Từng đề xuất phương án “thu mua” ĐMT theo bốn giá, tại bốn vùng được cho là hợp lý. Nhưng tới giờ chót, Bộ Công Thương đã bất ngờ tham mưu phương án một giá - khiến dư luận hết sức ngạc nhiên.
Bộ Công Thương từng bảo vệ phương án bốn giá ra sao?
Việt Nam được đánh giá là đất nước rất có tiềm năng phát triển ĐMT với cường độ bức xạ mặt trời trung bình khoảng 4,5-5,5 kWh/m2/ngày. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, mới chỉ có duy nhất Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án ĐMT tại Việt Nam là văn bản duy nhất điều chỉnh cơ chế về giá ĐMT.
Ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) khẳng định, không có văn bản quy phạm pháp luật nào đề cập riêng về ĐMT, tất cả các khâu liên quan đến lĩnh vực này được quy định chung trong Luật Điện lực, Luật Đầu tư, Luật Đất đai…
Theo Quyết định 11/QĐ-TTg, với mục tiêu khuyến khích nhà đầu tư đầu tư mạnh để phát triển tiềm năng của ĐMT, Thủ tướng Chính phủ quyết định, kể từ 1/6/2017 - 30/6/2019, ĐMT sẽ được mua với mức giá 9,35 cent/kWh (khoảng 2.156 đồng). Với cơ chế ưu đãi này, nhiều nhà đầu tư đã nhảy vào lĩnh vực năng lượng mới, tìm kiếm cơ hội với việc phát triển các dự án quy mô lớn.
Cũng với quyết định này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có thời điểm cực kỳ vất vả, phải vận hành hết công suất, thuê lại cả các cán bộ đã nghỉ hưu để có đủ nhân lực tiến hành công việc, kịp thời đưa vào nghiệm thu phát điện các dự án ĐMT để có thể hưởng phương án giá ưu đãi. Tính tới nay, đã có 4.442 MW ĐMT đã được đấu nối với lưới điện quốc gia.
Quyết định số 11 đến nay dù đã hết hiệu lực, nhưng một phần của văn bản này vẫn còn tiếp tục được thực hiện do có Nghị quyết 115 của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội Ninh Thuận. Theo đó, giá mua ĐMT tại Ninh Thuận tiếp tục được giữ ở mức 9,35 cent/kWh cho đến hết năm 2020. Còn các tỉnh khác vẫn phải chờ phương án giá mới.
Sau mốc “thời gian vàng” 30/6/2019, Bộ Công Thương đã đưa ra 2 dự thảo phương án mới về giá ĐMT. Cụ thể, phương án thứ nhất chia thành 4 vùng, với các mức giá như sau: Vùng 1 (vùng ít tiềm năng nhất, tập trung các tỉnh phía Bắc) có mức giá cao nhất với 2.102 đồng/kWh; vùng 2 có giá 1.809 đồng/kWh; vùng 3 có giá 1.620 đồng/kWh và vùng 4 (vùng nhiều tiềm năng nhất như Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk...) có mức giá thấp nhất - 1.525 đồng/kWh.
Sau đó, Bộ Công Thương lại dự thảo với phương án giá ĐMT theo 2 vùng. Cụ thể, giá “ĐMT nổi” tại vùng 1 là 1.916 đồng/kWh (8,38 cent), “ĐMT mặt đất” là 1.758 đồng/kWh (7,09 cent); Vùng 2 gồm 6 tỉnh có bức xạ tốt như Bình Thuận, Ninh Thuận... có 2 mức giá lần lượt là 7,89 cent/kWh (1.803 đồng) và 6,67 cent/kWh (1.525 đồng).
Đột ngột... một giá!
Theo tìm hiểu của PLVN, trong 2 phương án nêu trên, Bộ Công Thương đã từng nghiêng về phương án giá cho 4 vùng, với lý do việc phân chia làm 2 vùng sẽ không đủ hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư vào các tỉnh miền Bắc và Bắc miền Trung và có thể xuất hiện tình trạng quá tải lưới truyền tải khi các dự án ĐMT hiện nay đều tập trung quá nhiều tại các tỉnh phía Nam, nơi rất có lợi thế về nắng và bức xạ mặt trời.
Trong khi một trong hai phương án trên chưa được “chốt”, thì mới đây, trong Dự thảo “Quyết định của Thủ tướng về cơ chế khuyến khích phát triển các Dự án ĐMT tại Việt Nam”, Bộ Công Thương lại bất ngờ kiến nghị Thủ tướng xem xét, phê duyệt Quyết định theo phương án hoàn toàn mới đó là “một giá” áp dụng chung trên toàn quốc thay cho phương án chia thành nhiều vùng như trên đã nêu?
Cụ thể, Bộ Công Thương đã tham mưu xây dựng mức giá như sau: “ĐMT mặt đất” có giá 1.620 đồng/kWh (khoảng 7,09 cents/kWh); “ĐMT nổi” có giá 1.758 đồng/kWh (khoảng 7,69 cents/kWh).
Điều này gây sửng sốt đối với giới đầu tư cũng như các chuyên gia năng lượng. Một số ý kiến cho rằng, khuyến khích ĐMT theo chính sách một giá áp dụng chung trên toàn quốc là chưa phản ánh dược sự khác nhau về tiềm năng và vị trí địa lý của từng vùng, miền. Điều đó có thể dẫn tới sự tập trung nhiều dự án tại một số tỉnh có tiềm năng, gây áp lực cho lưới truyền tải và có khả năng ảnh hưởng đến sự ổn định của toàn hệ thống điện.
Cụ thể hơn, các chuyên gia cho rằng, trong điều kiện lưới điện luôn đi sau và mất nhiều thời gian đầu tư (có thể gấp đến 10 lần) hơn so với các Dự án ĐMT, thì việc áp dụng chính sách đồng giá sẽ khiến trách nhiệm quản lý nhà nước thêm bội phần khó khăn.
Một nguồn tin của PLVN cho hay, có thể sau một thời gian áp dụng cơ chế giá này, Bộ Công Thương sẽ tính tới phương án đấu thầu cạnh tranh. Theo đó, nhà đầu tư Dự án ĐMT được lựa chọn để mua sẽ là nhà đầu tư có mức giá bán điện thấp nhất. Dự kiến, phương án này sẽ áp dụng sau năm 2021 và cho tất cả các loại hình năng lượng tái tạo.
Mặc dù chưa rõ khi nào phương án giá trên sẽ được Thủ tướng quyết định, nhưng quan sát từ dư luận thấy rằng, phương án một giá mà Bộ Công Thương đưa ra đang gây ra nhiều tranh cãi, dù phương án này, các doanh nghiệp vẫn có thể tiến hành đầu tư và ít nhiều vẫn có lãi. Nhưng điều đáng bàn ở đây là nếu “chốt” phương án đồng giá, thì tương lai các tỉnh nghèo ở vùng núi phía Bắc sẽ khó có cơ hội thu hút nhà đầu tư “đổ tiền” vào lĩnh vực này, từ đó tạo nên một sự chênh lệch khá lớn về mặt kinh tế - xã hội giữa các tỉnh nghèo vùng cao với các các tỉnh đồng bằng nhiều lợi thế.
Hơn 10 dự án sẽ hòa lưới điện quốc gia năm nay
Nhà máy điện mặt trời (ĐMT) đầu tiên của Việt Nam được khởi công vào tháng 8/2015 tại huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) với công suất thiết kế 19,2 MW, có tổng vốn đầu tư gần 900 tỷ. Công trình dự kiến hòa mạng điện lưới quốc gia vào giữa năm 2016 nhưng do trục trặc khâu giải phóng mặt bằng nên đến tháng 1/2019 mới bắt đầu triển khai xây dựng và tháng 4/2019 chính thức đưa vào vận hành.
Đầu tư vào ĐMT chỉ thực sự bùng nổ sau khi Thủ tướng có quyết định khuyến khích phát triển lĩnh vực này bằng cơ chế giá mua điện, ở mức 9,35 cent/kWh (tương đương 2.156 đồng/kWh) từ tháng 4/2017. Tính đến nay, Việt Nam đã có 82 dự án ĐMT với tổng công suất 4.460 MW đã hòa lưới điện quốc gia, chiếm khoảng 8,8% tổng sản lượng điện cả nước. Ngoài ra, dự kiến cuối 2019 sẽ có 13 dự án được hoàn thiện với tổng công suất 630 MW. Tổng cộng, dự kiến, hết năm 2019 sẽ có khoảng hơn 5.000 MW ĐMT đi vào phát điện. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã có 626,8MW điện gió đã nối lưới. Như vậy tổng nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) của Việt Nam vượt qua con số dự kiến đạt được của NLTT trong Quy hoạch điện VII.
Tuy nhiên, ông Lê Hải Đăng - Trưởng Ban Chiến lược, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, vẫn cần có cơ chế khuyến khích để có thể đạt được con số 15.190 MW NLTT (chiếm 42% tổng cơ cấu nguồn) vào năm 2030. Trước mắt, để đảm bảo cung cấp điện giai đoạn đến 2025, EVN đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương tiếp tục có cơ chế giá ưu đãi để khuyến khích phát triển các dự án NLTT để có thể đưa vào vận hành thêm 12.700MW ĐMT và 7.200MW điện gió trong giai đoạn đến năm 2023 (ưu tiên phát triển các dự án đã có quy hoạch và không bị ràng buộc lưới điện truyền tải). Sẽ không dễ dàng để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu này do cơ chế giá mua ĐMT đang có sự thay đổi.
Tính đến thời điểm này, quốc gia dẫn đầu thế giới về sử dụng NLTT là Đức (với hơn 38.000 MW). Hiện Đức đang nỗ lực để đạt mục tiêu trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới sử dụng 100% NLTT. Trong nửa đầu năm 2019, nguồn điện từ NLTT đã chiếm đến 38% sản lượng điện của nước này. Trong đó, năng lượng gió và năng lượng mặt trời chiếm 2/3 lượng điện từ NLTT.