Phức tạp vụ cô thợ may kiện vợ người tình

Hồ sơ vụ án từng được điều tra bổ sung nhiều lần, từng bị đình chỉ điều tra, rồi cùng với việc nghị án kéo dài (5 ngày) như trên cho thấy, việc kết tội bị cáo trong vụ án này không hề đơn giản. Nhất là trong khi các  luật sư đang có ý kiến  rằng, hồ sơ vụ án đã bị tạo dựng.

Từ ngày 22/3, TAND huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) mở phiên xét xử bị cáo Nguyễn Thị Thu (Sn 1975, trú tại xã Trung Kiên, Yên Lạc) về tội "Huỷ hoại tài sản". Sau 3 ngày xét hỏi và tranh luận, HĐXX quyết định tuyên án vào ngày mai.

Hồ sơ vụ án từng được điều tra bổ sung nhiều lần, từng bị đình chỉ điều tra, rồi cùng với việc nghị án kéo dài (5 ngày) như trên cho thấy, việc kết tội bị cáo trong vụ án này không hề đơn giản. Nhất là trong khi các  luật sư đang có ý kiến  rằng, hồ sơ vụ án đã bị tạo dựng.

Vụ án từ chuyện "chung chồng"

Vụ án bắt đầu từ việc chị Trần Thị Hương có đơn đến công an xã tố cáo việc bị chị Thu vẩy nước bẩn làm hư hại vải vóc, quần áo, máy may… vào ngày 20/9/2009 tại cửa hàng may tại xã Trung Kiên. Vụ việc có nguyên nhân từ chỗ, chị Thu đến "gây sự" do chồng mình đang "cặp bồ" với chị Hương.

dhngh
Hai mẹ con bị cáo Thu tại khuôn viên TAND huyện Yên Lạc.

Từ việc Hội đồng thẩm định giá huyện Yên Lạc xác định tài sản bị thiệt hại là 8,1 triệu đồng, CQĐT Công an huyện Yên Lạc đã khởi tố vụ án "cố ý huỷ hoại tài sản". Vài tháng sau, cơ quan này tiếp tục khởi tố, bắt giam chị Thu vì cho rằng đơn tố cáo của bị hại là chính xác.

Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, bị can luôn chối tội. Trong khi đó, con của bị can là cháu Nguyễn Mai Anh (11 tuổi) lại nhận mình là người gây nên những vết bẩn trên vải vóc của chị Hương. "Lợi dụng lúc mẹ không ở nhà, cháu cùng em Hoàng lấy chai nước, trộn mực học sinh và ném vào quán may của cô Hương vì căm tức cô đã làm cho bố mẹ cháu chia tay nhau", cháu Anh kể.

Tại phiên toà, bị cáo tiếp tục kêu oan, chỉ thừa nhận đến cửa hàng may để cãi nhau sau khi việc ném nước mực của con đã xảy ra. Lời khai này khá phù hợp với lời khai của nhiều nhân chứng quan trọng khác: cháu Nguyễn Việt Hoàng (8 tuổi- người được cho là đi đến cửa hàng may cùng Mai Anh) nói: ‘cháu ngủ dậy và đi bộ đến nhà bạn Khánh gần đấy chơi. Khi nhìn thấy chị Mai Anh cầm chai nước thì cháu có đi theo. Khi đến quán cô Hương, chị Mai Anh cầm chai nước đó hất vào quán.

Lúc đó, cô Thu không có mặt". Còn anh Nguyễn Duy Hậu khai, "tôi chỉ trông thấy cháu Mai Anh đến quán chị Hương và hất nước bẩn vào chứ không hề thấy chị Thu. Mãi một lúc sau mới thấy chị Thu xuất hiện mà không cầm trên tay bất kỳ một vật gì". Phía các nhân chứng là người thân của bị hại khai cũng rất mâu thuẫn về hành vi của bị cáo: Bà Thành (bác chị Hương) khai, ‘cháu Mai Anh hất nước bẩn vào người tôi, còn chị Thu thì hất nước ở chỗ khác’.

Trong khi đó, chị Dung (em gái chị Hương) lại khai “Thu cùng em gái xông vào nhà hất ngược hất xuôi rồi chạy ra luôn”. Còn bản thân bị hại Hương lại khẳng định “thấy Thu cùng đi với chị Huyền (em gái chị Thu) và cháu Mai Anh. Thấy cháu Mai Anh cầm một lọ nước bẩn,  chị Thu bảo con hất nước vào xe máy và nền nhà của tôi’…

Đổi thủ phạm và "thêm" thiệt hại?

Với những lời khai này, các luật sư bào chữa cho bị cáo có ý kiến, vụ án hình sự này không chỉ bị tạo dựng về thủ phạm mà còn bị tạo dựng cả về thiệt hại. ‘Lộ’ nhất là việc, biên bản do công an xã lập ngay sau khi xảy ra vụ việc chỉ thể hiện tang vật vụ án là ‘2 viên gạch lục đặc”. Nhưng sau đó CQĐT lại thu giữ thêm 49 mảnh vải, 3 chiếc quần, 6 chiếc áo may dở và 4 nửa vỏ chai nhựa (có chất bẩn bên trong).

Thời gian giữa hai lần lập biên bản này là hàng tiếng đồng hồ nhưng lại không có gì để đảm bảo hiện trường để giữ nguyên cả. (thậm chí, KLĐT cũng thừa nhận ‘hiện trường bị xáo trộn’). Liệu ai bị hại có cố tình tạo thêm thiệt hại để làm trầm trọng hóa vụ việc này? Chứng minh ghi ngờ này, các luật sư cho biết, sau khi vụ việc xảy ra, bản thân chị Hương giữ chìa khoá cửa hàng chứ không gửi chìa khoá ở công an xã ngay trong buổi sáng như lời khai tại toà
 
Đi thẳng vào vấn đề, Luật sư Nguyễn Văn Lang (Vĩnh Phúc) khẳng định, số vải vóc bị ướt đã được đưa thêm vào bởi với lượng nước ít như vậy thì không thể làm ướt áo bà Thành, tưới lên sàn nhà và xe máy rồi làm hỏng cả trăm mét vải được. Ngoài ra, Kết luận giám định khẳng định có vết chổi quét trên các tấm vải.

Vậy, ai là người tạo ra vết quét chổi này? Ls Lang ám chỉ thẳng vào phía bị hại: "Người đứng ngoài cửa không thể tạo được những vết đập ở thân máy may hoặc làm tung tóe nước bẩn trong của hàng may được. Chỉ những đứng rất gần, ngay trong cửa hàng mới làm được điều này".

Còn Ls Trần Đình Triển (Hà Nội) đặt dấu hỏi, những viên gạch ở hiện trường đã được công an xã thu giữ. Vậy gạch ở hiện trường như trong biên bản khám nghiệm sau đó thì lấy ở đâu ra?. Ai đã ném thêm vào?

Về vi phạm tố tụng, Ls Trần Đình Triển (Hà Nội) phát hiện, tại biên bản khám nghiệm hiện trường, người ghi biên bản không phải là người đã ký tên với tư cách người ghi biên bản. Biên bản tạm giữ hiện vật được làm cùng thời điểm với biên bản khám nghiệm hiện trường.

Thời gian lập biên bản có 15 phút nhưng ĐTV đã viết tới 5 trang giấy, lại vừa kiểm kê rất nhiều hiện vật là điều vô lý; Biên bản định giá có chữ ký ông Phạm Văn Khanh nhưng người này lại không có tên trong Hội đồng định giá; chụp ảnh hiện trường do người dân thực hiện chứ không phải Điều tra viên…

Thừa nhận thực tế này nhưng không có lý giải rõ ràng, Kiểm sát viên vẫn dùng những tài liệu trên làm chứng cứ truy tố bị. Ngược lại, phía các Luật sư bào chữa đều cho rằng, thân chủ mình vô tội. “Phía sau vụ án này là gì?. Chồng bị cáo và bị hại có quan hệ bất chính nhưng VKS không hề có văn bản kiến nghị bị xử lý. Đáng lẽ phải khởi tố hai người này hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng thì cơ quan tiến hành tố tụng lại đưa chị Thu ra toà", LS Triển phát biểu.

Khoa Lâm