Quân đội phát huy truyền thống anh dũng, quật cường của dân tộc

(PLO) - Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2016), Báo Pháp luật Việt Nam trích đăng bài viết của Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị về những bài học kinh nghiệm quý báu từ tinh thần Toàn quốc kháng chiến “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” trong rèn luyện bản lĩnh chính trị cho quân đội.
Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa

…Thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay hầu hết trưởng thành trong thời bình, chủ yếu được rèn luyện, thử thách trong nhà trường và trên thao trường; đồng thời, phải đối mặt với những khó khăn, thách thức của mặt trái kinh tế thị trường, xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, đặc biệt là tác động tiêu cực từ thông tin xấu độc, âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch và nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Do vậy, xây dựng bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng cho cán bộ, chiến sĩ quân đội là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, rất cần thiết, rất công phu, nghiêm túc và phải được tiến hành thường xuyên, có hệ thống bằng những giải pháp hợp lý, sát thực tế huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu... 

Để đạt được mục tiêu, yêu cầu đó, chúng ta cần tiến hành đồng bộ các giải pháp; đặc biệt, phải tiếp tục kế thừa, phát huy những bài học kinh nghiệm về rèn luyện bản lĩnh chính trị, ý chí chiến đấu của quân và dân ta trong những ngày toàn quốc kháng chiến, cũng như trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Một là, thường xuyên coi trọng giáo dục truyền thống yêu nước bất khuất, kiên cường chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam cho cán bộ, chiến sĩ quân đội.

Sức mạnh của lòng yêu nước là cơ sở tạo nên bản lĩnh, khí phách của dân tộc ta; tạo nên bản lĩnh, ý chí chiến đấu và niềm tin vào thắng lợi của quân và dân ta. Điểm đặc sắc ở chỗ sức mạnh tiềm tàng đó được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh khơi dậy đúng thời điểm thông qua “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” và Chỉ thị “Toàn dân kháng chiến”; đồng thời, được phát triển lên chất mới trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ. Nhờ vậy, Đảng ta đã xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy cao độ lòng yêu nước, chí căm thù giặc, tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của toàn dân, toàn quân, quyết chiến, quyết thắng kẻ thù xâm lược. Bằng sức mạnh tổng hợp đó, quân và dân ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, càng đánh càng mạnh, càng thắng lớn và cuối cùng giành thắng lợi quyết định. Bài học nêu trên còn lưu truyền mãi mãi với thời gian.

Vận dụng bài học trong sự nghiệp xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc ngày nay, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục những giá trị truyền thống tốt đẹp đó nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm và rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. 

Trong quá trình thực hiện, cần tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung và mở rộng đối tượng giáo dục, bồi dưỡng; trong đó, chú trọng giáo dục bồi đắp tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, niềm tự hào, tự tôn dân tộc cho toàn dân và toàn quân, nhất là thế hệ trẻ, giúp họ nêu cao cảnh giác, không để các thế lực thù địch lợi dụng lòng yêu nước chống phá đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Qua đó, không ngừng tăng cường tiềm lực mọi mặt của đất nước và sức mạnh chiến đấu của Quân đội nhân dân, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Hai là, tăng cường giáo dục Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, tạo cơ sở cho việc rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ.

Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội cách mạng, mang bản chất giai cấp công nhân, có tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc; là quân đội của dân, do dân và vì dân. Có được bản chất cách mạng ấy là do Quân đội ta luôn được giáo dục bởi một hệ thống lý luận tiên phong là Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, quyết định tính chất cách mạng; là cơ sở khoa học để giác ngộ mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, bản lĩnh chính trị, lòng trung thành, sự nhạy bén về chính trị; là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hoạt động xây dựng, trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội ta.

Trong suốt quá trình lãnh đạo quân đội, Đảng ta thường xuyên tuyên truyền, giáo dục làm cho chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh thấm sâu, bám rễ trong tư tưởng, tình cảm của mọi cán bộ, chiến sĩ, tạo động lực chính trị tinh thần, thôi thúc bộ đội chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội và hạnh phúc của nhân dân, suốt đời tận trung với nước, với Đảng, tận hiếu với dân. Đó là “vũ khí luận” sắc bén, là cơ sở nền tảng để cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống. 

Tinh thần dám đánh, quyết đánh, quyết thắng, “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” trong những ngày toàn quốc kháng chiến và suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ xâm lược là biểu hiện sinh động về bản lĩnh chính trị của quân và dân ta. Thực tiễn khẳng định: Nhờ được Đảng ta thường xuyên quan tâm, chăm lo giáo dục về mục tiêu, lý tưởng mà bản lĩnh chính trị, bản lĩnh chiến đấu của quân đội ta không ngừng được nâng cao, luôn vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách.

Trong tình hình phức tạp hiện nay, nhất là sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch và những diễn biến khó lường ở Biển Đông, chúng ta càng phải chú trọng giáo dục, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị gắn với định hướng tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân. Theo đó, toàn quân cần tiếp tục thực hiện Chỉ thị 124-CT/QUTƯ của Thường vụ Quân ủy Trung ương và Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”. Phải đẩy mạnh đổi mới cả về nội dung, hình thức và biện pháp tiến hành; khắc phục những hạn chế, cách làm theo kiểu đường mòn lối cũ, hình thức, đơn điệu, kém chất lượng và hiệu quả. 

Ba là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội.

Công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam là bộ phận rất quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng đối với quân đội nhằm xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội là nguyên tắc căn bản trong xây dựng quân đội kiểu mới theo nguyên lý Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quyết định bản chất giai cấp, mục tiêu lý tưởng chiến đấu và là nhân tố quyết định hàng đầu sự trưởng thành, chiến thắng của quân đội ta. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”. Do vậy, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội thực chất là tăng cường xây dựng quân đội về chính trị. Ngược lại, tăng cường xây dựng quân đội về chính trị cũng chính là quá trình tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, bảo đảm cho quân đội tuyệt đối trung thành với Đảng, có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cao, đủ sức hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ trong mọi điều kiện.

Hiện nay, để giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội, đòi hỏi toàn quân cần tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 51-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) “Về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam”, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng Đảng gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”... 

Trong đó, tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng; gắn xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, xây dựng cấp ủy với xây dựng cán bộ chủ trì, xây dựng đội ngũ đảng viên với xây dựng đội ngũ cán bộ, rèn luyện tính Đảng và thường xuyên giám sát, kiểm tra việc duy trì kỷ luật Đảng, kỷ luật quân đội, chấp hành pháp luật Nhà nước. Mặt khác, cần tích cực nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để không ngừng hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, bảo đảm cho Đảng nắm chắc quân đội và quân đội luôn tuyệt đối trung thành với Đảng.

Hoạt động công tác đảng, công tác chính trị phải được tiến hành thường xuyên, gắn chặt với các mặt công tác khác, bám sát hoạt động thực tiễn của bộ đội, nhất là trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn... Cùng với đó, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng, các phương tiện trong tiến hành công tác đảng, công tác chính trị nhằm giáo dục, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, tinh thần và ý chí quyết tâm khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ của bộ đội.

Bốn là, thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đánh giá về vai trò của cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Thực tiễn cũng cho thấy, chất lượng đội ngũ cán bộ là nhân tố có ý nghĩa quyết định đến sức mạnh chiến đấu, hoàn thành nhiệm vụ của mỗi đơn vị và toàn quân. 

Thấu triệt quan điểm của Đảng và tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng thường xuyên quan tâm công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ. Chú trọng xây dựng hệ thống nhà trường “chính quy, mẫu mực”; lựa chọn, gửi cán bộ đi học ở các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo đội ngũ cán bộ cho quân đội. Nhờ đó, quân đội đã xây dựng được đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành, có số lượng, chất lượng và cơ cấu hợp lý, vừa “hồng”, vừa “chuyên”, bảo đảm sự phát triển, kế thừa vững chắc giữa các thế hệ, thực sự là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quân sự - quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Trong quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội phải hết sức chú trọng xây dựng, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho chính ủy, chính trị viên, cán bộ chính trị các cấp - lực lượng nòng cốt chuyên trách về công tác đảng, công tác chính trị, xây dựng quân đội về chính trị. Bởi cán bộ chính trị là người giữ vững định hướng chính trị trong mọi hoạt động của bộ đội và đơn vị theo đúng đường lối, quan điểm của Đảng, người thắp sáng ngọn lửa nhiệt huyết cách mạng cho mọi cán bộ, chiến sĩ. 

Hiện thực hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội ta khẳng định: Đội ngũ cán bộ chính trị vững mạnh là nhân tố có ý nghĩa quyết định việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác đảng, công tác chính trị; đồng thời, bảo đảm cho quân đội luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách.

Năm là, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, nhất là thủ đoạn “phi chính trị hóa” quân đội, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội.

Mục tiêu xuyên suốt, không thay đổi của các thế lực thù địch là xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Trước hết, chúng tập trung xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, đối với lực lượng vũ trang nhân dân, nhất là Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, hòng làm cho quân đội mất phương hướng, mục tiêu chiến đấu, xa rời sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, quân đội phải nêu cao cảnh giác, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng và toàn dân chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ ta, đặc biệt là thủ đoạn “phi chính trị hóa” Quân đội ta của các thế lực thù địch. 

Phải chú trọng công tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng cho bộ đội và nhân dân nhận rõ âm mưu, thủ đoạn thâm hiểm, xảo quyệt của địch; từ đó, có biện pháp phòng chống hiệu quả, bảo đảm giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng trong quân đội. Đồng thời, thông qua đấu tranh để rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ luôn vững vàng trong các tình huống, không dao động, lúng túng trước những vấn đề nhạy cảm, thông tin xấu độc, trái chiều. Đó là giải pháp hiệu quả để tạo “hệ miễn dịch”, giúp cán bộ, chiến sĩ vững vàng trước những thông tin sai trái, bịa đặt, xuyên tạc...

Các cơ quan chức năng: Tuyên huấn, Tổ chức, Bảo vệ, Cán bộ, Dân vận, Chính sách... cần phối hợp chặt chẽ trong việc cung cấp thông tin, tổ chức lực lượng và phương tiện đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch có hiệu quả trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa. Đặc biệt, phải coi trọng đấu tranh làm thất bại thủ đoạn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” Quân đội ta của các thế lực thù địch.

Hiện nay, cần tiếp tục phát huy khí phách quật khởi, truyền thống anh dũng của dân tộc và những kinh nghiệm quý về xây dựng, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho quân đội trong những ngày toàn quốc kháng chiến cũng như trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc vào công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đó là sự trân trọng lịch sử, sự tôn vinh các anh hùng, liệt sĩ và cũng là trách nhiệm chính trị của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đọc thêm