Án mạng ngày “tình yêu”
Vừa ăn Tết Nguyên đáng xong, đúng vào ngày 14/2/2014 (ngày lễ tình yêu), tai họa giáng xuống gia đình bà Phạm Thị Dung. Sáng ấy, Hào cùng hai người anh rể đi đến nhà một người họ hàng ăn cơm uống rượu. Chén chú chén anh khiến tất cả đều đã ngà ngà say. Đến 13h cùng ngày, Hào xin phép ra về trước, còn hai anh vẫn nán lại góp vui.
Trên đường về, Hào la cà vào đền Gióng chơi và gặp các bạn. Tại đây, Hào tiếp tục tham gia cuộc vui với nhóm thanh niên này. Sau đó, Hào mời luôn cả nhóm về nhà mình nhậu tiếp cho “đã”.
Vừa về đến nhà, bà Dung thấy Hào ngồi uống rượu với đám bạn liền nói: “Mày bỏ các anh đi về một mình giờ lại còn lôi bạn về ăn uống say sưa”. Còn chị gái Hào thì nghĩ có các anh rể thì cuộc rượu sẽ dễ kiểm soát nên giục em đi đón hai anh về.
Hào miễn cưỡng nghe theo lời. Nhưng khi Hào quay về, nhóm bạn của y đã về hết. Nghĩ mẹ đuổi nên các bạn mới bỏ về hết, Hào nổi giận, nói hỗn với bà Dung và đánh cả em gái út của mình.
Bất lực trước đứa con bất trị, bà Dung liền bảo gọi các bác, các chú đến trói Hào lại mà dạy bảo. Lúc này, người con rể mới gọi điện cho một người anh em đồng hao là ở gần đó sang hòa giải. Thấy vậy, Hào nhảy xuống bếp một tay cầm dao, một tay cầm chai bia phòng thủ sẵn và dọa: “Thằng nào vào đây tao đâm chết”.
Lúc này anh Đỗ Văn Hưng (anh rể của Hào) vừa đi xe máy đến vừa mở miệng hỏi: “Cậu bị làm sao thế” thì đã bị Hào lập tức khua dao đâm trúng ngực. Anh Hưng bỏ chạy ra đến cổng thì ngã gục, sau đó dù đã được mọi người đưa đi cấp cứu nhưng do vết thương trúng tim dẫn tới mất máu cấp nên đã tử vong.
Tình thương không đồng nghĩa với bao che
Tại phiên tòa ngày 14/11, bị cáo Hào một mực chối tội, đổ lỗi một phần do rượu quá chén nên không làm chủ được bản thân và cũng chỉ là khua dao vô tình đụng phải anh Hưng chứ không phải cầm dao đâm. Hành vi của bị cáo chỉ là vô ý chứ không phải cố tình đâm người có tính chất côn đồ.
Ủng hộ với lời khai của con, bà Dung cũng khăng khăng nói rằng: “Hào là đứa con ngoan, rất yêu thương mẹ và các anh chị, không đời nào nó có ý định giết anh rể đâu. Hào đã từng là vận động viên đạt huy chương vàng môn cử tạ nên xin tòa xem xét giảm nhẹ cho cháu...”.
Phản bác lại những lời bao biện trên, vị chủ tọa nhắc nhở: “Xét xử là có lợi cho bị cáo, phải thành khẩn khai báo và ăn năn, bị cáo đã gây ra tội lớn khiến chị mất chồng, gia đình hai bên về sau còn nhìn nhau thế nào?”.
Đối với bà Dung, vị thẩm phán nghiêm giọng phân tích: “Ai cũng thương con, nhưng không vì thế mà bao che cho con. Bị cáo đã làm sai mà mình lại dung túng như thế là không được. Bà bảo nói rằng bị cáo thương mẹ mà lại có hành động cãi mẹ, đánh mọi người trong nhà rồi cả giết anh rể sao? Ngoan mà đã từng mang án tội cướp tài sản. Người mẹ mà dung túng cho con để sau này con ra tù lại phạm tội sao. Còn pháp luật công bằng, có thưởng có phạt phân minh. Chưa kể tội lần này là trường hợp tái phạm nguy hiểm...”. Thẩm phán nói xong, bà Dung thất thần, im bặt không nói được gì.
Trong phiên tòa hôm đó, hai bên gia đình thông gia đang êm ấm trong ngoài giờ lại phải đưa nhau ra tòa, với vai trò một bên gia đình bị cáo, một bên gia đình bị hại. Mỗi gia đình ngồi hai hàng ghế đối diện, nhìn nhau mà không cất lên thành lời.
Khi được hỏi, cha của bị hại chia sẻ: “Giờ tôi không biết sao nữa, thực sự là rất khó xử. Con mất cũng mất rồi, còn bên kia lại là nhà thông gia nữa. Tôi không yêu cầu bồi thường gì cả, chỉ thương cho con dâu tôi còn trẻ mà đã chịu nỗi đau quá lớn”. Nói xong, người đàn ông vội xin phép ra ngoài. Tôi để ý đôi mắt đỏ hoe như chất chứa bên trong bao cảm xúc dồn nén tựa như sắp vỡ òa
Tiếp xúc với phóng viên, chị Sâm (vợ của nạn nhân) dè dặt tâm sự: “Anh ấy ra đi đột ngột quá, để lại cho tôi hai con nhỏ. Sự việc xảy ra cũng đau lòng lắm, một bên là chồng, còn một bên là em trai”. Khi được hỏi về người em trai thì chị Sâm tránh né, không muốn nhắc đến nỗi đau ấy nên quay đi không trả lời.
Bởi đây không chỉ là một vụ án có tính chất gia đình mà sau khi gây án, chính Hào đã gọi xe đưa anh rể đi cấp cứu và bị cáo cũng từng 3 lần đoạt Huy chương Vàng môn cử tạ... Tuy vậy, xét thấy tội ác của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm với xã hội, thể hiện rõ sự côn đồ, hung hãn nên Hội đồng xét xử quyết định tuyên phạt Nguyễn Trọng Hào tù chung thân về tội “Giết người”.
Nghe tòa tuyên án, Hải bật khóc như một đứa trẻ, nhưng giờ đây có hối hận thì cũng đã muộn. Run run đôi vai, Hải quay xuống xin lỗi mẹ, xin lỗi gia đình bị hại trong sự đau xót. Bước ra khỏi phòng xử án với đôi mắt ầng ậng nước, cuộc đời chàng trai trẻ dường như đã khép lại từ đây.