Phòng, chống buôn bán ngà voi trái phép - Cần những giải pháp đồng bộ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việt Nam đang đối mặt với thách thức lớn khi trở thành một trong những điểm trung chuyển và tiêu thụ ngà voi lớn ở khu vực Đông Nam Á. Để bảo vệ loài voi đang bị đe dọa và giữ gìn uy tín quốc gia, cần có những giải pháp đồng bộ, từ tăng cường thực thi pháp luật đến nâng cao nhận thức cộng đồng.
Tình trạng săn bắt voi trái phép lấy ngà voi tại Việt Nam và trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. (Ảnh: WWF Việt Nam)
Tình trạng săn bắt voi trái phép lấy ngà voi tại Việt Nam và trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. (Ảnh: WWF Việt Nam)

Liên tiếp phát hiện vận chuyển ngà voi trái phép

Theo dữ liệu từ Hệ thống thông tin về buôn bán ngà và các sản phẩm từ voi (ETIS), kể từ năm 2008 đến nay, tổng số ngà voi bị thu giữ đã vượt quá 70 tấn, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có số lượng ngà voi bị bắt giữ lớn trong khu vực Đông Nam Á. Đầu năm 2023 và 2024, các cơ quan chức năng đã phát hiện liên tiếp bốn vụ vận chuyển trái phép ngà voi với tổng khối lượng bị tịch thu lên đến hơn 8 tấn.

Nếu tình trạng này tiếp diễn, loài voi có nguy cơ tuyệt chủng hoàn toàn trong tương lai gần. Đây cũng là cảnh báo mà ông Thibault Ledecq, Giám đốc Bảo tồn của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) nhấn mạnh tại sự kiện phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ năm 2025, kết hợp với chiến dịch truyền thông phòng, chống buôn bán ngà voi trái phép tại Việt Nam ngày 13/1.

Nhu cầu tiêu thụ ngà voi là nguyên nhân chính thúc đẩy tình trạng săn bắt và buôn bán trái phép, đẩy loài voi vào nguy cơ tuyệt chủng. Nhiều người vẫn tìm mua các sản phẩm chế tác từ ngà voi, chẳng hạn như đồ mỹ nghệ, trang sức hay vật phẩm trang trí, bởi quan niệm rằng chúng mang giá trị thẩm mỹ, thể hiện đẳng cấp hay mang ý nghĩa văn hóa đặc biệt. Chính sự tồn tại của thị trường tiêu thụ này đã tạo động lực cho các hoạt động săn bắt voi và giao thương bất hợp pháp trên quy mô toàn cầu. Từ sau đại dịch Covid-19, Việt Nam liên tục ghi nhận các vụ bắt giữ ngà voi với khối lượng lớn, phản ánh thực trạng buôn bán trái phép ngày càng phức tạp và gia tăng, bất chấp nhiều nỗ lực của các bên liên quan trong việc phòng, chống vấn nạn này trong những năm qua.

Năm 2025 đánh dấu cột mốc 50 năm Công ước CITES về kiểm soát buôn bán động vật hoang dã có hiệu lực trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam, với tư cách là thành viên của CITES từ năm 1994, đã và đang từng bước hoàn thiện hệ thống pháp lý để kiểm soát hoạt động thương mại động, thực vật hoang dã. Voi, đặc biệt là voi châu Á và voi châu Phi, đã được CITES liệt vào danh mục bảo vệ cao nhất ngay từ khi Công ước này được ký kết, phản ánh thực tế voi là một trong những loài động vật bị săn bắt và sát hại nhiều nhất trên thế giới. Ở Việt Nam, voi cũng thuộc Nhóm I trong danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm - nhóm cần được bảo vệ nghiêm ngặt nhất.

Ông Chu Ngọc Quân, Phó Giám đốc Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cũng nhấn mạnh rằng, dù Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ nhất định trong công tác chống buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã, song Việt Nam vẫn là một “điểm nóng” trung chuyển các sản phẩm từ động vật hoang dã. Vị trí địa lý thuận lợi khiến Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong thị trường buôn bán động vật hoang dã rộng lớn của châu Á. Đặc biệt, phần lớn nhu cầu mua bán ngà voi và các sản phẩm từ động vật hoang dã đến từ du khách quốc tế khi đến Việt Nam. Thực trạng này đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát hoạt động mua bán và tuyên truyền nâng cao nhận thức nhằm giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ ngà voi.

Nỗ lực ngăn chặn nhu cầu bằng tuyên truyền pháp luật

Việc Việt Nam trở thành “điểm nóng” về buôn bán ngà voi không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và làm tổn thất kinh tế, mà còn tác động đến uy tín của đất nước trên trường quốc tế. Để giải quyết triệt để vấn nạn này, cần có những giải pháp đồng bộ, trong đó công tác nâng cao nhận thức cộng đồng đóng vai trò then chốt. Khi người dân hiểu rõ tác hại của việc tiêu thụ ngà voi, nhu cầu đối với các sản phẩm từ ngà voi sẽ giảm, làm suy yếu động lực thúc đẩy hoạt động buôn bán trái phép. Bên cạnh đó, khi có nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của việc bảo vệ voi, người dân sẽ chủ động tham gia giám sát, phát hiện và tố giác các hành vi vi phạm. Việc thay đổi nhận thức cũng giúp hạn chế việc sử dụng các sản phẩm từ ngà voi, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái tự nhiên.

Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nhận định rằng, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng ngà voi bất hợp pháp trên thế giới. Do đó, cần tăng cường các giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng này, trong đó việc nâng cao nhận thức của du khách và cộng đồng làm du lịch được xem là biện pháp thiết thực và hiệu quả. Khi hiểu rõ những hậu quả nghiêm trọng của việc tiêu thụ ngà voi, du khách sẽ có ý thức hơn trong việc lựa chọn các sản phẩm hợp pháp, góp phần bảo vệ động vật hoang dã và hệ sinh thái tự nhiên.

CITES Việt Nam phối hợp cùng WWF - Việt Nam và các cơ quan chức năng trong nước đang triển khai dự án tuyên truyền phòng, chống buôn bán ngà voi tại Việt Nam. Dự án này tập trung vào việc nâng cao nhận thức về các quy định pháp luật đối với hành vi mua bán, tiêu thụ, vận chuyển ngà voi trái phép, từ đó góp phần chấm dứt các hoạt động vi phạm khi du lịch tại Việt Nam. Đồng thời, dự án cũng hướng đến việc nâng cao hiệu quả thực thi Công ước CITES và bảo tồn loài voi tại Việt Nam.

Đọc thêm