Phương án nhân sự Tổng bí thư, Chủ tịch nước là tuyệt mật

(PLVN) - Các văn bản của Trung ương Đảng về quá trình chuẩn bị, đề án, phương án nhân sự lãnh đạo chủ chốt chưa công khai là thông tin "tuyệt mật".

Lãnh đạo chủ chốt bao gồm Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư.

Nội dung trên được nêu trong quyết định về việc ban hành danh mục bí mật nhà nước của Đảng, do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành, theo đề nghị của Văn phòng Trung ương Đảng.

Đại biểu tham dự hội nghị Trung ương 12, khóa XII, tháng 5/2020. Ảnh: VGP

Theo quyết định, có ba cấp độ thông tin mật là "tuyệt mật", "tối mật" và "mật". Nhóm thông tin "tuyệt mật" gồm các lĩnh vực kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng; tổ chức xây dựng Đảng; công tác đối ngoại; kinh tế - xã hội; dân vận và quốc phòng an ninh.

Ngoài thông tin nhân sự chủ chốt, các kết luận, tờ trình, báo cáo... của Trung ương Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương về kết quả kiểm tra, xác minh khi có dấu hiệu vi phạm, đề nghị thi hành kỷ luật Đảng, giải quyết tố cáo đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư chưa công khai cũng thuộc danh mục tuyệt mật.

Danh mục tuyệt mật còn bao gồm thông tin công tác tổ chức xây dựng Đảng, các quyết định, kết luận, tờ trình, kế hoạch... của cấp có thẩm quyền về kết quả kiểm tra, xác minh vấn đề chính trị của các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư chưa công khai.

Trong lĩnh vực đối ngoại, thông tin tuyệt mật là các quyết định, kết luận, báo cáo, tờ trình, công văn... của Trung ương Đảng về chiến lược đối ngoại liên quan đến an ninh quốc gia, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; quan hệ đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam với các đảng, các nước lớn, nước láng giềng về vấn đề biên giới lãnh thổ, chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên đất liền, vùng trời, vùng biển, hải đảo, thềm lục địa của Việt Nam...

Ở lĩnh vực quốc phòng, an ninh, thông tin "tuyệt mật" là các chỉ thị, nghị quyết, quyết định, thông báo, kết luận của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương về hoạt động, phương hướng hoạt động của lực lượng tình báo, kỹ thuật nghiệp vụ trong bảo vệ an ninh quốc gia; xác định đối sách đấu tranh, quy trình xử lý tình huống nghiệp vụ đối với các thế lực thù địch có âm mưu, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, xâm phạm an ninh quốc gia hoặc đe dọa xâm phạm an ninh quốc gia.

Bên cạnh đó, các văn bản của Trung ương Đảng và báo cáo, tờ trình, công văn của cơ quan, tổ chức đảng trình xin ý kiến Trung ương Đảng về kinh phí đặc biệt dành cho quốc phòng, an ninh; chủ trương thu, đổi tiền, phát hành tiền chưa công khai cũng là thông tin tuyệt mật.

Trước đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước ngày 15/11/2018, có hiệu lực từ 1/7/2020.

Đọc thêm