Trẻ em thường rất thích ăn bánh kẹo, uống nước ngọt...và đây cũng chính là một trong những nguyên nhân chính gây sâu răng. Nếu răng sâu không được phát hiện kịp thời thì dễ dẫn tới tình trạng ăn mòn vào tủy gây đau nhức. BS. Phạm Văn Thắng (Khoa Răng hàm mặt - Bệnh viện ĐH Y Hà Nội) sẽ giúp các bậc phụ huynh hiểu rõ hơn về bệnh sâu răng cũng như cách chăm sóc răng cho trẻ nhỏ.
Nguyên nhân và dấu hiệu gây sâu răng
Theo BS.Phạm Văn Thắng, sâu răng trên răng sữa thường khởi đầu ở các hố và rãnh. Các triệu trứng nhỏ khó có thể phát hiện bằng mắt thường, nhưng các triệu trứng lớn thường có biểu hiện là lỗ thủng ở mặt nhai. Biểu hiện sâu răng ban đầu có dạng các điểm trắng đục trên men răng và lỗ sâu răng sẽ xuất hiện khi tình trạng mất khoáng càng nhiều.
Vị trí sâu răng thường gặp đứng hàng thứ 2 là ở mặt bên (mặt tiếp xúc giữa các răng), và rất nhiều trường hợp chỉ có thể phát hiện khi chụp X-quang răng. Các tổn thương do sâu răng biểu hiện ở các bề mặt trơn láng (mặt ngoài và mặt trong) thường chỉ gặp ở trẻ có sâu nhiều răng nghiêm trọng.
Nguyên nhân gây sâu răng là sau mỗi bữa ăn trẻ không đánh răng, để thức ăn bám vào răng, lên men thối rữa. Vi khuẩn xuất hiện gây viêm chân răng, chảy máu chân răng. Ngoài ra việc ăn nhiều chất ngọt như bánh kẹo, đồ uống có ga, dùng nguồn nước thiếu Fluor cũng là tác nhân gây sâu răng.
Nếu không được điều trị, tình trạng sâu răng sẽ dẫn đến răng sâu bị hủy hoại toàn bộ và tổ thương đi vào tủy răng, dẫn đến viêm tủy răng và gây đau nhức. Viêm tủy răng có thể tiến triển đến hoại tử, vi khuẩn xâm lấn xương ổ răng và gây áp xe răng. Nhiễm trùng răng sữa có thể ảnh hưởng đến quá trình mọc răng vĩnh viễn.
Các cách chăm sóc răng miệng ở trẻ
Các bậc phụ huynh nên chọn bàn chải đánh răng chuyên biệt dành cho trẻ em. Bàn chải có lông mềm, dài từ 12 – 13 cm, chiều dài của đầu chải răng là từ 1,6 – 1,8 cm, chiều rộng không quá 0,8 cm và chiều cao không quá 0,9 cm. Chọn bàn chải có đầu tròn thay vì các hình dáng khác để không làm tổn thương nướu của trẻ. Cách ba tháng thì thay bàn chải cho bé một lần.
Ngoài bàn chải cũng nên dùng kem đánh răng chuyên biệt dành riêng cho các bé. Không nên chọn kem đánh răng tạo quá nhiều bọt. Chọn kem đánh răng có mùi phù hợp với sở thích của bé, tránh dùng những mùi mà bé không thích.
Không nên cho bé ăn kẹo vào buổi tối |
Với những bé từ 1 đến 6 tháng tuổi cần được cung cấp đầu đủ canxi và khoáng chất để hình thành bộ răng chắc khỏe. Nhu cầu canxi ở trẻ độ tuổi này là 500 mg/ngày. Các thực phẩm giàu canxi bao gồm: Sữa dinh dưỡng, sữa đậu nành, các loại rau họ cải như cải xanh, cải thìa, cải chíp, các loại hải sản như cá nhỏ có thể ăn cả xương, cua biển, ngêu, sò, ốc, hến, tôm, ghẹ…Nên bổ sung thêm những thực phẩm giàu vitamin C có nhiều trong trái cây tươi, các loại củ, ngũ cốc, khoai lang….Vitamin D có trong sữa, gan cá thu, cá hồi, cá ngừ đóng hộp, lòng đỏ trứng, sữa chua, thịt lợn và ánh sáng mặt trời. B1 có trong thịt lợn, thịt gà, trứng vịt, đỗ xanh, các loại ngũ cốc nguyên hạt.
Ngoài ra cũng nên chú ý đến nhóm thức ăn giàu flour gồm cá, sữa tươi, gan, trứng. Đối với bé lớn, có thể cho bé uống một ly trà xanh loãng mỗi ngày vì trong trà xanh có chất hóa học giúp hạn chế sự hình thành vôi răng. Nhưng cha mẹ cũng nên lưu ý không nên cho bé uống nước chè xanh đặc hay dùng nước súc miệng có hàm lượng flour đậm đặc, nó sẽ khiến răng bé bị ố (Mức flour cho phép là 5mg/1 lít).
Hạn chế cho bé ăn vặt đặc biệt là bánh kẹo. Không nên cho bé uống đồ ngọt vào buổi tối trước khi đi ngủ. Nên vệ sinh răng miệng sau mỗi bữa ăn và thường xuyên khám sức khỏe định kỳ răng miệng cho bé.