Xúc phạm tín ngưỡng tôn giáo hàng chục năm
Thực ra trước đó, nơi này từng bị Báo Giác Ngộ (tờ báo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam - NV) phản ánh lách luật, sử dụng danh từ “Buddha” (cố tình dùng chữ u thay cho chữ v trong tên quán; từ Bvddha không có nghĩa, trong khi từ Buddha có nghĩa là “Đức Phật” - NV) làm thương hiệu; và bài trí các hình ảnh đạo Phật, tượng Phật, pháp khí Phật giáo không đúng chỗ trong quán; gây phản cảm và làm tổn thương đến lòng tôn kính Đức Phật, các vị Bồ Tát, Thánh tăng của những người có niềm tin Phật giáo.
Trả lời báo chí, Thượng tọa Thích Tâm Hải, Trưởng ban Thông tin Truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại TP HCM cho biết, sau khi bị phản ánh, chủ quán đã làm việc với Báo Giác Ngộ và Giáo hội, hứa chấm dứt. Nhưng thực tế những vi phạm này vẫn tiếp diễn.
Thượng tọa Thích Tâm Hải cho hay việc sử dụng hình ảnh, danh xưng “Buddha” tại quán bar này là không thể chấp nhận. Thượng tọa Thích Tâm Hải nói: “Đây là một sự gây tổn thương, xúc phạm tín ngưỡng tôn giáo”.
Trên thực tế, quán này có sự trí trá mập mờ trong đăng ký kinh doanh, sử dụng biển hiệu và kinh doanh trái phép. Theo giấy phép hoạt động, quán có tên là “quán ăn Thái (Bvddha)” chứ không phải Buddha Bar & Gill như quán này trưng biển, quảng cáo.
Tuy nhiên, theo LS Trần Văn Đạt (Đoàn LS Bình Thuận), kể cả khi quán có trưng biển và quảng cáo tên là Bvddha thì việc đặt tên và cấp giấy phép kinh doanh trên cũng là trái quy định pháp luật.
“Bvddha mặc dù đã khác với Buddha một chữ, nhưng khi phát âm thì giống nhau và dễ dẫn đến hiểu nhầm, gây tranh cãi về tôn giáo khi nhìn vào tên bảng hiệu, tên quán. Theo khoản 3 Điều 39 Luật Doanh nghiệp 2014, những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp có sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc. Đạo Phật là một tôn giáo tín ngưỡng có lịch sử hàng ngàn năm của người Việt, do đó đặt tên Bvddha là không thể được? Tại sao Sở KH&ĐT lại chấp nhận tên này. Nếu làm đúng quy định pháp luật và chức trách, thì thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh phải được kiểm tra rất kỹ; những cái tên liên quan đến tôn giáo, địa phương, nhân vật lịch sử hoặc gần giống về cách phát âm, cách viết đều bị từ chối”.
Vẫn lời LS Đạt: “Bvddha có nghĩa gì? Theo Điều 40 Luật Doanh nghiệp: “Tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh”. Bvddha không có ý nghĩa, không dịch được sang tiếng Việt nên không thể sử dụng làm tên doanh nghiệp”.
“Đến nay tôi chưa rõ quán ăn này là hộ kinh doanh cá thể hay doanh nghiệp nên chưa biết ai sẽ chịu trách nhiệm việc cấp phép, UBND quận 2 hay Sở KH&ĐT. Tuy nhiên, việc họ lách luật thì đã rõ ràng. Cơ quan có thẩm quyền phải thu hồi giấy phép kinh doanh, hoặc buộc chủ quán phải đổi tên”, LS Đạt nói.
Bên ngoài quán Bvddha lúc chưa bị phát hiện là “ổ dịch” Covid-19 |
Có thể xử lý hình sự?
Còn theo LS Nguyễn Hoài Nghĩa (Đoàn LS TP HCM), quán ăn Thái có tên Bvddha đã vi phạm Luật Tín ngưỡng Tôn giáo, cần bị xử lý xử phạt nghiêm minh. “Vi phạm thứ nhất là về hoạt động vũ trường không phép. Các hình ảnh quảng cáo, giới thiệu cho thấy quán ăn này có hoạt động vũ trường. Căn cứ Điều 17 Nghị định 158/2013/NĐ-CP thì hành vi trên bị xử phạt từ 10 – 15 triệu đồng và buộc phải chấm dứt hoạt động. Vi phạm thứ hai là về quảng cáo. Mặc dù có tên là Bvddha nhưng khi treo biển, quảng cáo trên các trang web, mạng xã hội, chủ quán đã sử dụng tên Buddha ra sự hiểu nhầm và xúc phạm tôn giáo. Hành vi này có thể bị xử phạt về vi phạm biển hiệu theo quy định tại Điều 66 Nghị định 158/2013/NĐ-CP đến 10 triệu đồng. Còn theo Điều 51 Nghị định trên, quảng cáo xâm phạm tôn giáo bị xử phạt đến 20 triệu đồng”.
LS Đào Kim Lân (Đoàn LS TP HCM), thậm chí cho rằng có thể xem xét hình sự với chủ quán này: “Ngay từ ban đầu, việc đặt tên, quán đã có ý đồ. Nếu sử dụng tên liên quan Phật giáo để kinh doanh các sản phẩm về Phật giáo thì có thể chấp nhận được. Nhưng ở đây, quán thậm chí sử dụng hình ảnh Phật giáo ở những nơi như quầy bar, nhà vệ sinh. Như vậy là xúc phạm nghiêm trọng tín ngưỡng của tín đồ Phật giáo. Trước đây, Giáo hội Phật giáo đã giải thích và chủ quán đồng ý tháo gỡ nhưng rồi thất hứa, tái phạm. Do đó, chủ quán có lỗi cố ý. Hành vi cố tình xúc phạm tôn giáo có thể bị xử lý hình sự”.
Ngoài trách nhiệm của cơ quan cấp phép kinh doanh, các luật sư đều đặt vấn đề, chính quyền địa phương đã ở đâu trong suốt 10 năm qua để quán Bvddha ngang nhiên vi phạm? “Đội quản lý thị trường, Đoàn liên ngành, cảnh sát khu vực, UBND, MTTQ… đã ở đâu? Hàng năm đều có những đợt kiểm tra liên ngành, tại sao không phát hiện xử lý sự việc?”, LS Đạt nói.
“Nếu cơ quan chức năng địa phương nói không biết thì càng thể hiện sự vô trách nhiệm. Bởi vì từ năm 2011, chủ quán đã có cam kết với Giáo hội Phật giáo và UBND quận 2 nhưng sau đó không thực hiện, tái phạm. Như vậy có thể thấy các cơ quan ban ngành chức năng ở quận 2 biết rõ nhưng không kiểm tra, xử lý, mà để tồn tại. Vấn đề này, TP HCM phải xử lý nghiêm khắc, tránh gây ra tiền lệ xấu, răn đe các đối tượng vi phạm”, LS Đạt nói.