Phỏng vấn kết hôn không chỉ là phỏng vấn

Phỏng vấn kết hôn không chỉ đơn thuần là thao tác hỏi và đáp mà phía sau mỗi cuộc phỏng vấn là một số phận con người...

Phỏng vấn kết hôn không chỉ đơn thuần là thao tác hỏi và đáp mà phía sau mỗi cuộc phỏng vấn là một số phận con người...

Các cô dâu Việt làm thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại Sở Tư pháp Cần Thơ. Ảnh MH
Các cô dâu Việt làm thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại Sở Tư pháp Cần Thơ. Ảnh MH

Phỏng vấn kết hôn có yếu tố nước ngoài được quy định tại mục 4 khoản 1 tiết a Điều 16 Nghị định 69/2006/NĐ-CP ngày 21/7/2006 về sửa đổi bổ sung một số Điều của Nghị định 68/2002/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật hôn nhân và Gia đình năm 2000, như sau: "Thực hiện phỏng vấn trực tiếp tại trụ sở Sở Tư pháp đối với hai bên nam, nữ để kiểm tra, làm rõ về sự tự nguyện kết hôn của họ, về khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ chung và mức độ hiểu biết về hoàn cảnh của nhau. Việc phỏng vấn phải được lập thành văn bản.

Cán bộ phỏng vấn phải nêu rõ ý kiến đề xuất của mình và ký tên vào văn bản phỏng vấn...”. Quy định tưởng chừng đơn giản nhưng trong quá trình thực hiện lại thấy chẳng hề đơn giản.

Không đơn giản bởi có hồ sơ kết hôn chú rể và cô dâu vênh nhau đến trên ba chục xuân xanh, chàng sinh năm 1925 còn nàng sinh năm 1963. Hoặc tuổi rể xêm xêm tuổi cha mẹ vợ, chênh chừng 10 -15 tuổi. Cán bộ phỏng vấn bối rối. Sự chênh lệch tuổi tác vậy liệu có đảm bảo được mục đích xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững và bảo vệ quyền lợi cho người phụ nữ Việt Nam không? Có phạm vào thuần phong mỹ tục không? Tuy nhiên vẫn phải cho qua bởi chẳng có căn cứ nào để từ chối. 

Chênh lệch tuổi tác mới chỉ là màn dạo đầu, còn để làm rõ hơn về sự tự nguyện kết hôn, về khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ chung và mức độ hiểu biết về hoàn cảnh của nhau để chấm điểm đạt hay không đạt thì lại còn tùy thuộc vào đánh giá, kinh nghiệm riêng của người phỏng vấn, từng chuyên viên.

Thực tế phỏng vấn kết hôn mỗi nơi thực hiện một cách, có những trường hợp đương sự chuyển khẩu từ địa phương này qua địa phương khác chỉ là nhằm, và cũng để hi vọng, việc phỏng vấn dễ thở hơn. Tuy nhiên, Sở Tư pháp cũng rất thận trọng. Đối với những trường hợp mới chuyển khẩu Sở sẽ tiến hành xác minh đương sự đã nộp hồ sơ ở nơi thường trú trước đây chưa, đã bị từ chối chưa nếu có thì lý do gì. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho hồ sơ bị kéo dài hơn so với các trường hợp không chuyển khẩu.

Thông thường người phỏng vấn đặt các câu hỏi liên quan đến quá trình quen biết, tìm hiểu, lý do kết hôn, hoàn cảnh gia đình, độ tuổi và nghề nghiệp, vv... nhằm xác định việc kết hôn có vì mục đích xây dựng gia đình hạnh phúc không để đưa ra quyết định của mình. Việc quyết định này rất quan trọng, đòi hỏi người cán bộ phải nghiên cứu kỹ từng hồ sơ để có thể đặt ra những câu hỏi phù hợp với hoàn cảnh thực tế của đối tượng.

Không chỉ có vậy, họ còn phải chịu những áp lực khác: sự quá tải công việc, thời hạn trả hồ sơ cho công dân, tính xác thực của phiên dịch trong trường hợp phải nhờ đến họ nếu người phỏng vấn không biết ngoại ngữ v.v…

Phỏng vấn kết hôn không chỉ đơn thuần là thao tác hỏi và đáp mà phía sau mỗi cuộc phỏng vấn là một số phận con người. Thực tiễn cho thấy phỏng vấn và các tiêu chí từ chối đăng ký kết hôn qua phỏng vấn theo Nghị định 69/2006/NĐ-CP còn chưa thực sự rõ ràng và quá trình áp dụng chưa thống nhất giữa các địa phương.

Do vậy, việc hoàn thiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực hộ tịch nói chung và trong phỏng vấn nói riêng để việc áp dụng pháp luật được thuận lợi, thống nhất, không gây lúng túng cho cán bộ tư pháp là rất cần thiết.

Chu Thị Tuyết Lan

Đọc thêm