Qua vụ bầu Kiên: DN lo lắng về môi trường kinh doanh

(PLO) -  Những ngày qua, diễn biến quá trình xét hỏi tại phiên tòa vụ án Nguyễn Đức Kiên đã làm cho giới doanh nghiệp băn khoăn, lo lắng. 
Đại diện các Bộ, ngành đã trả lời, có ý kiến về những vấn đề trong vụ án như: góp vốn, mua cổ phần có phải đăng ký kinh doanh hay không, quy định về kinh doanh trạng thái vàng, quy định về thuế, quy định về ủy thác gửi tiền…
Ý kiến của các cơ quan Nhà nước cho thấy một môi trường kinh doanh  nhiều rủi ro từ chính các quy định pháp luật với doanh nhân.
Góp vốn, mua cổ phần có phải đăng ký kinh doanh không?
Bầu Kiên trả lời tại Tòa việc các Công ty của ông góp vốn, mua cổ phần là thực hiện theo đúng Luật Doanh nghiệp, đây là quyền của doanh nghiệp mà không cần đăng ký kinh doanh.
Luật sư Hoàng Đôn Hùng đã đưa ra các văn bản của Cơ quan đăng ký kinh doanh chính thức trả lời doanh nghiệp hoạt động góp vốn, mua cổ phần là quyền của doanh nghiệp, không cần đăng ký kinh doanh. Trên website của Cơ quan đăng ký kinh doanh cũng nêu rõ nội dung này khi trả lời các câu hỏi được gửi đến.
Trước phiên tòa, để kiểm chứng, luật sư Hùng tự mình lập hồ sơ để đăng ký kinh doanh ngành nghề góp vốn, mua cổ phần tại Cơ quan đăng ký kinh doanh Hà Nội và TP.HCM, hai thành phố lớn nhất nước. Cả hai cơ quan đều không cấp đăng ký kinh doanh về ngành nghề này.
Tại phiên tòa, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội không khẳng định góp vốn, mua cổ phần có phải đăng ký kinh doanh hay không. Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hồ Chí Minh thì cho rằng đó là hoạt động bình thường của doanh nghiệp.
Tổng Cục Thống kê thì cho rằng việc phân mã ngành kinh doanh chỉ nhằm mục đích thống kê, còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì cho rằng góp vốn, mua cổ phần có phải đăng ký kinh doanh hay không thì phải hỏi Bộ Tài chính.
Luật sư Hùng cho biết, hàng ngàn doanh nghiệp đã và đang công khai góp vốn, mua cổ phần  mà không có đăng ký kinh doanh ngành này, và được cấp đăng ký bởi các Cơ quan đăng ký kinh doanh. Trong phiên tòa, luật sư Hùng sẽ cung cấp cho Tòa các chứng minh việc góp vốn, mua cổ phần của một số tập đoàn Nhà nước và tư nhân lớn tương tự như trường hợp ông Kiên.
Ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt về hành vi kinh doanh trái phép đã 21 tháng, đến nay câu trả lời từ các cơ quan Nhà nước vẫn còn bỏ ngỏ.
Trốn thuế trong lĩnh vực mới?
Bầu Kiên bị truy tố về tội trốn thuế liên quan đến hợp đồng  ủy thác của bà Hương với Công ty B&B. Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã hỏi và Tổng cục thuế có văn bản trả lời Hợp đồng này không hợp pháp.
Trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử về việc có giữ quan điểm đã trả lời Cơ quan điều tra không, đại diện Tổng cục thuế khộng khẳng định mà nêu đây là lĩnh vực mới, đề nghị tòa hỏi các cơ quan chuyên môn, hỏi Ngân hàng Nhà nước.
Trong phần thủ tục phiên tòa, các luật sư đã cho rằng cho đến nay Cơ quan thuế chưa hề xác định Công ty B&B nộp thiếu bao nhiêu tiền thuế. Giám định của Bộ tài chính cũng không xác định được số tiền này.
NHNN giải thích về ủy thác gửi tiền
Ông Kiên cùng các cá nhân nguyên thường trực HĐQT Ngân hàng ACB bị kết luận cố ý làm trái vì ủy thác cho nhân viên gửi tiền khi “chưa có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước”. Căn cứ này cũng lại được xác định bởi một công văn của Ngân hàng Nhà nước trả lời Cơ quan điều tra.
Trong bản kiến nghị gửi đến Quốc Hội đề nghị giám sát vụ án này, các luật sư đã cho rằng công văn của Ngân hàng Nhà nước có nội dung giải thích luật, đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc Hội. Nội dung giải thích của Ngân hàng Nhà nước cũng không hợp lý.
Nếu áp dụng và hiểu luật như Ngân hàng Nhà nước, khi hàng loạt luật chậm hướng dẫn thì mọi hoạt động phục vụ đời sống, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp sẽ phải dừng lại?
Theo luật sư Bùi Quang Nghiêm, hoạt động kinh doanh rất sôi động và diễn biến từng ngày, từng giờ, khi luật không rõ ràng, khi chính các cơ quan pháp luật còn phải hỏi cơ quan quản lý Nhà nước về việc áp dụng pháp luật, khi các cơ quan quản lý còn không nhất quán, thì các rủi ro với doanh nhân còn quá nhiều, liệu các doanh nhân có thể yên tâm kinh doanh?

Đọc thêm