Không ảnh hưởng đến cách dạy, cách học
Trong báo cáo về tình hình giáo dục gửi các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ cho biết, đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ, ngoài việc làm cho kỳ thi trở nên nhẹ nhàng, trung thực, khách quan hơn, còn tác động tích cực trong đổi mới cách dạy, cách học của các trường THPT từ đó nâng cao chất lượng đào tạo.
Việc đổi mới phương thức thi từ tự luận sang trắc nghiệm không ảnh hưởng đến cách dạy, cách học cũng như sự chuẩn bị từ trước của thí sinh. Trên thực tế, từ năm 2007, Bộ GD&ĐT đã triển khai thi trắc nghiệm 4 môn (Vật lí, Hóa học, Sinh học và Ngoại ngữ). Mười năm qua, phương thức thi này đã thể hiện được tính ưu việt trong công tác tổ chức thi cũng như về sự khách quan, chính xác của kết quả thi.
Bộ trưởng Nhạ cho biết: Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ được tiếp tục áp dụng trong các năm 2018, 2019 với những điều chỉnh hợp lý trên cơ sở rút kinh nghiệm tổ chức thi và tuyển sinh từng năm, đồng bộ với quá trình đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá trong các nhà trường phổ thông, để từ năm 2020 trở đi được tổ chức ổn định đảm bảo sự tương thích với định hướng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đã được Chính phủ phê duyệt.
Đề thi năm 2017 gồm các câu hỏi ở các cấp độ cơ bản phục vụ mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và các câu hỏi phân hóa phục vụ mục đích xét tuyển ĐH, CĐ. Nội dung thi nằm trong chương trình lớp 12 THPT; năm 2018, nội dung thi nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12 THPT; từ năm 2019 trở đi, nội dung thi nằm trong chương trình cấp THPT.
Bộ trưởng Nhạ cho rằng, với phương thức như vậy, các cơ sở giáo dục ĐH có thể yên tâm sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để làm căn cứ tuyển sinh. Những trường có yêu cầu cao, trường có ngành đặc thù, năng khiếu có thể tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực chuyên biệt hay tổ chức thi môn năng khiếu theo quy định để lựa chọn được thí sinh vào học các ngành phù hợp.
Năm 2017, các trường có nhiều giải pháp lựa chọn phương thức để tuyển sinh, như: Xét tuyển dựa vào kết quả các bài thi THPT quốc gia; Sơ tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia hoặc dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT kết hợp với thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh; Xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT; Phối hợp nhiều phương thức tuyển sinh.
Năm 2017, để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, trong phương án thi, tuyển sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn dự kiến cho thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng, nhưng Bộ sẽ xây dựng phần mềm xét tuyển chung giúp hỗ trợ các trường hạn chế bớt số lượng thí sinh “ảo”.
Có lãng phí mua sắm trang thiết bị ở đề án ngoại ngữ 2020
Theo báo cáo với Quốc hội về Đề án ngoại ngữ 2020, Bộ GD&ĐT cho biết còn có hiện tượng lãng phí khi mua sắm trang thiết bị. Đề án dạy và học ngoại ngữ trong trường phổ thông từ năm 2008 - 2020 (Đề án 2020) có tổng kinh phí 9.378 tỷ đồng, chia làm 3 giai đoạn; trong đó giai đoạn 2008 - 2010 là 1.060 tỷ đồng, giai đoạn 2011 - 2015 là 4.378 tỷ đồng, giai đoạn 2016 - 2020 là 4.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân khách quan ảnh hưởng tới tiến độ Đề án nên Bộ Tài chính chưa cấp kinh phí để triển khai giai đoạn 1.
Giai đoạn 2 có tổng kinh phí dự trù là 4.386 tỷ đồng (vốn trung ương: 3.500 tỷ). Tuy nhiên, do ngân sách nhà nước khó khăn nên vốn trung ương phân bổ trong giai đoạn này là 2.198 tỷ đồng, chỉ đạt 62,8% so với kế hoạch.
Trong giai đoạn 2011 - 2015, dự toán kinh phí địa phương là 889 tỷ đồng. Các địa phương đã huy động và bố trí kinh phí đối ứng đạt 1.628,5 tỷ đồng, bằng 183% dự toán. Lũy kế đến hết năm 2015, đã bố trí đạt 70,3% kinh phí dự toán giai đoạn 2008 - 2015 và đạt 40,83% tổng kinh phí của đề án. Nhìn tổng thể, một số mục tiêu của đề án được đặt ra quá cao so với khả năng thực hiện, chưa phù hợp với xuất phát điểm về năng lực của người dạy, người học cũng như thực trạng dạy học ngoại ngữ của cả nước. Bên cạnh những việc đã làm được, Bộ GD&ĐT nhìn nhận việc bố trí cơ cấu vốn và triển khai ở một số địa phương, đơn vị còn chưa hợp lý.
Nhiều địa phương khi triển khai kinh phí tập trung vào đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học ngoại ngữ, chưa chú ý nhiều đến đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên ngoại ngữ. Một số địa phương khi mua sắm trang thiết bị chưa tính đến điều kiện, khả năng sử dụng, dẫn đến có nơi còn lãng phí.
Trong thời gian còn lại của đề án, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ tập trung chủ yếu là dạy và học tiếng Anh; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước và đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư cho các hoạt động dạy và học ngoại ngữ; với nhiều giải pháp cụ thể. Bên cạnh nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, giảng viên ngoại ngữ, Bộ sẽ rà soát, xây dựng và ban hành chương trình dạy và học ngoại ngữ thống nhất; xây dựng hệ thống kiểm tra, đánh giá hội nhập với chuẩn quốc tế, xây dựng trung tâm khảo thí độc lập. Bộ cũng tích cực tạo môi trường học tiếng Anh như phong trào sinh viên tình nguyện dạy ngoại ngữ, câu lạc bộ ngoại ngữ, trao đổi giáo viên tình nguyện nước ngoài...