Xin đất dự án rồi cho khai thác cao lanh trái phép
Trên địa bàn TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm hiện nay có 3 giấy phép khai thác cao lanh do Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) cấp cho 3 công ty còn thời hạn. Cụ thể là Công ty Tuấn Phát, Công ty Cổ phần L.Q Joton Lâm Đồng và Công ty Tuấn Thiện với tổng diện tích 155 ha. Đồng thời, hai công ty có giấy phép thăm dò là Công ty Cổ phần đầu tư XNK khoáng sản Phú Gia Phát (hơn 56ha) và Công ty TNHH Bataza (11ha).
Núi rừng Lâm Đồng vẫn tan hoang, xơ xác do vấn nạn khai thác cao lanh để lại. |
Mặc dù hai công ty được cấp phép thăm dò nhưng người dân phản ánh hai công ty này hoạt động giống như được phép khai thác. Còn các công ty được cấp phép vẫn thường xuyên xảy ra khai thác cát, cao lanh ngoài giấy phép tại các khu vực.
Vài năm trước, dư luận đã bức xức khi một một doanh nghiệp được giao đất thực hiện dự án ở huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng đã cho nhiều nhóm người khai thác cát và cao lanh trái phép trong một thời gian dài. Đây là khu vực nằm trong diện tích 300 ha thuộc Tiểu khu 446, thôn 6, xã Lộc Tân đã được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp phép cho Công ty TNHH An Việt thực hiện dự án "Nông - Lâm kết hợp" nhưng Công ty này lại để nhiều doanh nghiệp khác khai thác cát và cao lanh trái phép làm tan nát cả một vùng rừng núi.
Không chỉ dừng lại ở việc khai thác khoáng sản, tình trạng bán đất, chiếm đất tại Công ty An Việt thường xuyên xảy ra. Không ít lần, cơ quan quản lý địa phương xử phạt hành chính, tịch thu nhiều phương tiện của các đơn vị khai thác khoáng sản, nặng hơn đề nghị thu hồi giấy phép đối với Công ty này.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trên địa bàn xã Lộc Tân có nhiều đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản nhưng đều đã hết hiệu lực hoạt động từ nhiều năm nay. Thế nhưng, tình trạng khai thác trái phép vẫn diễn ra dù các cơ quan chức năng huyện Bảo Lâm nhiều lần yêu cầu chấm dứt. Người dân địa phương cho biết hiện tại vẫn còn không ít điểm khai thác cao lanh. Khi lực lượng chức năng vào cuộc thì các công trường này tạm ngưng vài hôm, xong lại tiếp tục.
Sau "vụ mùa" cao lanh, cao nguyên xinh đẹp, hùng vĩ xưa kia đã biến dạng. |
Trở lại các “điểm nóng” khai thác ở phường Lộc Châu (TP Bảo Lộc) và xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm) những ngày cuối cùng của năm 2020, phóng viên tận mắt chứng kiến nạn khai thác cao lanh trái phép diễn ra công khai dù có phần e dè hơn trước.
Thực tế là vậy, nhưng theo một lãnh đạo Phòng TN-MT TP Bảo Lộc thì chưa phát hiện hoạt động khai thác cao lanh lậu trên địa bàn. Các vị trí trước đây cấp phép khai thác đất sét và cát hiện đã thu hồi, đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường. Lãnh đạo này cũng cho biết, có tình trạng khai thác cao lanh ở Lộc Tân (huyện Bảo Lâm) nhưng chở về Bảo Lộc tập kết.
Người dân địa phương cho biết, hoạt động của “khoáng tặc” vẫn diễn ra thường xuyên, nhất là thời điểm vào ban đêm và những ngày nghỉ như thứ bảy, chủ nhật. Nhưng trước khi đoàn kiểm tra đến thì họ đều biết trước nên ngừng hoạt động, cho di chuyển xe, máy móc, thiết bị khai thác ra khỏi khu vực để chờ cơ hội đào bới tiếp.
Nhiều nông dân không thể giữ đất canh tác khi mà nguồn lợi từ khoáng sản quá lớn khiến Bảo Lâm, Bảo Lộc trở thành đại công trường khai thác cao lanh. |
Theo thông tin chúng tôi có được, khu vực khai thác cao lanh lậu thuộc phạm vi đất rừng rộng hàng trăm hécta nằm ở thôn 1, 2, 4 của phường Lộc Châu. Một người dân ở gần khu vực đồi Cao kể rằng, các mỏ khai thác lậu cao lanh xả nước thải chảy tràn lan gây ô nhiễm môi trường, sạt lở, vùi lấp một số diện tích trồng trà của cư dân địa phương. Mặt khác, các chủ mỏ sau khi thu gom đất vườn rẫy, viện lý do đào ao, chống hạn để đào lấy cao lanh.
Quản lý kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”
Nhiều năm trước, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có chỉ đạo Sở TN-MT, UBND các huyện, thành phố về việc tiếp tục thực hiện phòng chống vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản. Công văn nhấn mạnh nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng khai thác trái phép phức tạp kéo dài thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương đó phải chịu trách nhiệm.
Đầu năm 2020, UBND TP Bảo Lộc cũng đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, UBND các xã, phường tăng cường công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn. Ngoài ra, Bảo Lộc duy trì hai tổ công tác kiểm tra hoạt động động trái phép trên địa bàn (khai thác, vận chuyển, mua bán...). Đồng thời các xã, phường nơi có mỏ cao lanh sẽ thống kê số hộ dân sử dụng đất nông nghiệp. Theo đó, hộ nào sử dụng không đúng mục đích sẽ bị thu hồi, không cho phép các hộ dân lợi dụng việc đào ao, chống hạn để khai thác cao lanh trái phép.
Thế nhưng, những gì đang diễn ra cho thấy những biện pháp của nhà quản lý tỉnh Lâm Đồng chưa đủ sức ngăn chặn nạn khai thác khoáng sản trái phép tại địa phương này, trong đó có cao lanh.
Trao đổi với phóng viên Báo PLVN, cơ quan chức năng đều cho rằng hiện nay chỉ quản lý và kiểm tra được những điểm có phép, còn các điểm không phép gần như bị buông lỏng. Tại UBND xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm), chính một vị lãnh đạo xã xác nhận là điểm nóng về khai thác cao lanh lậu. Tuy nhiên, những thông tin về các điểm, mỏ khai thác cao lanh lậu diễn ra tại địa phương này thì lãnh đạo xã này không nắm.
Không ít lần khi trả lời với báo chí, các cơ quan quản lý UBND TP Bảo Lộc cho biết trước tình hình khai thác cao lanh lậu ở phường Lộc Châu, trước đây UBND tỉnh Lâm Đồng và TP Bảo Lộc đã họp để có biện pháp giải quyết dứt điểm. Tuy nhiên, mặc dù thường xuyên có đoàn kiểm tra nhưng vì lợi nhuận lớn nên đối tượng khai thác lậu dùng mọi thủ đoạn để đối phó. Lần này có sự chỉ đạo của UBND tỉnh, chắc chắn Bảo Lộc sẽ làm quyết liệt để chấm dứt việc khai thác lậu.
Một xe chở cao lanh quá tải bị lực lượng CSGT Lâm đồng phát hiện, xử phạt. |
Trong khi đó, UBND tỉnh Lâm Đồng khẳng định việc quản lý khoáng sản được tỉnh giao cho chính quyền địa phương và Sở TN-MT phải chấn chỉnh ngay việc khai thác cao lanh lậu mà báo chí phản ánh. Đặc biệt cơ quan quan trọng nhất trong quản lý khoáng sản, bảo vệ môi trường là Sở TN-MT, nhưng dường như chưa thấy rõ trách nhiệm.
Thực tế, không ít doanh nghiệp được cấp phép khai thác vẫn chần chừ xây dựng nhà máy chế biến khoáng sản (theo dự án được duyệt) trong khi vẫn tranh thủ khai thác cao lanh và bán thô. Còn những giải pháp như: buộc doanh nghiệp lắp đặt trạm cân, bãi chứa nguyên liệu hay tham mưu, phân công trách nhiệm giữa các ngành, các cấp, đặc biệt là đơn vị quản lý lâm nghiệp, UBND cấp xã nhằm tạo sự phối hợp chặt chẽ trong hoạt động bảo vệ khoáng sản, môi trường… dường như vẫn còn ở trên bàn giấy.
Thanh tra giao thông không phát hiện được xe quá tải chở cao lanh (?!)
Chỉ theo chân Phòng CSGT (Công an Lâm Đồng) một buổi, chúng tôi đã ghi nhận việc lực lượng này bắt nhiều xe quá tải trọng, trong đó có nhiều xe chở cao lanh. Được biết, từ tháng 4/2020 đến nay, Phòng CSGT đã xử phạt hơn 110 xe quá tải, phạt hơn 1,4 tỉ đồng. Tuy nhiên, cũng thời điểm đó, trên cùng một tuyến đường, xe chuyên dùng tuần tra chở cân lưu động của lực lượng Thanh tra giao thông lại không phát hiện được xe qua tải nào.
Việc để xe quá tải trọng lưu thông trên đường là trách nhiệm không chỉ của lực lượng Cảnh sát giao thông mà lực lượng Thanh tra giao thông cũng giữ vai trò quyết định. Chưa hết, theo quy định, trong hai lực lượng này, chỉ có Thanh tra giao thông mới có quyền kiểm soát bến bãi, hóa đơn xuất bến, bãi.
Theo một cán bộ thanh tra giao thông (Sở GTVT Lâm Đồng) thì việc vận chuyển cao lanh thường diễn ra vào ban đêm, thêm phần các đối tượng vận tải manh động trong khi lực lượng này không có công cụ hỗ trợ nên chỉ làm ban ngày, ban đêm không thể làm, trừ khi có lực lượng phối hợp.