Sáng nay (25/4), Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phối hợp cùng Công ty Luật TNHH Phước & Các Cộng sự (Phuoc & Partners), với sự tư vấn từ Quỹ tài trợ International SOS tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Góc nhìn Pháp lý và Thực tiễn cho Doanh nghiệp về Chăm sóc Sức khỏe & An toàn nghề nghiệp cho Nhân viên”.
Với tổng số 7.981 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 8.251 người bị nạn được báo cáo năm 2016 có gần 799 vụ TNLĐ làm chết người,106 vụ có 2 người chết trở lên; 862 người chết vì TNLĐ… được Bộ LĐTB&XH công bố chiều qua (24/4), VCCI cho rằng, doanh nghiệp (DN) cần xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc để không chỉ đảm bảo an toàn lao động (ATLĐ) mà cần phòng ngừa tai nạn lao động (TNLĐ).
Nhiều DN cùng chuyên gia của International SOS Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm về trách nhiệm chăm sóc NLĐ |
Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng nhận định, “Điều này cũng giúp cho DN thực hiện tốt trách nhiệm xã hội trong vấn đề lao động, nâng cao hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp”.
Theo các chyên gia lao động, trước hết, người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về ATLĐ và đề ra các biện pháp bảo đảm ATLĐ hợp lý, hiệu quả.
Bản thân người lao động (NLĐ) phải có ý thức với việc chủ động và yêu cầu được đảm bảo ATLĐ. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm những đơn vị vi phạm…
Để nhận thức được ý nghĩa của việc xây dựng “văn hóa an toàn tại nơi làm việc”, DN có thể cân nhắc giữa chi phí phòng ngừa TNLĐ và chi phí chi trả, thiệt hại cụ thể (bằng tiền) khi có TNLĐ.
Ước tính của SOS quốc tế, chi phí khắc phục thiệt hại do TNLĐ sẽ thường cao gấp 2 thậm chí 3 lần chi phí để phòng ngừa TNLĐ, phòng ngừa rủi ro cho NLĐ khi đi công tác nước ngoài.
Pháp luật VN đã có những quy định về nghĩa vụ của NDSLĐ đối với sức khỏe và an toàn nghề nghiệp của NLĐ tại nơi làm việc thể hiện trong Bô luật Hình sự 1999, Bộ luật Lao động 2012, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Luật Bảo hiểm Y tế, Luật BHXH, Luật ATVSTP…
Nhưng theo bà Trần Thị Lan Anh – Giám đốc Văn phòng Giới SDLĐ (VCCI), trong việc bảo đảm đời sống và ATLĐ cho NLĐ, DN không chỉ cần tuân thủ pháp luật còn phải tuân thủ những vấn đề “tốt hơn luật” để “giữ chân” NLĐ trong điều kiện chuyển dịch LĐ ngày càng mạnh mẽ.
Dự báo của SOS quốc tế, năm 2020, tỷ lệ dịch chuyển lao động thể đạt đến 60-80%. Cùng với đó, DN sẽ tránh được những chế tài xử phạt về tài chính nếu vi phạm quy định PL về ATVSLĐ. Bà Lan Anh cảnh báo, “dù chỉ là một số tiền nhưng có thể ảnh hưởng đến uy tín của NLĐ”.
DN cần ưu tiên xây dựng “văn hóa an toàn tại nơi làm việc” |
Các phân tích về khung pháp lý liên quan đến trách nhiệm chăm sóc của NSDLĐ cũng cho thấy, pháp luật lao động Việt Nam cũng đã mở rộng phạm vi trách nhiệm chăm sóc đến tất cả các tổ chức Việt Nam cử người lao động đi làm việc ở nước ngoài và sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Thông qua đó, góp phần thúc đẩy một tiêu chuẩn chăm sóc tốt hơn vượt ra khỏi phạm vi nơi làm việc truyền thống, đến bất kỳ nơi nào người lao động được cử đi làm việc.
Bên cạnh đó, để giảm thiểu rủi ro về nghĩa vụ bồi thường cũng như khả năng gián đoạn hoạt động kinh doanh của NSDLĐ, đại diện nhiều DN đã chia sẻ về lộ trình phòng ngừa, quản lý các sự cố, góp phần giảm thiểu rủi ro về chi phí, thiệt hại về uy tín, thúc đẩy tăng năng suất lao động trong DN thông qua các quy trình đánh giá, kiểm tra sức khỏe, điều kiện y tế và các hướng dẫn liên quan đến sức khỏe nghề nghiệp.
Bởi theo ông Francis Chong, Tổng Giám đốc của International SOS Việt Nam, “Trách nhiệm chăm sóc không chỉ là trách nhiệm pháp lý, mà còn là một yếu tố quyết định sự thành công của DN. Cách thức chăm sóc nhân viên và NLĐ sẽ phản ánh việc NSDLĐ đã bảo vệ những tài sản quý giá nhất của mình như các giá trị cốt lõi của DN”.