Thời điểm này, Báo cũng nhận được thông tin của nhiều bạn đọc nhằm cung cấp thêm thông tin. PV Báo PLVN đã trở về Bạc Liêu gặp đông đảo người dân tại ấp Kinh Tư, xã Phong Thạnh Tây B, huyện Phước Long, Bạc Liêu để làm rõ hơn vấn đề mà Báo đã nêu, nhằm rộng đường dư luận.
Liên quan đến câu chuyện này, ngày 15/8, trao đổi qua điện thoại với PLVN, ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, vừa qua Sở Y tế tỉnh Cà Mau đã có báo cáo kết quả kiểm tra của PKPN. Tuy nhiên phía UBND tỉnh chưa đồng tình với báo cáo đó nên đã yêu cầu Sở Y tế tiến hành kiểm tra, báo cáo lại và sớm có kết luận chính thức về vụ việc này.
Bệnh gì cũng xét nghiệm, siêu âm, chụp hình
Trao đổi với PV Báo PLVN, hơn 60 hộ dân tại đây cho biết, hầu hết người dân trong ấp đều xuống PKPN để khám và có rất nhiều người mượn thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) của nhau để đi khám. Họ chỉ cần đến PKPN “xuất trình” thẻ BHYT là được khám miễn phí không cần chứng minh bất kỳ giấy tờ nào khác. Nên nhiều người không bệnh cũng mượn thẻ BHYT để đi khám vì mục đích chính là để nhận quà còn thuốc thì mang về nhà bỏ, mang đi bán lại hoặc… vứt xuống sông.
“Bệnh gì cũng vậy, khi đến phòng khám là các bác sĩ yêu cầu phải xét nghiệm, siêu âm, chụp hình. Nếu ai không đồng ý thì nhân viên tại phòng khám bảo sẽ không được thanh toán bảo hiểm”, nhiều người dân cùng nói.
Trường hợp bà Võ Kim Xuyến (53 tuổi), vì không có thẻ BHYT nên mỗi lần đi khám tại PKPN bà Xuyến đều mượn thẻ BHYT của người em ruột. “Khi đến khám họ bắt tôi làm tất cả các xét nghiệm, siêu âm, chụp hình, cho thuốc uống rồi hẹn tái khám sau một tuần. Đến khi tái khám các bác sĩ tại đây cũng yêu cầu làm các xét nghiệm tương tự” - bà Xuyến nói.
Trường hợp cháu Phạm Thuý Ái (5 tuổi), bị ốm, xanh xao gia đình đưa đến PKPN khám bệnh. Tại đây, sau khi tiến hành các xét nghiệm máu, siêu âm, chụp hình được bác sĩ kết luận bé bị thiếu máu, PKPN cho thuốc uống một tuần nhưng sức khỏe không được cải thiện. Nhiều lần tái khám PKPN đều yêu cầu làm tất cả các xét nghiệp trên. Gia đình sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của cháu nên từ đó về sau không đưa bé đến khám nữa.
Tương tự, bà Huỳnh Thị Lắm sau khi mượn thẻ BHYT đến PKPN, được chẩn đoán “gai cột sống”. Trước đó, bà Lắm phải trải qua tất cả các xét nghiệm, siêu âm, chụp hình y như các bệnh nhân khác.
“Hơn 10 lần đi tái khám các bác sĩ tại đây đều yêu cầu tôi làm hết các xét nghiệm. Vì quá sợ, tôi yêu cầu khám răng. Bác sĩ tại PKPN bảo, khám răng cũng phải làm các xét nghiệm, siêu âm, chụp hình không làm xét nghiệm sẽ không được thanh bảo hiểm y tế” – bà Lắm bức xúc.
Bà Lắm cũng cho biết, có lần cháu bà bị ho khi đến phòng khám các bác sĩ cũng bắt làm hết các xét nghiệm (rút máu, siêu âm, chụp hình) rồi chẩn đoán bé bị thiếu máu. Sau đó PKPN cho thuốc về uống, hẹn một tuần tái khám. Mấy lần sau cháu bà đi tái khám các bác sĩ cũng yêu cầu xét nghiệm như lần trước.
Người dân trong ấp cho rằng có rất nhiều trường hợp không bị bệnh nhưng nghe có quà tặng “hấp dẫn” nên kéo nhau đến PKPN khám để lấy quà. Nhiều gia đình sở hữu gần cả trăm phần quà tặng như đường, sữa, bột ngọt và đồ chơi trẻ em. Còn thuốc mang về thì hầu hết vứt xuống sông, riêng các loại thuốc sirô, thuốc bổ mang ra các tiệm thuốc bán lại… Nhiều người nói vui rằng cả gia đình đi vài lần có thể về mở tiệm tạp hóa bán cũng được.
PKPN còn kích thích người dân đến khám bằng cách trả luôn tiền xe ôm cho bệnh nhân trong tỉnh Cà Mau. Mỗi lần ghé xuống xe buýt hay các trạm dừng chân trên địa bàn TP Cà Mau chỉ cần nói đến PKPN là được các tài xế xe ôm chào đón “nồng nhiệt”; đặc biệt là không phải trả tiền vì đã có PKPN “tài trợ” hết.
Trước cửa PKPN có người túc trực để ghi lại danh sách số lượt xe ôm đưa khách đến. Ngoài ra, nhiều đối tượng tận dụng nhiều “kẽ hở” tại PKPN tranh thủ bốc sẵn các số phiếu khám theo thứ tự “ưu tiên” nhằm bán lại cho các bệnh nhân theo giá “chợ đen”, dao động từ 10 – 20 nghìn đồng.
“Xem thường” Luật BHYT
Theo quy định, “những điều cần chú ý” ghi trên thẻ BHYT: “Khi khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình thẻ BHYT có ảnh, nếu chưa có ảnh phải xuất trình cùng với giấy tờ tùy thân có ảnh. Riêng trẻ em dưới 6 tuổi chỉ xuất trình thẻ BHYT”.
Hầu hết tất cả các bệnh viện, phòng khám đều phải tuân thủ nghiêm ngặt trong khi tại PKPN lại bỏ qua những quy định trên. Qua đó, khiến cho nhiều người không có thẻ BHYT “tùy tiện” mượn thẻ đến khám không cần biết có bệnh hay không. Điều đáng nói là phòng khám này đã quá “lạm dụng” các xét nghiệm nhằm “trục lợi” từ bảo hiểm mà không nghĩ tới sức khỏe của người dân.
Điều dư luận bức xúc là việc bà Đặng Bé Nam - Chủ PKPN, nguyên Giám đốc (GĐ) BV Sản Nhi Cà Mau không nắm chắc các quy định trong việc khám BHYT để xảy ra bất cập(?). Ngoài ra, những tác hại đến sức khỏe bệnh nhân khi “lạm dụng” quá nhiều xét nghiệm không cần thiết lại không được bà chú trọng.
Trước đây, khi còn là GĐ BV Sản Nhi, bà Nam cũng từng “dính” vào vụ lùm xùm kéo dài tuổi về hưu. Cụ thể, bà Nam sẽ hết thời hạn giữ chức giám đốc vào ngày 31/12/2014 và sẽ nghỉ hưu vào ngày 30/6/2015. Tuy nhiên, ngày 4/12/2014, Giám đốc Sở Y tế Cà Mau đã ra quyết định kéo dài thời gian giữ chức vụ đối với bà Nam đến năm 2018. Quyết định này gây ra nhiều phản ứng trong dư luận và sai quy định.
Theo quy chế cán bộ, công chức lãnh đạo còn dưới hai năm công tác trước khi đến tuổi nghỉ hưu, do cấp thẩm quyền xem xét quyết định kéo dài thời gian giữ cương vị lãnh đạo đến thời điểm đủ tuổi hưu theo quy định. Bên cạnh đó, Thông tư 19/2001 của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ hướng dẫn thực hiện Nghị định 71/2000, cũng nêu rõ: Cán bộ, công chức đến tuổi nghỉ hưu nếu được kéo dài thêm thời gian công tác thì thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Vì vậy, việc tái bổ nhiệm và kéo dài tuổi hưu đối với bác sĩ Nam do Sở Y tế tỉnh Cà Mau ký là sai quy định.
Do đó, ngày 30/12/2014, UBND tỉnh Cà Mau có công văn gửi một số cơ quan báo chí cho biết lãnh đạo tỉnh chỉ đạo Sở Y tế rút lại quyết định bổ nhiệm sai quy định, đồng thời thống nhất đề nghị kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo đối với bà Nam đến hết năm 2015 để tìm người thay thế.
Trao đối với PLVN, Luật sư (LS) Kiều Anh Vũ – Văn phòng LS Lê Nguyễn, TP.HCM nói: Đối với hành vi “móc túi”, trục lợi BHYT bằng những “chiêu trò” khác nhau là những hành vi vi phạm pháp luật, y đức thấp. Luật BHYT quy định rõ: Người có hành vi vi phạm quy định tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng phải thường xuyên kiểm tra, thanh tra, giám sát các phòng khám liên quan đến khám, chữa bệnh và thanh toán theo thẻ BHYT. Mục đích phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời đối với những hành vi trục lợi BHYT”.
Tránh lạm dụng xét nghiệm
TS. BS. Đặng Quang Tâm - GĐ BV ĐKTW Cần Thơ: Tránh lạm dụng xét nghiệm vì vấn đề tăng thu kinh phí cho cơ sở y tế. Việc xét nghiệm tầm soát tổng quát, thực hiện cũng có thời gian chứ không phải lúc nào vào khám. Các xét nghiệm tổng quát và làm các cận lâm sàng như siêu âm, chụp X-quang, chụp CT scan... thì mỗi định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm. Đặc biệt, đối với trẻ em, ít có nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như người lớn thì không thể lặp đi lặp lại tất cả các xét nghiệm như vậy. Điều này là không hợp lý.