Kiểm soát dịch với phương châm 4 tại chỗ
Với phương châm 4 tại chỗ, các đơn vị được trang bị đầy đủ phương tiện từ dự phòng phát hiện ca bệnh, đến điều trị đều tại chỗ. Quân đội đã kiện toàn 7 bệnh viện dã chiến truyền nhiễm với 2.800 giường bệnh để sẵn sàng lực lượng, phương tiện tăng cường khi có tình huống dịch lan rộng.
Đại tá Nguyễn Vân Giang, Phó Cục trưởng Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần cho biết, ngày 3/2, lực lượng chức năng đã cách ly 194 công dân Việt Nam từ Trung Quốc về nước theo đường bộ ở Trung đoàn 123, Tiểu đoàn 1, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Lạng Sơn.
Cùng với đó, 6 công dân đi đường hàng không từ Bắc Kinh (Trung Quốc) về sân bay Vân Đồn được cách ly ở Trường Quân sự của Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh, 5 người trong số này là cán bộ, nhân viên của Vietnam Airline.
Quân khu 1 có 2 tỉnh biên giới Cao Bằng và Lạng Sơn tiếp giáp với Trung Quốc. Ngoài Hữu Nghị (Lạng Sơn), công dân Việt Nam từ Trung Quốc về nước qua bốn cửa khẩu quốc tế khác, gồm: Lào Cai (tỉnh Lào Cai), Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), Tây Trang (tỉnh Điện Biên) và Thanh Thủy (tỉnh Hà Giang).
Để làm tốt công tác tiếp nhận các công dân Việt Nam lao động, học tập, công tác tại Trung Quốc qua cửa khẩu các tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng về Việt Nam, Bộ Tư lệnh (BTL) Quân khu 1 chỉ đạo các cơ quan Quân khu cùng Bộ CHQS các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng; Sư đoàn 346; Trường bắn Quốc gia TB1 tổ chức các bộ phận vận tải, quân y, nuôi quân, canh gác, bảo vệ, thông tin, tuyên truyền phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương, nắm chắc tình thế sẵn sàng nhận, cách ly và theo dõi các công dân Việt Nam từ vùng có dịch của Trung Quốc trở về Việt Nam.
Những trường hợp có sốt sẽ được bàn giao cho ngành y tế địa phương chuyển vào bệnh viện dân y gần nhất để cách ly, khám xác định bệnh và điều trị kịp thời. Đối với những trường hợp không sốt, sẽ tổ chức cách ly, theo dõi 14 ngày tại Trung đoàn 123.
Tại Quân khu 2, Đại tá, Bác sĩ Nguyễn Thế Thìn, Phó trưởng phòng Quân y Quân khu 2 cho biết, ngành Quân y Quân khu 2 duy trì chặt chẽ chế độ trực 22/24 giờ, báo cáo kịp thời diễn biễn tình hình dịch bệnh trên địa bàn theo phân cấp. (Các đơn vị báo cáo Quân khu trước 14 giờ, Quân khu báo cáo về Bộ Quốc phòng trước 14 giờ 30 hằng ngày).
Các đơn vị chủ động phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các lực lượng liên quan trên địa bàn, nhất là các tỉnh biên giới, đặc biệt là các tỉnh có chung đường biên giới với Trung Quốc như Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên và các địa phương có các khu công nghiệp có người đi, về từ vùng có dịch để theo dõi chặt chẽ tình hình, quản lý, giám sát phòng chống dịch bệnh tại địa bàn...
Các đơn vị đã sẵn sàng
Hiện những quân khu, đơn vị được giao tiếp nhận, giám sát, cách ly người Việt Nam trở về từ vùng có dịch virus Corona trong vòng 14 ngày đã hoàn tất kế hoạch tiếp nhận.
BTL Thủ đô Hà Nội được giao xây dựng kế hoạch tiếp nhận, giám sát, cách ly 950 người Việt Nam trở về từ vùng có dịch virus Corona trong vòng 14 ngày để phòng ngừa lây lan dịch bệnh. Đây là những người Việt Nam đang sinh sống, làm việc, học tập ở Trung Quốc và những nơi có dịch.
Đại tá Nguyễn Viết Thắng, Chủ nhiệm Quân y BTL Thủ đô Hà Nội cho biết: “Chúng tôi sẽ đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị sinh hoạt sẵn sàng tiếp nhận và phối hợp Sở Y tế theo dõi, giám sát cách ly các trường hợp này. Trong 14 ngày, nếu trường hợp nào sốt sẽ được chuyển sang các cơ sở y tế điều trị”.
Về phương án tiếp nhận, BTL Thủ đô Hà Nội sẽ cử cán bộ, xe ra tận sân bay Nội Bài và sân bay Vân Đồn đón công dân Việt Nam trở về từ vùng dịch và cách ly họ ở 2 địa điểm tại Sơn Tây và Xuân Mai. Việc cách ly sẽ chia từng khu. Số người đến sẽ được chia theo từng đợt để theo dõi, sàng lọc chặt chẽ, để hạn chế tối đa việc lây chéo.
Theo báo cáo, Trường Quân sự tỉnh Lào Cai, Bộ CHQS tỉnh Lào Cai có thể tiếp nhận 1.000 người (tiếp nhận ngay được 250 người). Riêng Trung đoàn 254 vừa chuẩn bị đón tân binh vừa sẵn sàng đón tiếp cách ly người từ nước ngoài trở về.
Hiện nay, Quân khu 4 đã chỉ đạo, tổ chức 11 điểm tập trung ở doanh trại các đơn vị sẵn sàng tiếp nhận trên 3.700 công dân Việt Nam lao động, học tập, công tác về từ Trung Quốc và các quốc gia khác có dịch trở về Việt Nam được Chính phủ và Bộ Quốc phòng giao để cách ly, theo dõi. Tại các điểm ăn, nghỉ tập trung, công tác chuẩn bị đón tiếp và đảm bảo hậu cần đời sống cho công dân được chuẩn bị chu đáo.
Quân khu 4 cũng đã thành lập 1 bệnh viện truyền nhiễm dã chiến; 1 đội phòng chống dịch, 2 tổ chuyên khoa truyền nhiễm tăng cường và 23 tổ phòng, chống dịch ở các đơn vị sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có dịch virus Corona xảy ra ra trên địa bàn. Đồng thời, hướng dẫn, tuyên truyền cho 100% cán bộ, chiến sỹ về phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.
Cách ly người trở về từ Trung Quốc như thế nào?
Theo văn bản do Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Quốc phòng ký ban hành, lực lượng chức năng phân luồng tiếp nhận công dân Việt Nam từ Trung Quốc và các quốc gia có dịch về Việt Nam theo cả đường bộ, đường biển, đường hàng không.
Ở đường bộ, 5 cửa khẩu mở cửa đón người dân gồm Hữu Nghị (Lạng Sơn), Móng Cái (Quảng Ninh), Tà Lùng (Cao Bằng), Thanh Thủy (Hà Giang) và cửa khẩu quốc tế đường bộ số 1 (Lào Cai).
Các sân bay gồm Vân Đồn (Quảng Ninh), Cát Bi (Hải Phòng), Nội Bài (Hà Nội), sân bay Đà Nẵng, Cam Ranh (Khánh Hoà), Tân Sơn Nhất (TP HCM) và sân bay Cần Thơ. Về đường biển, duy nhất cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh) được đón tàu đưa công dân từ vùng dịch trở về cập bến.
Tại cửa khẩu đường bộ, sân bay, bến cảng, Bộ đội Biên phòng sẽ phối hợp với lực lượng y tế địa phương, hải quan thực hiện khai báo y tế và kiểm tra thân nhiệt đối với toàn bộ công dân Việt Nam từ Trung Quốc và các quốc gia công bố có dịch về nước.
Khi phát hiện trường hợp có sốt, cơ quan chức năng sẽ bàn giao cho ngành y tế địa phương để chuyển ngay công dân vào bệnh viện dân y gần nhất để cách ly, khám xác định bệnh và điều trị kịp thời. Những người không sốt thì đưa về khu cách ly (do quân đội cùng chính quyền địa phương bố trí trên địa bàn), theo dõi 14 ngày.
Việc vận chuyển công dân từ cửa khẩu về vị trí tập kết của quân đội được giao cho các quân khu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Các quân khu huy động tối đa xe ca quân sự chi viện cho các tỉnh biên giới, đơn vị vận tải; huy động xe ca dân sự tham gia vận chuyển.
Trường hợp quá khó khăn, các đơn vị có thể thuê xe ca và sử dụng xe vận tải thùng quân sự, nhưng phải đúng quy định về vận chuyển người. Tất cả các phương tiện và lực lượng làm nhiệm vụ đều được đảm bảo vệ sinh phòng dịch, quá trình cơ động, xe được thông gió.