Tình thế bất thường phải có giải pháp khác thường
Tọa đàm do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) tổ chức vào hôm qua (19/10).
Tại Tọa đàm, các đại biểu thống nhất đánh giá, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với vai trò chủ công của Chính phủ khi đồng hành cùng các doanh nghiệp (DN) chống chịu với Covid-19 trong suốt thời gian khó khăn đặc biệt vừa qua đã mang lại những kết quả ngày càng tích cực rõ nét.
PGS.TS Trần Đình Thiên, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về kinh tế (Ủy ban Trung ương MTTQVN) đánh giá, cùng với những kết quả bước đầu trong phòng chống dịch, chúng ta cũng phải mổ xẻ, nhìn nhận cho hết khó khăn để có giải pháp phù hợp. Nhận diện rõ khó khăn không phải để tiêu cực, gây mất lòng tin mà để tìm ra những chính sách phù hợp nhất. Một tọa độ “phục hồi” đặc biệt của nền kinh tế là đẩy mạnh hơn nữa đầu tư công. Chính phủ đã nhận diện rõ vấn đề này và đã xác định đây là nhiệm vụ ưu tiên. Đây là một giải pháp quyết liệt, đúng tinh thần đột phá.
Về những giải pháp bảo đảm cho nền kinh tế thị trường lưu thông thông suốt, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, phải bảo đảm sự thông suốt quốc gia, phải có chế tài nghiêm khắc đối với những địa phương và cá nhân cản trở mạch lưu thông chung, cố tình trì hoãn hoặc hiểu không đúng, hiểu lệch lạc quy định của Chính phủ. Thứ hai là phải có những chính sách, biện pháp giúp DN giảm chi phí sản xuất, giảm áp lực tài chính, miễn giảm, giãn thuế, phí,...
Nhưng để có hiệu quả tác động mạnh hơn, để các DN có thể đứng thẳng dậy được và “xốc tới” chứ không phải “lom khom hồi phục”, các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ và ngân hàng cần mạnh dạn chi hỗ trợ DN để “cứu” nền kinh tế.
Ngoài ra, cần tích cực mở cửa nền kinh tế vì hiện nay chúng ta đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh, do đó không nên lo sợ quá mức. Chúng ta thận trọng nhưng cũng cần tích cực.
Phân chia nhóm đối tượng phù hợp, tránh cào bằng
Về xây dựng chính sách, biện pháp phù hợp để phòng, chống, dịch, TS. Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc thích ứng linh hoạt, an toàn của DN trước đại dịch cần gắn với việc trao niềm tin, sự chủ động cho các DN trong ứng phó dịch bệnh. Việc tạo điều kiện cho các DN duy trì sản xuất, phục hồi kinh tế cần được xác định như một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và quyết liệt thực hiện. Bộ Y tế cần sớm hoàn thiện, ban hành quy định về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” để DN trên cả nước có căn cứ xây dựng phương án tổ chức sản xuất cũng như phòng, chống dịch phù hợp.
“Chúng ta cần nhìn nhận đại dịch COVID-19 như một thời cơ để thực hiện đột phá trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, đặc biệt cần chủ động rà soát, kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp lý và các quy định, chính sách cho phù hợp với điều kiện “bình thường mới”, mạnh dạn phá bỏ ngay những quy định cũ không còn phù hợp, xem xét ban hành các quy định pháp lý đặc biệt, trong thời hạn nhất định, để tạo cơ hội cho DN nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, khôi phục tăng trưởng kinh tế và đưa Việt Nam bứt lên giành vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu” - Phó Chủ tịch VCCI nêu quan điểm.
Giải pháp tiếp theo được ông Phòng nêu ra là đẩy nhanh hơn nữa việc xây dựng và triển khai chương trình tổng thể về phục hồi kinh tế, trong đó cần chú ý tới phân chia giai đoạn, phân chia nhóm đối tượng để có chính sách phù hợp, tránh cào bằng.
Đề cập về vai trò của DN trong việc phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, TS. Võ Đại Lược, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Kinh tế (Ủy ban Trung ương MTTQVN) cho rằng, nếu gia tăng các giải pháp tháo gỡ khó khăn về cơ chế chính sách, đổi mới tư duy, giải phóng cho DN khỏi các rào cản thì có thể các DN sẽ có cơ hội bứt phá tốt hơn. Bên cạnh đó, những hạn chế về logistics, về tiếp thu ứng dụng công nghệ mới cũng như chính sách về vấn đề đất đai... cần được Chính phủ quan tâm hơn nữa.
Đánh giá cao các ý kiến tâm huyết của đại biểu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQVN Lê Tiến Châu nhấn mạnh, cùng với các giải pháp đã đề cập, để duy trì được sản xuất thì các DN cũng cần tranh thủ, nắm bắt thời cơ để thực hiện đột phá về thể chế; loại bỏ những quy định là rào cản, chồng chéo, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; xây dựng, triển khai những chính sách tạo tiền đề cho chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số trong quản trị và hoạt động…, tạo sự đột phá trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Cùng với đó, cần tiếp tục quan tâm thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, đây vừa là giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, chăm lo đời sống cho nhân dân, nhưng cũng đồng thời là tiền đề để tạo nguồn lao động cho quá trình phục hồi, phát triển kinh tế của đất nước. Trong đó phải tăng cường vai trò của Mặt trận, tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội, đẩy mạnh truyền thông, nâng cao năng lực y tế,... để huy động sự chung tay của DN trong đẩy lùi dịch bệnh và phục hồi kinh tế...
"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"