Phụ nữ Nhật Bản chật vật tố giác tội phạm tình dục

(PLO) - Mặc dù phong trào tố cáo bạo lực tình dục và những hành vi sai phạm đã lan khắp từ Hollywood tới Hong Kong nhưng tại Nhật Bản, số người hưởng ứng phong trào này vẫn còn khá ít. 
Nhà báo Shiori Ito
Nhà báo Shiori Ito

20 năm trước, khi còn là một ca sỹ mới 17 tuổi, cô Rinko Nakajiri đã bị một nhà sản xuất âm nhạc lần đầu hãm hiếp. Tuy nhiên, cô đã không dám chống lại hay báo cảnh sát vì lo sợ sự nghiệp ca hát của mình sẽ kết thúc. Sau 3 năm cam chịu, Nakajiri từ bỏ ngành công nghiệp âm nhạc nhưng phải 20 năm sau đó, khi đã yên phận trở thành một bà nội trợ ở Tokyo, cô mới dám lên tiếng. Dũng khí của Nakajiri cũng một phần đến từ phong trào #MeToo bùng lên sau những cáo buộc hiếp dâm chống lại trùm điện ảnh Harvey Weinstein đang lan ra toàn cầu. 

Mặc dù phong trào tố cáo bạo lực tình dục và những hành vi sai phạm đã lan khắp từ Hollywood tới Hong Kong nhưng tại Nhật Bản, số người hưởng ứng phong trào này vẫn còn khá ít. “Rất khó để nói về vấn đề này ở Nhật Bản. Việc kỳ thị hiếp dâm rất khủng khiếp. Người ta thường có xu hướng giấu kín mọi chuyện”, Nakajiri cho hay. 

Với những người dám phá vỡ văn hóa im lặng trước nạn tấn công và quấy rối tình dục, cái giá phải trả cũng khá đắt. Điển hình có thể kể đến trường hợp nữ nhà báo Shiori Ito. Theo nữ nhà báo, một phóng viên truyền hình tự xưng có quan hệ thân cận với lãnh đạo cấp cao của Nhật đã hãm hiếp cô sau khi mời cô đi ăn tối để bàn công việc vào năm 2015. Sau khi đứng ra tố cáo phóng viên nam nói trên, Ito đã vấp phải làn sóng chỉ trích mạnh mẽ trên mạng internet và thậm chí còn bị dọa giết. 

Về phía nhà chức trách, Ito kể rằng cô cảm giác như đang bị y tá “thẩm vấn” khi đến bệnh viện kiểm tra. Tệ hơn, những cảnh sát nam đã yêu cầu cô phải tái hiện cảnh bị hãm hiếp với một búp bê có kích thước như người thật để họ chụp ảnh. “Việc đó giống như bị hãm hiếp lần 2 vậy”, Ito cho hay. Ấy thế nhưng, cảnh sát sau khi nói sẽ khởi tố vụ án hình sự và bắt giữ nam phóng viên đã đột ngột hủy bỏ vụ việc. Hiện nay, cô Ito vẫn đang tiếp tục theo đuổi một vụ kiện dân sự chống lại đồng nghiệp cũ.

Vụ việc của Ito đã có tác dụng cổ vũ đáng kể đối với những nạn nhân bị tấn công tình dục ở Nhật Bản. Song, ở đất nước mà theo một khảo sát của Chính phủ nước này chỉ có 4% nạn nhân bị hiếp dâm tố cáo vụ việc tới cảnh sát, vẫn chỉ có 1 số ít phụ nữ dám bước ra khỏi ánh sáng.

Bên cạnh đó, theo bà Sachi Nakajima – một nạn nhân bị bạo hành và là người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận nhằm giúp các nạn nhân bị bạo hành có tên Resilience – luật tội phạm tình dục của Nhật cũng là một phần khiến tình hình ít có biến chuyển. Theo thống kê của Bộ tư pháp Nhật Bản, trong số các vụ việc hiếp dâm đã được trình báo, chỉ có 1/3 được đưa ra tòa. Trong năm ngoái, chỉ có 285 trong tổng số 1.678 người bị khởi tố vì tội hiếp dâm ở nước này bị kết án trên 3 năm tù giam.

Trong bối cảnh như vậy, bà Nakajima cho rằng phụ nữ Nhật Bản cần phải được trao quyền trước khi thái độ của xã hội đối với tội phạm tình dục thay đổi. Hiện, theo thống kê, phụ nữ Nhật Bản chỉ chiếm hơn 10% trong tổng số ghế ở Hạ viện, xếp vị trí 158/193 nước về tỉ lệ nữ đại biểu trong Quốc hội. “Có nhiều người đàn ông có cảm giác như họ được trao quyền đối với thân thể phụ nữ. Định nghĩa đồng thuận cũng bị bóp méo. Chúng ta phải bắt đầu nhìn vào vị thế của phụ nữ trong xã hội vì điều đó lý giải rất nhiều vấn đề”, bà Nakajima nói.