Phương pháp tình huống giúp học sinh Mỹ “sống” trong lịch sử

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Các nhà giáo dục tại Mỹ đã dành rất nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu các phương pháp khác nhau khiến cho môn Lịch sử không còn buồn tẻ với học sinh, sinh viên. Trong đó có thể kể đến phương pháp tình huống được áp dụng rất phổ biến trong các lớp học sử tại Đại học Harvard hiện nay.
 Khuyến khích các em học sinh tư duy lịch sử từ nhỏ.
Khuyến khích các em học sinh tư duy lịch sử từ nhỏ.

Học kiến thức chay hay học kỹ năng tư duy?

Giáo dục Lịch sử từ lâu đã tạo ra những tranh cãi gay gắt giữa các nhà giáo dục và các nhà hoạch định chính sách tại Mỹ về những vấn đề như: học sinh, sinh viên nên được học những sự kiện, thời điểm lịch sử nào ở trường, phương pháp như thế nào. Nhìn chung, hai luồng ý kiến đối chọi lẫn nhau chủ yếu giải quyết câu hỏi: Các lớp học Lịch sử nên thiên về cung cấp dữ liệu và thông tin hay nên nhấn mạnh vào các khả năng và tư duy Lịch sử? Hay còn gọi là học Lịch sử theo cách truyền thống hay theo cách tương tác?

Giáo sư Lịch sử Bob Bain từ Đại học Michigan, người sáng lập dự án Big History Project – một trong những dự án lịch sử quy mô nhất thế giới, cho rằng cuộc tranh luận giữa việc nên tập trung vào kiến thức hay kỹ năng dường như đã dẫn đến một sai lầm lớn. “Bạn không thể có tư duy lịch sử nếu không có kiến thức về sự kiện lịch sử và ngược lại, bạn không thể tiếp thu các sự kiện lịch sử nếu không có tư duy lịch sử”, ông chỉ ra. Đồng tình, Giáo sư lịch sử Elaine Carey – Đại học St. John’s, nguyên Phó Chủ tịch bộ phận giảng dạy của Hiệp hội Lịch sử Hoa Kỳ cho rằng một giáo viên lịch sử giỏi là người có thể dạy học sinh được cả hai: “rèn luyện kỹ năng thông qua nội dung thuần” và “trau dồi kiến thức lịch sử để hiểu tính liên tục của lịch sử”.

Giáo sư Bob Bain cho rằng, một trong những lý do khiến trẻ em Mỹ thường gặp khó với môn Lịch sử là bởi các bài kiểm tra trắc nghiệm ở trường. Về bản chất, bài kiểm tra trắc nghiệm thường ưu tiên thông tin sự kiện hơn so với tư duy lịch sử. “Đó giống như một cách mà chúng ta cố gắng dạy những sự kiện lịch sử nhưng lại bỏ qua bối cảnh của chúng. Không ngạc nhiên khi phương pháp này không hiệu quả và khiến cho học sinh cảm thấy khó vào đầu”.

Nhóm học sinh cùng thảo luận với nhau để giúp nhau hiểu vấn đề.

Nhóm học sinh cùng thảo luận với nhau để giúp nhau hiểu vấn đề.

Theo ông, phương pháp dạy lịch sử hiệu quả là thông qua những câu chuyện. Câu chuyện đó có thể được kể bởi giáo viên hoặc bởi chính người học. Không nhất thiết lúc nào cũng phải chính xác, bởi trong quá trình học, giáo viên và học sinh sẽ trao đổi và tranh luận với nhau để tìm ra cách hiểu đúng nhất về những tài liệu, sự kiện lịch sử. Trên thực tế, có rất nhiều dữ kiện lịch sử vẫn còn đang gây tranh cãi trong giới học thuật nên việc học sinh được bàn luận những vấn đề đó trong học đường là điều hoàn toàn dễ hiểu. Mặt khác, nhiều nghiên cứu tâm lý học cũng đã chứng minh những câu chuyện hỗ trợ việc học vì các câu chuyện kích hoạt cảm xúc, giúp sắp xếp các dữ kiện vào một cấu trúc mạch lạc để hiểu ý nghĩa của chúng, từ đó họ có thể ghi nhớ lịch sử một cách rõ ràng và bền lâu hơn.

Học quá khứ để đối mặt với tương lai

Một ví dụ điển hình là phương pháp “Tình huống và Tranh luận” tại Đại học Harvard (bang Massachussett) vốn được xây dựng bởi giáo sư lịch sử David Moss cho sinh viên khoa lịch sử, cải biên từ phương pháp tình huống được áp dụng trong Trường Kinh doanh Harvard. Theo đó, sinh viên “đắm mình” vào những tình huống, bối cảnh lịch sử nhất định, “đứng trên đôi chân” của những nhân vật lịch sử khác nhau, để suy luận về những quyết định được đưa ra tại thời điểm đó rồi cùng tranh luận với nhau tại lớp học. Họ sẽ được hỏi những câu hỏi như: “Em sẽ quyết định như thế nào nếu là người ủng hộ bắt buộc giáo dục công lập vào năm 1851?”, “Nếu em là Tổng thống Theodore Roosevelt, em có quyết định can thiệp vào cuộc tranh chấp giữa những người lao động vào năm 1901 hay không và tại sao?”…

Với phương pháp này, sinh viên phải tư duy vượt ra ngoài những nội dung được cung cấp trong sách vở, tài liệu lịch sử nhưng vẫn phải căn cứ trên những dữ liệu này để đưa ra những phán đoán. Sau khi học sinh thảo luận với nhau dưới sự hướng dẫn của giáo viên về những trường hợp lịch sử có thể xảy ra, cuối cùng cả lớp có thể cùng rút ra những kết luận quan trọng về nội dung bài học.

Học lịch sử cần gắn với hình ảnh trực quan.

Học lịch sử cần gắn với hình ảnh trực quan.

“Trong lớp học của tôi, có nhiều thời điểm có đến 40 chiếc tay liên tục giơ lên tranh quyền phát biểu”, Giáo sư Moss cho biết. Khác với phương pháp học sử truyền thống, người học chỉ được dạy “những gì đã xảy ra là những gì đã xảy ra”, tức là chỉ tiếp nhận thụ động các sự kiện lịch sử. Tại lớp học tình huống, sinh viên có thể tham gia vào quá trình tạo ra lịch sử khi đặt bản thân vào các tình huống để hiểu các quyết định được đưa ra nếu họ ở trong một thời điểm trong quá khứ với tư cách là một cử tri, lãnh đạo, người lao động hoặc đại biểu Quốc hội.

David Kaufman, một sinh viên đã tham gia khóa học, nói rằng việc thảo luận về lịch sử thông qua một loạt các tình huống cho phép sinh viên “tập trung nhiều hơn vào quá trình hơn là kết quả, tôi nghĩ học như thế này thì phong phú hơn nhiều”. Giáo sư Moss cũng chỉ ra những kết quả tích cực mà ông thấy được từ học viên của mình: “Mọi người có thể nhớ rõ các sự kiện, thậm chí ở mức độ chi tiết gần như gây sốc. Tôi cho rằng khi bạn tìm hiểu lịch sử xung quanh những câu chuyện cụ thể có tính gắn kết, việc ghi nhớ những nội dung này trở nên dễ dàng hơn nhiều”.

Mặc dù chưa có những nghiên cứu chỉ ra ưu thế của phương pháp tình huống so với các phương pháp học lịch sử khác, nhưng phương pháp của Giáo sư Moss đã được nhiều nhà giáo dục tại một số trường trung học tại Mỹ đón nhận để áp dụng tại các lớp học của mình.

Cô Eleanor Cannon, giáo viên lịch sử tại Trường St. John’s ở thành phố Houston (bang Texas) cho biết, khi cô áp dụng phương pháp này, nhiều học sinh đã bày tỏ sự yêu thích với môn học Lịch sử hơn. Thay vì học sinh chỉ biết các nhân vật lịch sử đã đưa ra những quyết định gì trong quá khứ, giờ đây các em có thể hiểu tại sao, chính điều đó đã khiến các em trở nên hào hứng hơn bao giờ hết. Những sự kiện như Hiến pháp Mỹ được viết ra như thế nào, bởi ai, trải qua quá trình thay đổi như thế nào đã trở nên gần gũi với các em học sinh hơn khi chính các em được “sống” trong bối cảnh đó và cố gắng hiểu các quyết định được đưa ra nhằm mục đích gì, dẫn đến kết quả như thế nào.

Theo Giáo sư Moss, học lịch sử thông qua cách luôn đặt người học vào nhiều tình huống khác nhau giúp họ rèn luyện khả năng phán đoán. Nói cách khác là giúp họ phát triển những phản xạ về ứng phó với các vấn đề thông qua việc đối mặt với vấn đề và tìm ra hướng giải quyết. Ông cũng gọi việc học lịch sử hiệu quả là giúp học sinh hiểu quá khứ để đối mặt với tương lai. Việc tranh luận trong lớp học để nhằm tạo ra không khí tranh luận căng thẳng từ những quan điểm bất đồng. Theo ông, đó cũng là cách tự nhiên nhất mà các nhân vật lịch sử đã đưa ra quyết định của mình: “Tranh luận để đảm bảo tìm ra ý tưởng tốt nhất để dẫn tới thành công”.

“Cũng giống như bạn học một ngôn ngữ, bí quyết không phải là một thuật toán nào đó cực kỳ phức tạp, đó là sự rèn luyện để phát triển một bản năng, ít nhất là một số phản xạ, để có thể cung cấp quan điểm lịch sử khi nhìn vào các vấn đề của hiện tại”, ông cho biết.

Bên cạnh phương pháp tình huống của Giáo sư David Moss, tại Mỹ còn có những phương pháp học sử phổ biến khác. Đơn cử, phương pháp “Học và đọc như một nhà sử học” tại Đại học Stanford giúp xây dựng cho người học kỹ năng tìm kiếm, sử dụng các nguồn sơ cấp, diễn giải, xây dựng định nghĩa và nhận ra các bối cảnh và diễn biến như một nhà sử học. Phương pháp “Phản ứng lại với quá khứ” được tạo ra bởi Mark Carnes thuộc Đại học Barnard, là một chương trình dạy tại đại học lấy sinh viên làm trung tâm và giúp họ hiểu lịch sử thông qua các trò chơi nhập vai. “Đối mặt với lịch sử và bản thân” cũng là một phương pháp phổ biến áp dụng ở nhiều trường trung học từ lớp 6 đến lớp 12, nhằm giúp các em học sinh tiếp cận đa chiều về những vấn đề lịch sử và phản ánh trong cuộc sống hiện tại của chính các em.

Đọc thêm