Trước đó, đại diện VKSND Tối cao vẫn giữ nguyên quan điểm như đã từng phát biểu vào ngày 25/4. Còn đa số các luật sư đều có ý kiến đề nghị trả hồ sơ vì còn quá nhiều vấn đề chưa rõ hoặc còn mâu thuẫn. Dự kiến, bản án sẽ được công bố vào chiều ngày 7/5 tới đây.
Ý kiến trái chiều xung quanh chứng cứ mới
Ngày 28/4, HĐXX phúc thẩm đã tiếp nhận một số tài liệu mới được thu thập trong quá trình thực hiện tương trợ tư pháp với Liên bang Nga, do VKSND Tối cao chuyển tới. Ngay lập tức thì tài liệu này đã được các luật sư sao chụp để cùng nghiên cứu, đánh giá.
Nội dung của một trong số những tài liệu này thể hiện lời khai của công dân Prikhod A. A là người được nhận ủy quyền của CTy Global Success (GS). Tuy nhiên, ông này cũng hầu như là “không rõ”, “không biết”, “không nhớ”… trước các câu hỏi của Điều tra viên liên quan đến việc mua bán ụ nổi, liên quan đến nhận tiền hoặc chuyển 1,666 triệu USD tới Việt Nam.
Ngoài ra, còn có tài liệu thể hiện các thông số của ụ nổi 83M. Công ty cổ phần Nakhodka trình với hải quan Nga về những hợp đồng mua bán ụ nổi với Cty AP, thanh toán qua ngân hàng Bờ biển”….….
Về nguồn gốc của những tài liệu này, KSV cho biết, quy trình thu thập tài liệu đúng với quy định, có thông qua cơ quan tương trợ tư pháp liên bang Nga, cơ quan này sau đó mới chuyển đến Vụ hợp tác quốc tế VKSNDTC rồi đưa sang vụ 1B, sau mới chuyển đến tòa chiều 28/4.
Đánh giá về lý do tài liệu xuất hiện “giữa chừng”, KSV cho biết, yêu cầu bức xúc của luật sư là cần phải có tương trợ tư pháp từ Nga. Nếu giữ tài liệu này mà không đưa đến tòa thì cũng là trách nhiệm của cơ quan này. Còn nếu không đầy đủ tính hợp pháp thì việc tài liệu gửi đến cũng có thể để tham khảo.
VKS đề nghị Nga làm rõ quan hệ trong việc chuyển 1,666 triệu USD trong số 4,3 triệu USD mà Cty GS nhận được trong vụ mua bán ụ nổi 83M. Tuy nhiên, yêu cầu này không được đáp ứng vì quá thời hạn lưu trữ hồ sơ của Nga. Nếu Tòa thấy thiếu tài liệu này, cho rằng không có thì không đủ cơ sở tuyên các bị cáo có tội thì VKS cũng sẵn sàng đề nghị tuyên hủy án sơ thẩm, điều tra lại.
Ngay lập tức, các luật sư đã có ý kiến tranh luận lại. LS Lê Minh Công đưa ra quan điểm, tài liệu được thu thập sau khi vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm. Như vậy, không rõ quy trình thu thập như nào, có thể xem đây là tài liệu của vụ án này không và “đề nghị bỏ ra ngoài tập tài liệu mới này vì chỉ làm mất thời gian của tòa”.
Cùng ý kiến này, LS Hoàng Huy Được cho rằng, tài liệu tư pháp với nước ngoài theo quy định phải được dịch và chứng thực tại cơ quan lãnh sự ngoại giao. Không đáp ứng điều kiện này, tài liệu dù có lợi hay không có lợi cho bị cáo thì cũng không được sử dụng như một chứng cứ của vụ án.
Luật sư Trần Đình Triển nêu cụ thể hơn, tập tài liệu này đã được gửi từ Nga ngày 12/3/2014, kèm đó là bản khai của nhân chứng từ tháng 11/2013. Như vậy, trước phiên xử này đã có tài liệu này. Tại sao những tài liệu này bây giờ mới đến tòa?
Bị cáo Mai Văn Phúc bắt tay bố mình trên đường bị dẫn giải |
Liên quan đến yêu cầu của HĐXX đối với Ngân hàng TMCP Hàng Hải thì sáng nay, đại diện Ngân hàng này cho biết, trong thời gian từ chiều qua đến đêm, đon vị đã huy động toàn bộ cán bộ giỏi nhất để tra cứu nhưng vẫn chưa tìm được giao dịch rút tiền của Trần Hải Sơn từ tháng 6/2008 đến 2/2009. Với kết quả này thì đại diện Ngân hàng khẳng định “có đến 95% là không có giao dịch của Trần Hải Sơn” và “xin cho thêm thời gian để có thể trả lời chắc chắn về việc này”.
Trong khi đó thì bị cáo Trần Hải Sơn vẫn giữ lời khai tại CQĐT về việc rút 2 tỷ bằng Chứng minh thư từ Ngân hàng TMCP Hàng Hải để gộp thành 5 tỷ đưa cho Mai Văn Phúc. Tuy nhiên, cũng có lúc Sơn khai 2 lần rút tiền, tại Hải Phòng và Hà Nội và có lúc thì “không nhớ rõ về cách thức, thời điểm rút tiền cụ thể…”
Ngoài ra, Sơn tiếp tục khằng định người lái xe tên Quỳnh (được cho là người đến đón Sơn vào tháng 7/2008, sau khi đưa 5 tỷ cho Dương Chí Dũng tại khách sạn Vicrory) vào CTy làm việc từ tháng 3/2008.
Liên quan đến chi tiết này thì LS Trần Đình Triển đã cung cấp cho Tòa về bảng lương của anh Quỳnh thể hiện anh này nhận lương từ tháng 9/2008 và lời khai của anh Quỳnh cho biết mình vào Cty của Sơn làm việc, ký hợp đồng từ 29/8. “Nếu vậy thì vào tháng 7/ 2008, anh Quỳnh không thể lái xe đi đón Sơn được” – LS Triển khẳng địnhh.
Dương Chí Dũng cũng bổ sung thêm “Nguyễn Hùng Việt là người trợ lý cho bị cáo là người đón bị cáo từ sân bay về và đi ăn luôn, không hề gặp Sơn. Bị cáo đề nghị HĐXX xác minh qua anh Việt”
KSV vẫn bảo lưu quan điểm
Phát biểu quan điểm giải quyết vụ án, KSV cho rằng, tuy có việc xét hỏi lại và có bổ sung chứng cứ mới nhưng không làm rõ thêm được gì nên VKS vẫn giữ quan điểm như lần tranh luận trước (tức là giữ nguyên mức án tử hình đối với Dũng và Phúc).
Đại diện VKS cũng cho biết thêm, “Tôi là KSV nhưng có lẽ cũng là lần đầu tiên thấy trở lại phần xét hỏi như thế này. Việc giải quyết vụ án phải qua nhiều thủ tục, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm…và sẽ có quan điểm của mỗi cơ quan có thể sẽ trái nhau, chúng tôi cũng chỉ đưa ra quan điểm của mình để HĐXX xem xét. Gần 7.000 bút lục, không phải cái gì VKS cũng đưa ra phiên tòa.
Tranh luận lại, đa số các luật sư đều đề nghị HĐXX trả hồ sơ vì còn quá nhiều vấn đề chưa rõ hoặc còn mâu thuẫn. Luật sư Ngô Ngọc Thủy nhắc lại việc chưa có chứng cứ chứng minh Sơn rút 2 tỷ tại ngân hàng thì không thể kết luận Sơn đưa tiền cho bị cáo Phúc; Tài liệu tương trợ tư pháp có nội dung nghèo nàn và chưa rõ ai là người của CTy GS liên lạc, thảo thuận và quyết định việc ăn chia tiền lại qủa. Cần trả hồ sơ làm rõ ai là người Quyết định về 1,666 triệu USD…. Trong khi đó, lời khai Sơn không chính xác, mâu thuẫn…
Luật sư Hoàng Huy Được thì quả quyết “Theo trả lời của ngân hàng TMCP là không tra soát được thì cần khẳng định không có giao dịch rút tiền 2008- 2009 của công dân Trần Hải Sơn. Nếu cứ chấp nhận Sơn rút 2 tỷ, gộp với 3 tỷ nữa để đưa cho bị cáo Phúc là không thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội”
Đặt nghi vấn “Sơn là người ăn cả”, LS Trần Đình Triển trưng ra một số tài liệu chứng tỏ Sơn nhiều lần đi Nga trước, trong và sau thời điểm mua ụ nổi và cho biết “Sơn là người tiếp nhận thư chào hàng, là người khảo sát, là người soạn thảo báo cáo, là người đề xuất, là người tiếp nhận 1,666 triệu USD…Vậy, thân chủ tôi có bị “gắp lửa bỏ tay người” hay không? Lời khai Sơn chuẩn bị tiền đưa cho bị cáo Dũng và và Phúc lại chỉ được xác nhận bởi lời khai của người thân Sơn, đưa cho ai thì cũng chỉ do Sơn nói. Suy cho cùng thì cũng chỉ có một nguồn chứng cứ từ Sơn mà thôi…”.
Trước việc KSV giải thích về việc Dũng có thể về khách sạn Victory khoảng 18h, việc anh Quỳnh khai ký hợp đồng lái xe từ tháng 9…., Luật sư Triển cho rằng, “trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng, chúng tôi đã dẫn nguồn chứng cứ để KSV phải xác minh”
Cùng quan điểm này, Luật sư Nguyễn Đình Hưng cũng cho rằng, “đây là vụ hình sự, bị cáo và luật sư của họ không buộc phải đưa ra chứng cứ chứng minh bị cáo vô tội. Chúng tôi chỉ nêu lên vấn đề mâu thuẫn để HĐXX xem xét. Nếu có mâu thuẫn trong chứng cứ kết tội thì cân nhắc. Mọi tài liệu vào vụ án phải đúng trình tự theo Bộ LTTHS chứ không phải thích đưa lúc nào thì đưa”
Dương Chí Dũng mong muốn được sống để chứng kiến ngày mọi việc được làm rõ
Được nói lời sau cùng, cả Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc vẫn kiên quyết không thừa nhận tội tham ô và đề nghị HĐXX cân nhắc.
Dương Chí Dũng nói "bản thân không nhận tiền tham ô nhưng nếu trong tình huống tòa buộc phải tuyên án, không làm thế nào được cũng xin cho bị cáo được sống. Đây là món quà mà Đảng, nhà nước, nhân dân dành cho thành tích đã cống hiến của bị cáo, để được chứng kiến ngày mọi việc được làm rõ. Bị cáo trông cậy vào sự khoan dung, sự công minh của HĐXX để không xảy ra tình trạng “quýt làm cam chịu. Bị cáo sợ bị oan, rồi chết mà không nói được với ai”.
Trong khi đó, Mai Văn Phúc cũng đề nghị xem xét minh oan cho bị cáo vì “tòa sơ thẩm chỉ kết theo lời khai của Sơn. Dù bản thân đã cố gắng hết sức, những sự việc tại Vinalines vẫn xảy ra. Khi bị cáo về thì mọi người đã sắp đặt hết cả, bị cáo chỉ làm theo trong guồng máy đó. Nhưng bị cáo cũng nhận phần trách nhiệm của mình. Bị cáo sẽ vẫn thuyết phục gia đình khắc phục hậu quả”.