17h ngày 13/4, tại địa bàn các xã Cư M’lan, Ea Lê, Ya Tờ Mốt, Ea Rốk và thị trấn Ea Súp của huyện biên giới Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk đã xảy ra mưa đá lớn, kèm theo lốc xoáy gây thiệt hại nặng nề cho người dân.
Cụ thể, cơn mưa đá kèm theo lốc xoáy kéo dài 30 phút đã làm 920 nhà dân trong toàn huyện bị lốc xoáy, trong đó, có 115 nhà bị tốc mái hoàn toàn, 4 nhà bị đổ sập, nhiều cơ quan, trụ sở, trường học bị tốc mái, hệ thống điện chiếu sáng bị mất trên diện rộng do 33 trụ điện bị đổ gãy, 3 người dân bị thương nặng; hàng trăm héc ta hoa màu, vườn cây ăn trái tại các địa bàn hư hỏng nặng.
Ngay khi xảy ra lốc xoáy, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương của huyện và các xã huy động 291 cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Ea Súp, lực lượng dự bị động viên, dân quân có mặt kịp thời tại nơi xảy ra thiên tai, đến từng nhà dân giúp dựng lại nhà cửa, lợp lại mái nhà, đóng tôn, sắp xếp đồ đạc trong gia đình, cắt tỉa cây xanh bị đổ gãy...
Đến nay, hơn 300 cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Ea Súp, lực lượng dự bị động viên và dân quân các xã do Bộ CHQS tỉnh Đắk Lắk điều động tiếp từ ngày 16/4 vẫn tích cực giúp dân khắc phục lại nhà ở, thu hoạch lúa và hoa màu.
Do ảnh hưởng của thời tiết nguy hiểm, trận mưa giông và mưa đá trên diện rộng đêm 14 rạng sáng 15/4 đã khiến nhiều huyện của tỉnh Bắc Kạn thiệt hại nặng nề về nhà cửa và hoa màu. Mưa đá với đường kính trung bình từ 1cm-3cm làm thiệt hại nhiều diện tích hoa màu và tài sản của nhân dân. Trận mưa đá, tố lốc chưa từng thấy xảy ra đêm 14/4 làm hư hỏng gần 1.200 nhà dân ở ba huyện: Pác Nặm, Ba Bể và Chợ Đồn (Bắc Kạn); nhiều hộ rơi vào cảnh “màn trời, chiếu đất”; lương thực, thực phẩm bị ướt, hỏng.
|
Lực lượng vũ trang tỉnh Bắc Kạn lợp lại mái nhà cho gia đình ông Cà Văn Chung, thôn Nà Cà, xã Xuân La, huyện Pác Nặm. |
Nhận được thông tin mưa đá, tố lốc gây thiệt hại nặng tại Bắc Kạn, ngày 15/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã điện thăm hỏi, động viên, chia sẻ với tỉnh. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tỉnh tập trung khắc phục hậu quả theo phương châm bốn tại chỗ, không để dân rơi vào cảnh “màn trời, chiếu đất”, thiếu lương thực, thực phẩm.
Ngay buổi sáng 15/4, lãnh đạo UBND tỉnh đã thành lập đoàn công tác xuống huyện Pác Nặm để kiểm tra tình hình thiệt hại và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả. Trưa cùng ngày, tỉnh họp khẩn cấp bàn các biện pháp giúp nhân dân khắc phục hậu quả. Lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo Bộ CHQS tỉnh, Công an tỉnh huy động 100 chiến sĩ vận chuyển 38 bộ nhà bạt lên huyện Pác Nặm giúp người dân có chỗ ở tạm thời, không bị mưa, gió, rét ngay trong đêm 15/4.
Bí thư Huyện ủy Pác Nặm Lê Văn Hội cho biết: “Toàn huyện có hơn 1.000 hộ dân bị thiệt hại về nhà ở, trong đó chịu ảnh hưởng nặng nhất là xã Xuân La. Đến đầu giờ chiều 15/4, huyện đã huy động hơn 300 cán bộ, chiến sĩ đến hỗ trợ người dân. Huyện cũng chỉ đạo ưu tiên giúp đỡ các hộ nghèo, gia đình chính sách trước; vận động những hộ không bị ảnh hưởng nhận người già, trẻ em đến ở tạm; đồng thời trích quỹ dự phòng và các khoản tài chính để giúp đỡ người dân mua bạt hoặc tấm lợp; bảo đảm chỗ ở và lương thực, thực phẩm cho bà con”.
Ngay trong ngày 15/4, hơn 300 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh Bắc Kạn cùng nhiều bà con ở các thôn, bản không bị thiệt hại đã không quản mưa, gió, trơn, ướt vận chuyển lương thực, thực phẩm, ngói, tấm lợp tới giúp nhân dân. Nhờ có nhà bạt vận chuyển lên kịp thời nên đêm 15/4, dù trời tiếp tục có mưa nhưng các hộ dân đã tạm thời ổn định về chỗ ở.
Đại tá Triệu Văn Thập - Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Ngay sau khi các sự cố thiên tai xảy ra, Bộ CHQS tỉnh đã huy động lực lượng tại chỗ gồm dân quân và lực lượng thường trực Ban CHQS các huyện với trên 200 chiến sĩ dân quân và gần 100 cán bộ, chiến sĩ thường trực; với phương tiện gồm ô tô, nhà bạt, máy phát điện, cưa, dao… phối hợp với các lực lượng tại chỗ của địa phương tham gia giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai. Tại các địa phương, cán bộ, chiến sĩ và lực lượng dân quân, tự vệ đã khẩn trương giúp dân dọn dẹp, lợp lại mái nhà, sơ tán người và các phương tiện đến nơi an toàn”.
Trận mưa đá cùng ngày khiến huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên có 324 gia đình ở 8 xã bị tốc mái, đổ nhà. Thiệt hại nặng nhất là xã Quài Nưa với 113 nhà bị ảnh hưởng; xã Mùn Chung 70 hộ; xã Pú Nhung có 43 hộ… Thiệt hại ước tính hơn 1,3 tỷ đồng. Đêm 15/4 đến sáng 16/4, một số nơi trên địa bàn tỉnh Yên Bái có mưa to, kèm theo gió lốc làm hơn 212 ngôi nhà ở huyện Mù Cang Chải bị tốc mái và hư hỏng do mưa to kèm gió lốc, tập trung chủ yếu tại các xã Púng Luông, Nậm Khắt, Kim Nọi, Lao Chải, Dế Xu Phình và La Pán Tẩn. Ước tính thiệt hại khoảng 200 triệu đồng.
Ngay khi nhận được tin báo, tỉnh Điện Biên, tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo huyện Tuần Giáo, Mù Cang Chải nhanh chóng huy động lực lượng tại chỗ, lực lượng vũ trang khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất; đồng thời thăm hỏi và động viên những gia đình bị thiệt hại, dọn dẹp vệ sinh môi trường, ổn định đời sống cho nhân dân.