Bởi, công bằng mà nói chúng ta – con người và các giống loài động vật trên thế gian này đều bình đẳng với nhau về quyền được sống an bình. Phải chăng đã đến lúc phải nghĩ tới vấn đề phúc lợi cho động vật, hay nói thẳng ra rằng cần phải có một đạo luật cấm hành hạ động vật ở Việt Nam?
Chỉ có quỷ dữ mới có thú vui tàn nhẫn như vậy!
Đó là lời bình luận đầy giận dữ của số đông khi xem những đoạn clip hành hạ động vật ở Việt Nam xuất hiện trên mạng thời gian gần đây. Ngày 20/8, trên facebook có tên là Kaevin Vũ Thông có đăng những hình ảnh dã man về việc giết những con linh trưởng. Chủ facebook này còn ngang nhiên thừa nhận chính mình và bạn bè đã đã giết những con linh trưởng.
Không chỉ giết, họ còn hành hạ và làm trò trên xác những con linh trưởng như chặt đầu một con linh trưởng để con khác cầm đầu, dựng xác một con linh trưởng đứng lên rồi nhét dao vào tay… Dã man hơn cả khi cả con linh trưởng con đang bú mẹ cũng bị giết và bị hành hạ bằng chiếc xích ở cổ buộc vào xác mẹ.
Ngày 28/8 cư dân mạng lại một lần nữa kinh hãi khi một nickname có tên P.D.H đăng tải đoạn clip giết chó dã man khiến nhiều người ám ảnh. Đoạn clip dài 7 phút ghi lại quá trình một nam thanh niên cởi trần, dùng dây thòng lọng bắt và đánh đập chú chó lôi ra từ chiếc chuồng bên cạnh. Sau đó, nam thanh niên giết và hứng máu vào một chiếc nồi. Tiếp tục công việc tương tự với hai chú chó tiếp theo, thanh niên này sau đó thản nhiên uống máu và cười vui vẻ trước máy quay.
Những ai yêu động vật và cả những người không yêu động vật nhưng biết kinh sợ trước cái ác đều không quên vụ chú chó bị bịt mõm bằng băng keo ở Bến Tre. Khi được giải cứu, những lớp băng keo oan nghiệt đã hoại tử toàn bộ một phần mõm con chó trơ ra xương trắng. Tôi không thể quên được giọt nước mắt của chính mình khi xem bộ ảnh và giọt nước mắt của những nhân viên cứu hộ đau đớn gỡ từng vòng băng keo ra khỏi mõm chú chó tội nghiệp.
Lucky (tên chú chó bị bịt mõm bằng băng keo ở Bến Tre) đã may mắn khỏe lại nhưng không phải chú chó nào cũng may mắn như vậy. Rất nhiều chú chó đã không được giải cứu, hoặc được giải cứu nhưng đã chết vì quá suy kiệt như Shin – chú chó được phát hiện tại Chương Mỹ, Hà Nội trong tình trạng bị quấn chặt băng keo ở mõm, lưỡi bị thương.
Chắc hẳn nhiều người đã từng nghe nói nhiều đến tình trạng những con bò bị nhồi no nước cho tăng cân trước khi bị giết thịt, nhưng nếu tận mắt chứng kiến hoặc tai nghe thấy cảnh này thì hẳn sẽ không có ai quên được.
Trong lần đi thực tế viết bài về vấn đề giết mổ bò Úc lậu ở Việt Nam, tôi đã nghe những tiếng kêu đầy đau đớn của những con bò và những âm thanh va vào bức tường chắn bằng tôn mà chỉ có thể lý giải đó là sự vùng vẫy của con bò khi bị dồn đến chân tường, phải chịu đau đớn, khó chịu khi những chiếc ống nước luồn sâu vào dạ dày chúng và bơm nước xối xả. Kể từ lần đó, những đĩa thịt bò xào, những miếng bít tết bò dường như không còn hấp dẫn nữa vì tôi đã biết nó được trả giá bằng nỗi đau của những sinh linh.
“Voi Việt Nam sẽ tuyệt chủng nếu tiếp tục bị ngược đãi” – đó là nhận định của bà Sarah Brook, Điều phối viên bảo tồn loài động vật hoang dã của WWF Chương trình Việt Nam về vấn đề bảo tồn voi và các loài động vật hoang dã khác ở Việt Nam vào năm 2011. Lời nhận định này vô cùng có lý khi thỉnh thoảng lại thấy xuất hiện những thông tin kiểu như “voi chết vì bị những vết đâm chém chằng chịt, cưa vòi”; “voi chết vì bị khai thác quá mức để phục vụ du lịch.
“Tại Việt Nam, chỉ trong vòng từ 12 -18 tháng, hơn 10 cá thể voi được phát hiện bị giết hại tại tỉnh Đồng Nai và Đắk Lắk. Công tác bảo vệ loài voi ở Việt Nam sẽ khó có hy vọng nếu như chúng tiếp tục bị ngược đãi và săn bắn để làm đồ trang trí” - bà Sarah Brook nhấn mạnh…
Phúc lợi động vật – một khía cạnh của xã hội văn minh
Năm 2005 pháp luật Việt Nam đã có quy định quản lý nuôi nhốt gấu. Nhưng theo điều tra của các tổ chức thì có rất nhiều cá thể gấu bị nuôi nhốt dưới hình thức giam cầm trong lồng sắt, không cung cấp các thức ăn tự nhiên và nguồn nước không đảm bảo. Việt Nam là đất nước mỗi năm có 5 triệu con chó bị giết để phục vụ cho sở thích ẩm thực.
Dù món thịt chó là nét văn hóa đặc trưng, tập quán, nghèo đói hay hình thức hưởng thụ, nhưng nhìn từ các góc độ lòng trắc ẩn, tâm linh và trật tự xã hội thì nó đang là vấn đề nhức nhối. Một con chó có thể bị giết ngay bên cạnh một con chó khác, hoặc ngay trước mặt trẻ em bằng nhiều cách thức tàn nhẫn như dùng gậy đập đầu cho đến chết, cắt cổ, mổ bụng bằng loại dao lớn và thui da khi đang sống...
Thực tế này cho thấy, đến lúc phải nghĩ tới vấn đề phúc lợi cho động vật. Vậy phúc lợi động vật là gì? Câu trả lời đã được các nhà hoạt động xã hội, môi trường đưa ra tại hội nghị “Phúc lợi động vật Việt Nam 2014” diễn ra tháng 9/2014 tại TP.HCM do bốn nhóm hoạt động vì phúc lợi động vật gồm: Tổ chức Yêu động vật Việt Nam (YDV), Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia Foundation), Tổ chức Nhân đạo quốc tế (Human Society International), Tổ chức Kairos Coalition, Hoa Kỳ chủ trì.
Theo đó, phúc lợi cho động vật “là dù trong bất kỳ điều kiện nào, tất cả mọi con vật cũng có quyền sống theo tự nhiên và đặc tính của từng loài, phù hợp thể trạng của từng cá thể mà không bị sức ép tâm lý hay bệnh tật. Cụ thể, động vật hoang dã cần được sống trong môi trường tự nhiên của chúng, không có bất kỳ sự xâm phạm trực tiếp hay gián tiếp từ phía con người.
Ngoài việc không bị săn bắt, giết hại, những con vật này cần được tự do thay vì nuôi nhốt để phục vụ lợi ích hay thỏa mãn thú vui của con người. Đối với động vật là thú nuôi trong nhà cần phải đối xử với chúng như những người bạn, không giam cầm, ngược đãi và bắt chúng làm theo lợi ích của con người đi ngược lại với đời sống tự nhiên của chúng.
Chó, mèo hay những con vật nuôi trong nhà cần phải được sống trọn vòng đời của nó bên con người, được hưởng đầy đủ việc chăm sóc thú y, không chia rẽ bầy đàn, không phải chịu đau đớn vì lợi ích của con người. Đối với động vật chuồng trại và gia cầm cũng cần được hưởng sự phúc lợi tuyệt đối về môi trường”.
“Phúc lợi cho động vật” – nhiều người nghe thấy cụm từ này hẳn sẽ bĩu môi mà cho rằng xa xỉ khi con người còn chưa lo xong thì lo gì tới con vật. Nhưng cứ thử nghĩ xem nhân danh việc đứng đầu chuỗi thức ăn, con người cho phép mình xơi thịt của tất cả những giống loài khác phía dưới mà có thể ăn được. Tôi ăn thịt, bạn ăn thịt, điều đó không có gì sai. Nhưng, nếu vì thỏa mãn nhu cầu ăn thịt đó mà cho phép mình hành hạ dã man các con vật thì điều đó cần phải bị xem lại, phải bị lên án.
Bởi, công bằng mà nói chúng ta – con người và các giống loài động vật trên thế gian này đều bình đẳng với nhau về quyền được sống an bình. Rõ ràng phúc lợi động vật không phải được xây dựng từ giáo lý môn đạo nào, hay triết lý giáo điều thâm căn cố đế, càng không phải là một phong trào tự phát của những con người nhàn cư. Đơn giản, phúc lợi động vật là một cách thể hiện lòng từ bi, tình yêu thương của con người dành cho những giống loài khác. Đó chính điều mà một xã hội văn minh cần được dung nạp, bổ sung.
Cần có đạo luật cấm hành hạ động vật ở Việt Nam
Bên cạnh phúc lợi động vật, đã đến lúc cũng cần phải có một đạo luật cấm hành hạ động vật ở Việt Nam. Qua tìm hiểu, người viết bài nhận thấy, ở nhiều nước trên thế giới, đã từ rất lâu, hành vi đối xử tàn nhẫn với động vật như vậy đã bị coi là phạm pháp. Bên cạnh việc ban hành đạo luật bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã, quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng, nhiều quốc gia còn xây dựng một hệ thống pháp luật để điều chỉnh việc chăn nuôi, chăm sóc, giết mổ… gia súc, gia cầm và vật nuôi khác.
Hàn Quốc là quốc gia có nhiều nét tương đồng với Việt Nam về việc ăn thịt chó. Trong giai đoạn từ năm 1975-1978, loài chó được coi là một loài động vật để giết thịt, tuy nhiên quy định pháp lý này sau đó đã vấp phải nhiều phản ứng từ dư luận và Chính phủ Hàn Quốc đã có những bước đi quyết liệt để bảo vệ chó, mèo. Luật pháp hiện nay của Hàn Quốc quy định hành vi buôn bán, giết mổ thịt chó là bất hợp pháp.
Luật Bảo vệ động vật năm 2007 của Hàn Quốc nhấn mạnh: “Hành vi giết hại động vật tàn bạo như treo cổ, hoặc giết thịt nơi công cộng, trước mặt các đồng loại của con vật đều bị nghiêm cấm”. Tại Úc, mỗi bang lại có những chế tài riêng để trừng phạt các hành vi đối xử bất công, tàn nhẫn, phi nhân đạo đối với động vật, tuy nhiên tất cả đều có điểm chung là án tù và tiền phạt. Mức án tù tối đa đối với những hành vi đối xử tàn nhẫn với động vật có thể lên tới 5 năm, còn mức phạt tiền có thể lên tới 100.000 đô la Úc đối với cá nhân và 500.000 đô la đối với tập thể.
Nước Anh cũng có những quy định rất cụ thể để bảo vệ các loài động vật nuôi và chó, mèo nói riêng. Những hành vi giết thịt, hành hạ dã man chó, mèo đều bị nghiêm cấm và bị trừng phạt rất nặng. Hồi tháng 8/2013, một người nuôi chó ở Barrhead, Anh đã phải ngồi tù tới 6 tháng vì tội hành hạ, đánh đập dã man con chó nuôi của mình…
Còn ở Việt Nam, việc bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng, động vật rừng cũng đã được quan tâm từ lâu. Điều này thể hiện qua việc Nhà nước đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật cấm săn bắt, nuôi, nhốt, giết, vận chuyển, mua bán trái phép động vật hoang dã, đánh bắt động vật rừng… cũng như chế tài đối với người vi phạm.
Có thể kể đến như Luật Bảo vệ phát triển rừng 4, Luật Đa dạng sinh học, cùng các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành. Riêng Bộ luật Hình sự đã đưa ra những hình phạt nghiêm khắc đối với tội phạm vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm.
Tuy nhiên, nhìn vào các quy định hiện hành ở trong nước có thể thấy, việc bảo vệ động vật mới dừng lại ở việc quan tâm bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng mà chưa quan tâm nhiều tới các loại động vật nuôi trong nhà.
Mặt khác, pháp luật hiện hành cũng chưa có quy định điều chỉnh hay ngăn cấm việc mang vật nuôi ra đánh đập, hành hạ, tra tấn, gây đau đớn cho con vật để mua vui, tiêu khiển. Phải chăng đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều con vật nuôi bị nhiều người hành hạ, đối xử tệ bạc và ngang nhiên chụp hình, quay phim quảng bá lên các phương tiện truyền thông thời gian gần đây?