Hết nợ, không bỏ trốn vẫn bị ép nhận tội?

(PLO) - Mặc dù 2 bản án của TAND tỉnh Thanh Hóa xử Mai Thị Chung tổng cộng 45 năm 6 tháng tù giam đã bị TANDTC tuyên hủy vì có nhiều sai lầm trong xác định tội danh, đánh giá chứng cứ và không tổng hợp hình phạt nhưng khi xét xử lại theo trình tự sơ thẩm  thì TAND tỉnh Thanh Hóa vẫn bỏ qua quan điểm của VKSNDTC và TANDTC tại bản kháng nghị và Quyết định giám đốc thẩm. 
Bị cáo Chung tại phiên tòa
Bị cáo Chung tại phiên tòa
Tại phiên tòa phúc thẩm bị hoãn mới đây, không hiểu vì lý do gì mà Hội đồng xét xử (HĐXX) không triệu tập bị hại, người có quyền lợi liên quan và nhân chứng tham gia phiên tòa. Chính vì vậy, khi bị cáo Chung khai ra nhiều tình tiết để chứng minh sự vô tội của mình và Luật sư đưa ra quan điểm bào chữa cho bị cáo thì Kiểm sát viên lúng túng và đã phải đề nghị HĐXX cho “hoãn phiên tòa” để triệu tập những người tham gia tố tụng khác nhằm làm rõ vấn đề.
Cũng tại phiên tòa phúc thẩm này, những lời khai của bị cáo Chung đã cho thấy việc điều tra vụ án này có nhiều điều bất thường, mang dấu hiệu lạm quyền… Hiện chưa biết đến bao giờ phiên tòa phúc thẩm vụ án sẽ được mở lại dù đã quá thời hạn được hoãn (30 ngày) theo quy định của luật tố tụng. 
Bị cáo bị giam “lố” 14 ngày?
Trong các Kết luận điều tra (KLĐT), Cáo trạng, Bản án của cơ quan tiến hành tố tụng (THTT) tỉnh Thanh Hóa đều thể hiện Mai Thị Chung ((SN 1975, nguyên chủ Doanh nghiệp tư nhân - DNTN - Tuấn Đạt) bị bắt tạm giam từ ngày 12/5/2007. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo cho biết mình bị Công an TX.Bỉm Sơn bắt giam, khám nhà, thu giữ tài liệu từ ngày 28/4/2007.
Ông Mai Huy Liệu (bố bị cáo Chung) cũng khẳng định con gái ông bị bắt giữ từ sáng 28/4 và kể từ ngày đó thì không được về nhà lần nào. “Tôi nhớ rõ bởi đó là trước ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5”. Ngoài lời xác nhận của một số hàng xóm thì ông Liệu còn đưa ra “Biên bản tạm giữ giấy tờ xe ô tô” do ông Nguyễn Văn Xiêm (Đội phó Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, chức vụ) và ông Nguyễn Tất Quyến (Điều tra viên) Công an TX.Bỉm Sơn lập vào chiều 28/4/2007 thể hiện, Công an TX.Bỉm Sơn tạm giữ toàn bộ giấy tờ pháp lý của xe ô tô BKS 36M- 0723.
Thực tế thì vào thời điểm tháng 5/2007, Chung đồng thời bị 2 cơ quan điều tra (CQĐT) cùng khởi tố là CQĐT Công an TX.Bỉm Sơn (vụ vay tiền ngân hàng) và CQĐT Công an tỉnh Thanh Hóa (vụ mua - bán xi măng). Sau này hai vụ án nhập thành một do Công an tỉnh Thanh Hóa điều tra.  
Phải chăng do việc nhập vụ án như trên nên các cơ quan THTT tỉnh Thanh Hóa chỉ ghi nhận việc Chung bị tạm giam ở cấp tỉnh mà đã “quên” giai đoạn Chung bị khởi tố ở cấp huyện trước đó, dẫn đến xác định sai thời điểm Chung bị tạm giam? Theo ông Liệu thì hiện nay ông còn khá nhiều tài liệu khác thể hiện con ông bị Công an TX.Bỉm Sơn bắt vào ngày 28/4/2007 và ông sẵn sàng cung cấp những chứng cứ này nếu được Tòa yêu cầu.
Từ việc khẳng định bị bắt vào ngày 28/4, bị cáo Chung tiếp tục phản bác cáo buộc của CQĐT rằng “bị cáo làm hộ chiếu để định bỏ trốn đi nước ngoài”. Chung khẳng định: “Đã có người giả mạo bị cáo để kê khai xin cấp hộ chiếu vào ngày 11/5/2007 vì chữ viết, chữ ký trong tờ khai này không phải của bị cáo. Vả lại, vào thời điểm đó, bị cáo đang bị tạm giam thì không thể đi ra ngoài để làm tờ khai này được”.
Gia đình bị cáo “tố” nhiều sai phạm của cơ quan điều tra? 
Cũng tại phiên tòa phúc thẩm, Chung còn cho biết: “Tất cả những khoản nợ  đều là do bị cáo tự khai báo với Điều tra viên chứ lúc đó không có  đơn tố cáo của bất kỳ chủ nợ nào. Vào thời điểm bị bắt, có rất nhiều khoản nợ chưa đến thời hạn thanh toán”. 
Tuy nhiên, sau đó có 12 khoản nợ “tự khai báo” này đã bị CQĐT buộc tội “Lạm dụng tín nhiệm”.  Liên quan đến khoản nợ ngân hàng của Chung, ngày 28/4/2007 Công an TX.Bỉm Sơn đã tạm giữ toàn bộ giấy tờ xe ô tô BKS 36M-0723, “yêu cầu không được mua bán, đổi chác” vì cho rằng “chiếc xe có liên quan đến việc DNTN Tuấn Đạt nợ tiền ngân hàng và một số cá nhân, không có khả năng thanh toán”. Sau đó, Ngân hàng đã làm thủ tục bán chiếc xe trên cùng một số tài sản thế chấp khác để trừ nợ.
Nhưng sau này Chung lại không bị truy cứu trách nhiệm hình sự liên quan đến các hoạt động vay tiền tại ngân hàng (TAND tỉnh Thanh Hóa đã kết luận rằng các quan hệ thế chấp giữa ngân hàng và bên thế chấp là quan hệ dân sự, các khoản nợ có tài sản đảm bảo). Nếu vậy thì cần phải hiểu thế nào về việc Công an TX.Bỉm Sơn “xiết”giấy tờ xe để Ngân hàng lấy nợ như trên? Đây có phải là việc dùng “hình sự” can thiệp vào quan hệ dân sự?
Trao đổi với phóng viên, anh Mai Huy Thái (em bị cáo Chung) cho hay: “Ngoài việc phải gán 1 xe ô tô thì tôi đã phải nộp thêm  250 triệu để “chuộc” lại giấy tờ chiếc xe 36M- 0723 nêu trên dưới hình thức “mua xe của DNTN Tuấn Đạt”. Trong đó có 150 triệu nộp cho ngân hàng để trả nợ và 100 triệu nộp cho Công an TX.Bỉm Sơn. Nay, số tiền 100 triệu nộp cho Công an này không biết ở đâu, được xử lý ra sao?”.
Ngoài ra, trong vụ án này còn khoản hơn 100 triệu khác mà cách “chia chác” của CQĐT có nhiều bất thường và để lại hậu quả khó khắc phục: Trong quá trình điều tra thì Chung được Cty Trapaco (Hà Nội) trả hơn 287 triệu, trong đó có 187 triệu của Ngân hàng; 100.200.000 đồng còn lại đã được CQĐT vội vã chia cho 12 chủ nợ của Chung, trong đó người được nhiều nhất là bà Mai Thị Ngoát (28 triệu đồng). 
Không hiểu dựa vào quy định nào mà CQĐT đã tự ý “phân phát” số tiền trên cho 12 chủ nợ của Chung? Và cho đến nay, có ít nhất 5 người trong số này (có bà Ngoát) được Tòa xác định là “không phải bị hại của vụ án”. Vậy thì tới đây, ai trong CQĐT sẽ phải chịu trách nhiệm về 100 triệu do anh Thái nộp cũng như việc trả “lố” hàng chục triệu đồng cho 5 người không phải là bị hại trên đây?

Đọc thêm