Sửa sai lớn nhất trong lần xét xử sơ thẩm, phúc thẩm lần 2 đối với bị cáo Mai Thị Chung (SN 1975, nguyên chủ Doanh nghiệp tư nhân Tuấn Đạt, Thanh Hóa) có lẽ chỉ ở phần nhập vụ án, tổng hợp hình phạt và “loại” bớt bị hại. Nếu như 2 bản án trước đây, TAND Thanh Hóa không thực hiện tổng hợp hình phạt đối với bị cáo Chung (khiến tổng hình phạt tại 2 bản án của bị cáo này là 45 năm 6 tháng tù giam) thì lần này, Tòa Sơ thẩm và Phúc thẩm (lần 2) đã “khắc phục” các sai sót này bằng việc “gộp” vào một vụ án và tuyên Chung 29 năm 6 tháng tù giam. Còn những sai sót khác được Tòa bỏ qua, không xét.
Tiêu tiền khi chưa chiếm đoạt
Theo cáo buộc, tính đến thời điểm đầu tháng 5/2007, bị cáo Mai Thị Chung (SN 1975, nguyên chủ Doanh nghiệp tư nhân Tuấn Đạt, Thanh Hóa) còn nợ khoảng 2,1 tỷ đồng của 7 người và tiền hàng của Cty Xi măng Bỉm Sơn. Cho rằng Chung sử dụng tiền để đánh bạc, chơi lô đề... dẫn đến mất khả năng trả nợ và còn làm Hộ chiếu để “có ý định” bỏ trốn, các cơ quan tố tụng đã quy kết Chung “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Nhưng ngoài lời khai nhận ban đầu của Chung thì không có chứng cứ chứng minh Chung chơi lô đề. Sau này, Chung phản cung và khẳng định mình đã bị Điều tra viên ép cung phải nhận chơi lô đề. Bị cáo này khai: “Cuốn sổ giao tiền hàng có ghi nội dung chơi lô đề là sổ theo dõi thu, chi của gia đình bị cáo và bị cáo cũng không biết tại sao ở những khoản thu - chi này lại có nội dung “được - thua” và “lô - đề” ở đây”.
Thế nhưng Hội đồng xét xử phúc thẩm (HĐXX) đã không quan tâm, làm rõ chữ viết “phô tô” từ cuốn sổ ra có phải là của Chung hay không? Chung chơi lô đề với ai và thắng - thua cụ thể ra sao? Trong cuốn sổ ghi đánh đề thua 1,2 tỷ nhưng HĐXX lại cáo buộc Chung sử dụng cả 2,1 tỷ vào mục đích “bất hợp pháp”. Đã vậy, khi Chung đề nghị được xem cuốn sổ để xác định chữ viết của mình thì HĐXX kiên quyết từ chối, không cho xem.
Tại phiên xử, Luật sư Dương Kim Sơn cho rằng: “Chính vì không chứng minh được bị cáo chơi lô, đề nên cơ quan điều tra (CQĐT) mới không xử lý Chung về tội đánh bạc. Nếu thế thì không được quy kết Chung mang tiền đi chơi lô đề”. Ngoài ra, theo cuốn sổ thì Chung đánh đề từ tháng 1/2006 đến tháng 2/2007, các khoản nợ và mua xi măng trả chậm của Chung lại chỉ diễn ra từ tháng 3/2007. Tại sao HĐXX vẫn chấp nhận sự “ngược đời” là Chung tiêu tiền trong khi không hề có tiền trong tay.
Mất khả năng thanh toán do bị bắt?
Các khoản nợ trên của Chung bị cơ quan tiến hành tố tụng coi là “mất khả năng thanh toán”. Tuy nhiên, thực chất của việc này là gì?
Trong quá trình mua bán, Chung đã bán cho bà Mai Thị Ngoát hơn 3.400 tấn xi măng nhưng không lấy được tiền. Cấp Giám đốc thẩm cho rằng, nếu Chung bị bà Ngoát “xiết nợ” thì đây chính là lý do bị cáo không trả được tiền cho Cty Xi măng Bỉm Sơn; Tòa án cần phải xem xét, buộc bà Ngoát phải trả lại hơn 3.400 tấn xi măng này cho chủ sở hữu nên bà này phải được xác định là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Thế nhưng Tòa cấp sơ thẩm và phúc thẩm vẫn coi bà Ngoát là nhân chứng trong vụ án mặc dù CQĐT đã xác định rõ bà này chính là người viết phiếu để Chung nhận xi măng từ Cty và bị Chung tố cáo là “làm giả bản fax” để lừa đảo.
Cần nhắc lại rằng, bà Ngoát chính là người đầu tiên có đơn tố cáo Chung đến cơ quan công an vào tháng 4/2007. Và từ đơn tố cáo này, Chung đã bị CQĐT Công an (CA) TX.Bỉm Sơn khởi tố, bắt giam về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Đến nay, khi khoản nợ hơn 700 triệu của bà Ngoát đã được Tòa coi là “quan hệ dân sự” càng chứng tỏ việc CA TX.Bỉm Sơn quy kết Chung “chiếm đoạt” tiền của bà Ngoát năm 2007 là quá vội vàng. Đáng tiếc là sự “vội vàng” này lại dẫn đến việc bắt giam khiến cho nhiều chủ nợ hoang mang và có “đơn đòi nợ” Chung đến cơ quan Công an mặc dù trước đó họ không hề tố cáo Chung.
Như vậy thì cần nhìn nhận việc Chung “mất khả năng thanh toán” là xuất phát từ nguyên nhân nào? Do Chung thua lô đề, làm ăn thua lỗ hay do bị bắt tạm giam?
Vạ lây vì cầm tiền hộ
Tại phiên xử lại vào ngày 1/8 vừa qua, toàn bộ 7 bị hại là các chủ nợ của Chung đều vắng mặt. Bị cáo kêu oan và đề nghị được đối chất với từng bị hại nhưng HĐXX vẫn ra phán quyết dù nhiều khoản nợ còn rất “tù mù”.
Đơn cử như đối với khoản nợ 400 triệu của chị Trịnh Thị Thanh, Chung khẳng định mình viết giấy nợ này là “khống” bởi do phải mượn Sổ đỏ của chị này để đi vay ngân hàng chứ không vay tiền thật. Rất tiếc, “bị hại” Thanh không có mặt ở phiên tòa để làm rõ việc “cho thuê” sổ đỏ này nhưng vẫn được Tòa tuyên “hưởng” 400 triệu đồng.
Vô lý hơn là việc “hình sự hóa” khoản 300 triệu thể hiện trong “Giấy vay tiền” của chị Huệ. Dù không chứng minh được hành vi chiếm đoạt, Chung vẫn bị Tòa tuyên buộc phải trả tiền cho chị Huệ khoản 300 triệu “cầm hộ” này. Như vậy là trong khoản 1,2 tỷ đồng tiền nợ của Chung nêu trên, thì ít nhất đã có 700 triệu là nợ “ảo”?
500 triệu đồng còn lại thì có khoản là nợ tiền trong mua bán hàng hóa, nợ chưa đến hạn trả (khoản nợ 190 triệu của anh Lê Văn Hùng) hoặc quan hệ vay, mượn có cam kết trả nợ… Rất tiếc, tất cả 7 khoản nợ trong làm ăn, kinh doanh này của Chung đều đã bị cơ quan điều tra can thiệp./.