Thực tế cho thấy, những năm gần đây, nạn buôn lậu thuốc lá vẫn không hề có dấu hiệu thuyên giảm, trái lại vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, trên cả đường bộ, trên biển và trên tuyến hàng không; với thủ đoạn ngày càng tinh vi, manh động và liều lĩnh hơn; gây thất thu ngân sách, thiệt hại cho sản xuất trong nước và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Chính vì thế, các đại biểu tham dự Hội thảo phòng chống buôn lậu thuốc lá (do Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vừa qua) đều đồng tình rằng, một giải pháp đồng bộ đi từ việc hoàn thiện hành lang pháp lý mới có thể giải quyết được tận gốc vấn đề.
Đại diện Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, với thuốc lá điếu, hiện tại chế tài xử lý vi phạm được quy định ở nhiều Nghị định xử phạt vi phạm hành chính nên việc xử lý còn gặp khó khăn. Công tác xử lý vi phạm hành chính đối với những hành vi hút thuốc nơi công cộng, nơi cấm hút thuốc chưa hiệu quả.
Nhiều trường hợp có dấu hiệu buôn lậu nhưng không dễ phát hiện, xử lý, nhất là hàng tạm nhập tái xuất gửi tại kho ngoại quan. Có nghi ngại cho rằng mặc dù toàn bộ hàng hóa sau khi làm thủ tục tái xuất, kho ngoại quan giám sát thực xuất, nhưng không loại trừ khả năng hàng lại quay về kho để tiêu thụ trong nước.
Tình hình buôn lậu thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng cũng là vấn đề rất đáng quan tâm, vì có liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng. Thực hiện Nghị định số 106/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ, Bộ Công Thương đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả nghiên cứu và đề xuất chính sách quản lý các sản phẩm thuốc lá điện tử. Tuy nhiên, đến nay vẫn đang trong quá trình xem xét, lấy ý kiến.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cho biết, việc thuốc lá thế hệ mới nhập vào Việt Nam qua đường không chính thức, đồng nghĩa với nguy cơ thuốc lá giả với chất lượng không kiểm soát được. Do đó, trong công tác phòng chống buôn lậu thuốc lá nói chung, rất cần tập trung cả việc phòng chống buôn lậu thuốc lá thế hệ mới.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng đề xuất, cần sớm có nghiên cứu để đưa thuốc lá thế hệ mới nói chung, thuốc lá làm nóng nói riêng vào diện quản lý, để kiểm soát tình trạng sử dụng trong cộng đồng cũng như tránh thất thu ngân sách.
Đồng tình với ý kiến của ông Hùng, ông Rodney Van Dooren, Trưởng Bộ phận Phòng chống buôn lậu của Philip Morris International (PMI) tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, cần tăng cường kiểm soát biên giới và thực thi pháp luật cũng như xây dựng các quy định phù hợp để quản lý sản phẩm thuốc lá mới tại Việt Nam, bao gồm thuốc lá làm nóng, để bảo vệ lợi ích của Chính phủ (đặc biệt là tránh thất thu thuế), lợi ích của người hút thuốc trưởng thành Việt Nam và nhà sản xuất hợp pháp.
Tham gia Hội thảo với tư cách nhà khoa học, PGS. TS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung Ương quan niệm, phòng chống buôn lậu thuốc lá có 2 mục tiêu: mục tiêu thứ nhất là bảo vệ sản phẩm nội địa; mục tiêu thứ 2 là bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Những người đã nghiện nhưng chưa có khả năng cai nghiện thì chắc chắn họ sẽ tìm đến những sản phẩm thay thế. Và phụ thuộc vào từng nhóm thu nhập, họ sẽ lựa chọn sản phẩm phù hợp với khả năng chi trả của họ.
“Chính vì thế, cần chấp nhận định hướng phát triển của nền công nghiệp thuốc lá nội địa và chấp nhận những sản phẩm thay thế giảm thiểu tác hại như thuốc lá làm nóng trong lúc chưa triệt tiêu được hành vi hút thuốc”, ông Phú nhấn mạnh.
Được biết, vừa qua, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng đã cấp phép cho PMI có thể kinh doanh tiếp thị các sản phẩm IQOS là sản phẩm giảm thiểu sự phơi nhiễm của người dùng với các chất hóa học gây hại có trong thuốc lá điếu. IQOS là sản phẩm cung cấp nicotin bằng thiết bị điện đầu tiên và duy nhất được cấp phép kinh doanh thông qua quy trình MRTP (Modified Risk Tobacco Product - Sản phẩm Thuốc lá Giảm thiểu Nguy cơ) của FDA.