Phòng, chống COVID-19: Có nên bổ sung kháng thể thụ động cho đối tượng nguy cơ cao?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Đó là câu hỏi đặt ra trước bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn chưa chấm dứt trên thế giới, trong khi người dân lại xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là đối phó dịch bệnh. Đặc biệt, hiện nay biến chủng phụ BA.5 đã có mặt tại Việt Nam.
Tiêm chủng vaccine COVID-19. (Ảnh minh họa)
Tiêm chủng vaccine COVID-19. (Ảnh minh họa)

Lo ngại bùng phát dịch bệnh

Sự chủ quan thể hiện rõ nhất ở việc tiêm chủng vaccine COVID-19. Báo cáo của Bộ Y tế về kết quả tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 cho người trên 18 tuổi cho thấy, đến nay cả nước đã tiêm 45.436.997 mũi 3 (đạt tỷ lệ 67,7%). Có nhiều tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm thấp dưới 45% như: Hải Phòng (43,1%); Khánh Hòa (42,0%); Đồng Nai (43,6%); Cà Mau (39,0%); Hậu Giang (35,1%)… Về kết quả tiêm mũi 4 vaccine COVID-19, đến nay cả nước đã tiêm được 4.617.673 mũi (đạt tỷ lệ 6,9%). Trong đó, có các tỉnh, thành tỷ lệ tiêm rất thấp như: Phú Thọ (1,2%); Hải Dương (1,6%); Bắc Kạn (0,4%); Nghệ An (1,5%); Quảng Nam (2,3%); Đồng Tháp (2,3%). Tỷ lệ trẻ từ 12-17 tuổi tiêm chủng vaccine COVID-19 cũng không đạt được như kỳ vọng của cơ quan chuyên môn.

Không chỉ không quan tâm đến việc tiêm chủng, hiện có không ít người dân lo ngại về việc tiêm mũi 3, mũi 4 vaccine COVID-19 sẽ có phản ứng phụ mạnh hơn các mũi trước đó. Về vấn đề này, GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, mỗi cơ thể sẽ có phản ứng với vaccine ở mức độ khác nhau. Theo lãnh đạo Cục Y tế dự phòng, nhiều người có tâm lý lo lắng hoặc do tác động của cuộc sống, trùng hợp với thời điểm tiêm chủng nên có sự nhầm lẫn mệt mỏi, sức khỏe suy giảm do sau khi tiêm vaccine COVID-19.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, biến thể BA.5 đang lây lan nhanh trên thế giới và hiện đã xâm nhập vào nước ta. Để phòng bệnh, GS.TS Phan Trọng Lân cho biết, bằng các biện pháp ngăn chặn cơ học hay biện pháp hành chính xã hội sẽ không tạo sự đồng thuận hoặc sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

“Vì vậy, vaccine tiếp tục là một yếu tố rất quan trọng. Khi tiêm mũi 3, mũi 4, chúng ta sẽ củng cố thêm miễn dịch và đặc biệt sẽ phòng được biến thể BA.5. Nếu nhiễm bệnh thì bệnh cũng sẽ nhẹ hơn sau khi tiêm các mũi nhắc lại. Cũng theo WHO, biến thể phụ BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn biến thể BA.1, BA.2 từ 10 -13%. Hai biến thể này có thể thoát miễn dịch, nghĩa là những người đã mắc BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc lại BA.4, BA.5…”, theo ông Phan Trọng Lân.

Tạo kháng thể thụ động cho đối tượng nguy cơ

Các chuyên gia nhận định, mặc dù chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 đã và đang đem lại hiệu quả bảo vệ cho phần lớn xã hội, tuy nhiên khoảng 2-3% dân số thế giới vẫn cần được bổ sung thêm lớp phòng vệ. Nghiên cứu tại Hoa Kỳ chỉ ra rằng người suy giảm miễn dịch dù đã tiêm vaccine vẫn có khả năng không tạo được đáp ứng miễn dịch đầy đủ để chống lại COVID-19. Các đối tượng này thường là những bệnh nhân ung thư, mắc bệnh lý huyết học ác tính, ghép tạng, đang điều trị với các thuốc ức chế miễn dịch, hoặc bị suy giảm miễn dịch do bệnh lý. Do vậy, họ có khả năng đáp ứng miễn dịch kém hơn ở nhiều khía cạnh so với người bình thường với số lượng kháng thể thấp hơn, khả năng trung hòa của kháng thể yếu hơn và độ bền miễn dịch của vaccine giảm nhanh hơn.

Bên cạnh việc triển khai tiêm mũi 4 cho các nhóm đối tượng này, trên thế giới và tại Việt Nam đã có thêm một số giải pháp để tăng cường “lá chắn” bảo vệ những người bị suy giảm miễn dịch trước nguy cơ lây nhiễm và bệnh nặng do COVID-19. Việc bảo vệ nhóm dân số yếu thế này cũng vô cùng quan trọng trong việc giảm gánh nặng lên hệ thống y tế và đẩy lùi đại dịch.

Cụ thể, theo PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Liên chi hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch Lâm sàng TP HCM, tiêm vaccine vẫn là công cụ hàng đầu, khởi lên miễn dịch chủ động, đưa thành phần kích thích vào cơ thể chống lại vi rút gây bệnh, nhưng nó đòi đòi hệ miễn dịch phải khỏe mạnh. Với những người miễn dịch cơ thể không đáp ứng, phải truyền cho họ kháng thể có sẵn (miễn dịch thụ động), không phụ thuộc vào tình trạng miễn dịch của cơ thể. Bên cạnh đó, khi mắc bệnh, chúng ta cũng có những biện pháp điều trị phù hợp (đưa các thuốc kháng vi rút, kháng thể vào điều trị bệnh). Tuy nhiên, hệ thống miễn dịch mỗi người khác nhau, có những người có hệ miễn dịch rất yếu (già, sức đề kháng kém) đáp ứng kém hơn.

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan cho hay, kháng thể thụ động truyền vào cơ thể bằng nhiều cách. Ví dụ như trẻ sinh ra được mẹ truyền cho, hoặc lấy huyết thanh từ người bị nhiễm, hay tổng hợp các loại kháng thể chống lại vi rút. Nhưng cũng có nhiều trường hợp muốn tự mắc để tạo kháng thể, đây là nhận thức hoàn toàn sai lầm. Bởi khi mắc bệnh, rất nhiều tình huống khó lường có thể xảy ra. “Hiện, chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng hậu COVID-19. Thực tế, có người bị mắc 3-4 lần, những người bị tái đi tái lại rất dễ bị hậu COVID-19, thậm chí bị rất nặng và kéo dài. Vì thế, không nên để mắc bệnh, cách tốt nhất phòng bệnh vẫn là tiêm chủng” - PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan đưa ra lời khuyên.

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan cảnh báo, một số quốc gia bắt đầu gia tăng bệnh nhân COVID-19. Biến thể mới có thể gây ra đợt bùng phát dịch mới. Chính vì thế, Bộ Y tế đang tích cực tiêm chủng các mũi nhắc lại, bổ sung. Có những loại chỉ tiêm một lần, COVID-19 tiêm 3-6 tháng miễn dịch suy giảm cần tiêm nhắc lại, tránh gánh nặng cho gia đình và hệ thống y tế.

Cùng với việc tiêm phòng vaccine, chúng ta nên duy trì đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc nơi đông người. Trong trường hợp cần thiết, nên bổ sung kháng thể đơn dòng theo chỉ định của bác sĩ. Hiện loại kháng thể này đã được cấp phép của Bộ Y tế, được chỉ định sử dụng rất rõ ràng đối với các trường hợp: trên 12 tuổi, cân nặng 40kg trở lên, đối tượng không thuộc đối tượng tiêm phòng, sử dụng Corticoid dài ngày, bệnh nhân chống chỉ định tiêm (bệnh nhân tim mạch, người cao tuổi, sức yếu…).

Đọc thêm