Số phận buồn của di sản bị “bà hỏa” viếng thăm
Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Bắc Ninh vừa có Công văn số 127/BC-SVHTTDL báo cáo Bộ VH-TT&DL về việc xảy ra cháy tại khu di tích kiến trúc - nghệ thuật chùa Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Theo đó, sự cố cháy ở khu di tích này bước đầu được xác định chỉ cháy một phần nhỏ chứ không phải cháy rụi di tích 300 tuổi như một số phương tiện truyền thông đã đưa tin. Tuy nhiên, sự việc xảy ra đã khiến rất nhiều người giật mình lo lắng trước “số phận” các di sản Việt Nam nếu bị “bà hỏa” thăm viếng. Một hồi chuông cảnh báo lại vang lên về sự tồn tại và mất đi của một di sản văn hóa quý giá.
Gần chục năm nay, nhiều di sản hàng trăm tuổi liên tiếp biến thành tro bụi với sự “tiếp tay” của trăm lẻ một nguyên nhân. Có một thực tế, hầu hết các đình, đền, chùa đều nghi ngút khói. Vì yếu tố tâm linh, nhiều khách thập phương đã đốt hương, đốt nến, vàng mã dù nơi thờ tự, di sản ấy có biển cấm, trong khi những di sản ấy lại đa phần làm bằng gỗ dễ bắt lửa.
Chùa Đức Quang (TP.HCM) bị cháy do đốt nến gây cháy lan. Chùa Dơi nổi tiếng ở Sóc Trăng cũng phát hỏa do 60 cây nến bị đổ, thiêu rụi toàn bộ mái trên của chánh điện. Chùa Tảo Sách (Hà Nội) cũng bị cháy rụi tòa Tam Bảo với diện tích khoảng 150m2 do đốt vàng mã. Chùa Hội Sơn 300 tuổi ở TP.HCM cũng bị thiêu hủy do chập điện. Tương tự là số phận ngôi nhà Lang tại Bảo tàng Không gian văn hóa Mường ở tỉnh Hòa Bình đã bị “xóa sổ” do du khách tự ý đốt lửa để nướng ngô.
Chùa Hội Sơn (TP.HCM) bị cháy rụi. |
Đa số di tích có giá trị hiện nay đều là kiến trúc gỗ, rất dễ bắt cháy và khó cứu vãn nếu xảy ra hỏa hoạn. Trong khi đó, ý thức chữa cháy của người quản lý di tích rất kém. Theo Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Nguyễn Hữu Toàn, ở các di sản, Cục đã có yêu cầu, đôn đốc việc phòng cháy, chữa cháy. Tuy vậy, không phải nơi nào cũng thực hiện tốt việc này. Nhiều di tích, việc sắm bình cứu hỏa như để… cho có, thậm chí có nơi cho vào kho rồi khóa lại. Khi có hỏa hoạn xảy ra, họ mới cuống lên đi tìm chìa khóa để mở cửa kho lấy bình cứu hỏa. Lấy được bình cứu hỏa thì di sản đã bị “bà hỏa” nuốt chửng.
Chưa kể tới việc một số đình, đền ở tỉnh thường xuyên cửa khóa then cài. Chỉ khi có dịp lễ tết, ngày tuần, người quản lý mới tới mở cửa. Khi có đám cháy, việc cứu chữa rất khó xoay xở. Đối với các di tích nằm trong khu vực đông dân cư thì ngay cả các lối ra vào nhỏ hẹp cũng bị người dân lấn chiếm, việc dập lửa không hề đơn giản.
Xử phạt kiểu “hòa cả làng”
Các di tích hàng trăm năm bị hỏa hoạn thiêu hủy với những giá trị về văn hóa, lịch sử, tâm linh vô giá bị mất đi đã là nỗi xót xa của bao người biết trân quý di sản, giá trị văn hóa, tâm linh. Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng xót xa: “Với di sản văn hóa, nếu không được gìn giữ thì một khi đã mất là vĩnh viễn. Thiệt hại không thể đo đếm bằng tiền. Chẳng có tiền nào mua nổi giá trị lịch sử”.
Theo Luật Di sản thì các ban quản lý di tích tại địa phương, các cá nhân trông coi di tích cũng cần được tập huấn về chuyên môn quản lý di tích, nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa trước cộng đồng. Các đơn vị, cá nhân này phải có bản cam kết với chính quyền địa phương hoặc cơ quan văn hóa về trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa được giao trách nhiệm quản lý. Chính quyền địa phương cần có quy chế cụ thể về việc khen thưởng, xử phạt đối với các đơn vị, cá nhân nhận trách nhiệm này.
Thế nhưng, một nghịch lý là tại những nơi như trung tâm thương mại, chợ, tòa nhà, nếu có cháy xảy ra, những người quản lý tùy theo mức độ có thể bị xử phạt hành chính hoặc hình sự, nhưng khi các di sản quý giá của cha ông để lại bị cháy thành tro thì chưa một thành viên quản lý di tích nào phải chịu trách nhiệm, bị xử phạt. Họ đổ lỗi cho khách quan, “họa vô đơn chí”. Sau những điều tra, rút kinh nghiệm thì cuối cùng tất cả đều “chìm xuồng”.
Việc xử lý theo kiểu “cha chung không ai khóc” sẽ có thể “đưa đường, chỉ lối” cho “bà hỏa” tiếp tục thiêu rụi các di sản văn hóa quý giá của cha ông. Đáng buồn thay…