quan đến đảm bảo an toàn PCCC chung cư, nhà cao tầng được đưa ra nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất nếu sự cố xảy ra, như quy định trách nhiệm của chủ đầu tư dự án nhà chung cư phải thi công đường vào chữa cháy đúng thiết kế lòng đường và đạt tải trọng cho xe chữa cháy; khu vực để xe của dự án chung cư nhà cao tầng xây dựng mới phải tách biệt với khu ở. Đối với cụm chung cư, cần quy định các tầng thoát nạn để tạo điều kiện cho cư dân thoát nạn khi có sự cố, nâng cao công tác tập huấn, rèn luyện thuần thục kỹ năng thoát nạn cứu hộ cho người dân; Tổ chức các chương trình giảng dạy về kỹ năng PCCC cho học sinh ngay từ bậc tiểu học…

Thừa nhận những giải pháp trên là rất cần thiết, nhưng ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Cty Quản lý bất động sản Savista cho rằng, về nguyên tắc PCCC ở các nhà cao tầng là một điều kiện bắt buộc, tuân thủ rất ngặt nghèo. Vấn đề ở đây không phải là giải pháp mà là tuyệt đối tuân thủ, các bên thực hiện đúng vai trò chuyên trách của mình.

Theo pháp luật, Cơ quan Cảnh sát PCCC có quyền kiểm tra an toàn về PCCC định kỳ hoặc bất thường đối với nhà chung cư, nhưng trên thực tế, công tác này có thể đã chưa được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, nhất là khâu hậu kiểm đối với chủ đầu tư trong việc chấp hành khuyến nghị, yêu cầu của Cảnh sát PCCC sau khi kiểm tra.

Bên cạnh đó, nhiều hộ dân sống trong chung cư và cả những người làm việc, mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí tại các khu nhà cao tầng chưa nhận thức đầy đủ về công tác PCCC, chưa được huấn luyện kỹ năng PCCC, thoát nạn, cứu hộ, chưa được tham gia diễn tập PCCC… Vì vậy, hậu quả đau lòng khi có cháy xảy ra là khó tránh khỏi.

Tại Hội nghị, HoREA và các doanh nghiệp hội viên đã thống nhất thông qua Chương trình hành động cụ thể nhằm góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chủ đầu tư dự án đối với công tác PCCC cho các chung cư, nhà cao tầng, góp phần đảm bảo an toàn PCCC trong khu chung cư, nhà cao tầng. 

Đọc thêm