“Quả đắng” từ thông tư đấu thầu thuốc

(PLO) - Sau 2 năm thực hiện Thông tư số 01 do Liên Bộ Y tế - Tài chính ban hành ngày 19/1/2012 về đấu thầu thuốc vào các cơ sở y tế, nhìn bề ngoài, nhiều người mừng thầm khi thấy giá thuốc tại nhiều bệnh viện đã giảm từ 20-30%. Tuy nhiên các bệnh viện, nhà sản xuất thuốc trong nước và cả người bệnh ngán ngẩm thở dài cho giấc mơ “người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt", nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Cung ứng thuốc vào bệnh viện qua đấu thầu vẫn còn nhiều bất cập.
Cung ứng thuốc vào bệnh viện qua đấu thầu vẫn còn nhiều bất cập.
Thông tư 01 của Liên Bộ Y tế -Tài chính bắt buộc việc cung ứng thuốc vào các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập phải tiến hành theo cách thức đấu thầu tập trung. Theo quy định, các cơ sở điều trị không được quyền mua thuốc trực tiếp qua nhà sản xuất mà buộc phải thương thảo, ký kết hợp đồng cung ứng thuốc với đơn vị đã trúng thầu. Việc hạn chế quyền tự chủ trong lĩnh vực cung ứng thuốc chữa bệnh làm nảy sinh hàng loạt hệ lụy không chỉ cho các bệnh viện, nhà sản xuất thuốc mà còn cho cả người bệnh.
Bệnh viện “kêu trời”
Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch HĐQT Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực cho biết:  Theo quy định tại Thông tư này, các cơ sở y tế đều bắt buộc phải mua thuốc, vật tư y tế tập trung tại “các cơ sở đấu thầu”. Tuy nhiên, quá trình thực hiện việc mua thuốc qua các đơn vị trúng thầu lại ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng, thời gian phục vụ bệnh nhân. 
Lãnh đạo bệnh viện này ví dụ, trước đây bệnh viện của ông có thể mua thuốc tại các cơ sở có tư cách pháp nhân về dược với giá 9 đồng, nhưng nay lại phải đi mua của “ông trúng thầu” với giá là 10 đồng, theo kiểu không mua không được. 
“Đấu thầu nào mà chẳng có ăn chia phần trăm trong đó, quy định này đang khiến cho bệnh viện tư nhân vốn đã cơ khổ rồi nay lại phải “oằn lưng” đi nuôi mấy ông nhà thầu hoạnh họe này.  Dù phải “cắn răng” mua thuốc giá cao nhưng việc mua thuốc vẫn không hề dễ dàng. Quy định này bắt ép chúng tôi phải mua thuốc ở đơn vị trúng thầu. Nhưng khi tới liên hệ mua thuốc thì hầu hết các cơ sở này trả lời không có thuốc. Thực ra, có phải ông hết thuốc đâu, do mấy ông này lúc tham gia đấu thầu bỏ giá thấp để được trúng. Nay trúng rồi, ông lại không muốn bán cho tụi tôi giá như vậy” – ông Đệ cho biết. 
Vấn đề đấu thầu thuốc vào các cơ sở y tế cả công lập và ngoài công lập dường như  là vấn đề “nhạy cảm”, bởi những cơ sở y tế mà Báo PLVN tham khảo ý kiến hầu như đều không muốn lộ danh tính? Trưởng khoa dược tại một bệnh viện huyện đề nghị giấu tên cho biết: Tình trạng nhiều loại thuốc giá rẻ, không đảm bảo chất lượng trúng thầu khiến bệnh viện điều trị không hiệu quả và bệnh nhân phải chịu thiệt thòi. Nhiều thuốc có trong danh mục nhưng khi bệnh viện yêu cầu, đơn vị trúng thầu lại chưa có cung ứng. Điều này xảy ra không chỉ lần một, lần hai mà đã trở thành thường xuyên…
“Mong muốn của thầy thuốc cũng như bệnh nhân là làm sao bệnh mau được cải thiện nhất. Tuy nhiên, điều kiện cung ứng thuốc như hiện nay không thể đáp ứng được. Chẳng hạn như thuốc dành cho bệnh nhân tiểu đường quá rẻ, không thể đáp ứng được yêu cầu điều trị. Bác sỹ không thể kê đơn cho bệnh nhân theo mức độ bệnh trong khi bệnh nhân thuộc nhóm này ngày một gia tăng và tỷ lệ biến chứng cũng tăng cao nên thực sự cảm thấy bức xúc”- bác sĩ này tiết lộ. 
Doanh nghiệp dược lao đao
Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, thuốc sản xuất trong nước chiếm 80% tổng giá trị thuốc tiêu thụ trong năm. Thế nhưng, đấu thầu thuốc tập trung lại đang khiến cho hàng loạt DN sản xuất thuốc trong nước lâm vào cảnh lao đao.  
Theo một số chuyên gia về lĩnh vực y dược, việc tham gia đấu thầu tập trung nếu trúng thầu, DN dược sẽ phải cung ứng thuốc cho cả nước. Với dây chuyền sản xuất hiện có, khi phải cung ứng một lượng thuốc tăng từ 60 - 200%, DN không thể đủ khả năng. 
Mặt khác, khi tham gia đấu thầu, DN sẽ phải cam kết giữ ổn định mức giá. Nhưng trên thực tế nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất dược trong nước chủ yếu nhập từ nước ngoài, với 90% nguyên liệu phải nhập khẩu nên khi giá nguyên liệu biến động sẽ khó tránh khỏi tình trạng DN trúng thầu bị đơn vị cung cấp nguyên liệu “hét giá”, nguy cơ phá sản của DN dược có thể xảy ra. 
Một DN cung ứng thuốc bị “khai tử” cũng đồng nghĩa với việc cung ứng mặt hàng thuốc trúng thầu của DN đó ngưng trệ hoàn toàn trên thị trường. Lo sợ bị phá sản, nhiều DN dược chẳng còn cách nào khác là kêu cứu lên Chính phủ, Bộ Y tế có biện pháp tháo gỡ. Trong văn bản phát đi mới đây, Hiệp hội DN dược Việt Nam  đại diện cho các nhà sản xuất dược trong nước kiến nghị: Đề nghị Bộ Y tế có hướng dẫn liên quan tới lĩnh vực đấu thầu thuốc nhằm tránh tình trạng hiện nay:  các DN sản xuất thuốc càng đầu tư lớn theo hướng hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng nhà máy đạt tiêu chuẩn EU-GMP, PIC-GMP, đổi mới kỹ thuật công nghệ càng gặp khó khăn trong đấu thầu cung ứng thuốc cho các cơ sở điều trị. 
“Định kỳ mỗi năm, ít nhất một lần, lãnh đạo Bộ nên chủ động làm việc với lãnh đạo các DN, Hiệp hội để trực tiếp nghe ý kiến, kiến nghị từ DN để có chỉ đạo các đơn vị cấp dưới cùng chung tay tháo gỡ khó khăn cho DN dược”- văn bản do Hiệp hội DN dược Việt Nam tha thiết khẩn cầu tới lãnh đạo Bộ Y tế. 

Đọc thêm