Kinh doanh thực phẩm an toàn bùng nổ
Theo thống kê của Bộ Công Thương, cả nước có 8.517 chợ, trên 1.167 siêu thị, 254 trung tâm thương mại và hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi hiện đại hoạt động theo mô hình chuỗi hiện đại. Trong đó, chợ vẫn là kênh cung ứng thực phẩm chính trên cả nước. Nhưng, với sự phát triển của nền kinh tế và thu nhập của người dân, ngày càng có nhiều hệ thống phân phối hiện đại, phát triển theo chuỗi, có quy mô rộng khắp trên cả nước với hàng chục chuỗi siêu thị trên nhiều tỉnh, thành và các cửa hàng thực phẩm nhỏ, được xây dựng ở các địa điểm tiện mua sắm cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, theo bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), hiện có thêm xu hướng mới là tổ chức các chuỗi cửa hàng nhỏ cung ứng đặc sản địa phương, thực phẩm an toàn như Sói Biển, chuỗi Bác Tôm, chuỗi EcoFood… đóng góp vào việc phân phối thực phẩm theo xu hướng phân phối hiện đại, truy xuất được nguồn gốc từ nơi sản xuất đến tận tay người tiêu dùng.
Đáng chú ý, bà Nga cho rằng, hệ thống phân phối truyền thống cũng có sự chuyển mình để theo kịp xu hướng sử dụng thực phẩm an toàn. Các địa phương đã đẩy mạnh việc xây dựng thí điểm chợ ATTP. Đến tháng 10/2023, toàn quốc đã có hơn 200 mô hình chợ bảo đảm ATTP.
Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng - Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), qua sơ kết đánh giá, công tác phát triển bền vững hệ thống phân phối thực phẩm an toàn ghi nhận nhiều kết quả khá tốt. Trong đó, phải nhấn mạnh đến xu hướng tiêu dùng thực phẩm an toàn, được phân phối bởi các cơ sở kinh doanh có uy tín đang ngày càng tăng của người dân, nhất là tại các đô thị, thành phố.
Cùng với đó, các địa phương, các hợp tác xã nông nghiệp tại các vùng sản xuất nông sản có thế mạnh, có sản lượng lớn, tính mùa vụ cao đã tích cực, chủ động phối hợp với Bộ Công Thương để cùng thực hiện các chương trình về kết nối tiêu thụ nông sản, thu hút đông đảo người tiêu dùng đến với chuỗi các cửa hàng bán lẻ hiện đại ngày càng phát triển tại Việt Nam, góp phần ổn định đầu ra cho nông sản Việt Nam cũng như phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn.
Hoàn thiện quy định pháp luật, nâng cao ý thức cộng đồng
Ông Cao Văn Trung - Cục ATTP (Bộ Y tế) nhận định, tại Việt Nam, các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chủ yếu là nhỏ lẻ, sản xuất theo mùa vụ. Cụ thể, trong số 500 nghìn cơ sở chế biến thực phẩm thì 85% là quy mô vừa và nhỏ, quy mô hộ gia đình, sản xuất theo mùa vụ nên việc đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng còn hạn chế.
Chưa kể, trong quá trình hội nhập quốc tế, khi Việt Nam có cơ hội để xuất khẩu thực phẩm thì đồng thời cũng tiếp cận được nhiều hơn với các thực phẩm nhập khẩu từ nước ngoài. “Nhưng nếu hệ thống quản lý không mạnh thì rất dễ biến chúng ta thành thị trường tiêu thụ các loại thực phẩm không bảo đảm an toàn của các nước khác, từ đó chúng ta không thể quản lý hết được nguy cơ mất ATTP” - ông Trung nói.
Bên cạnh đó, trong nền kinh tế thị trường, rất nhiều doanh nghiệp bất chấp các nguy cơ gây mất ATTP cho cộng đồng vẫn cố tình vi phạm các quy định trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm không bảo đảm ATTP với mục đích tối đa lợi nhuận.
Nguyên nhân, theo ông Trung, đến từ sự thông thoáng của chính sách, một trong số đó là biện pháp quản lý hậu kiểm. Một số tổ chức/cá nhân đã lợi dụng chính sách này để vi phạm như đăng ký kinh doanh xong chuyển địa điểm. Một báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, khoảng 80% doanh nghiệp nói chung có hiện tượng đăng ký trên giấy tờ một nơi nhưng lại kinh doanh ở một địa điểm khác. Bên cạnh đó là sự đa dạng của các hình thức kinh doanh như kinh doanh online, đa cấp, xuất khẩu xuyên biên giới... rất khó quản lý.
Do đó, ông Trung cho rằng, cần hoàn thiện về thể chế pháp luật phù hợp với tình hình thực tế, tạo thông thoáng cho doanh nghiệp nhưng phải bảo đảm an toàn sức khỏe người dân là trên hết, phù hợp với thông lệ quốc tế. Cùng với đó là sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật (Luật ATTP, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật…).
Ông Nguyễn Mạnh Thắng cho biết, thông qua công tác phát triển bền vững hệ thống phân phối thực phẩm an toàn, các cơ quan quản lý nhận diện rõ hơn mức độ, nhu cầu sản xuất sạch và tiêu dùng sản phẩm sạch đã trở lên rất cấp thiết; Bên cạnh đó, các tiến bộ khoa học công nghệ và thông tin cho phép nhận dạng, phân tích, truy xuất nguồn gốc, giám sát các cơ sở sản xuất; công cụ hỗ trợ người tiêu dùng nhận biết thực phẩm an toàn phát triển rất nhanh. Do đó, điều cần làm ngay là xây dựng ý thức cộng đồng về ATTP, xác định được nhu cầu kết nối của các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn để hỗ trợ cho “trúng” cho “đúng”, mang lại hiệu quả cao.