Quản lý theo hạn ngạch
Khai thác thủy sản và quản lý tàu cá trong Luật Thủy sản 2017 là một trong những nội dung được đánh giá là có bước tiến vượt bậc và nội hàm luật đã đáp ứng với hệ thống pháp luật của quốc tế.
Theo đó, trong luật đã đưa ra quy định về hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản và sản lượng khai thác cho phép đối với một số loài cá di cư, cũng như loài thủy sản có tính kết đàn. “Đây là bước tiến mới so với Luật Thủy sản năm 2003 nhằm phù hợp với pháp luật quốc tế về bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản”- bà Phan Thị Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục Thủy sản khẳng định.
Theo bà Huệ, từ kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản, cụ thể là căn cứ vào trữ lượng, sản lượng cho phép khai thác bền vững để xác định hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản, đồng thời phân cấp triệt để việc cấp phép khai thác thủy sản cho UBND cấp tỉnh.
Luật mới sửa đổi quy định Bộ NN&PTNT có thẩm quyền xác định, giao hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản theo số lượng tàu cá và hạn ngạch sản lượng cho phép khai thác theo loài của một số loài di cư và loài có tập tính kết đàn tại vùng khơi cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong khi đó, UBND cấp tỉnh sẽ được phân cấp trong việc xác định hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản và sản lượng cho phép khai thác theo loài tại vùng ven bờ và vùng lộng thuộc phạm vi quản lý. “Thông qua quản lý theo hạn ngạch là nhằm kiểm soát cường lực khai thác, quản lý phát triển tàu cá bền vững. Hạn ngạch giấy phép được công bố, điều chỉnh 60 tháng một lần. Trong trường hợp có biến động về nguồn lợi trên cơ sở kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản theo chuyên đề, nghề cá thương phẩm hàng năm, Bộ NN&PTNT, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh sản lượng cho phép khai thác theo loài”- bà Huệ nhấn mạnh.
Nâng khung xử phạt
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết thêm: Việc phân cấp cho địa phương xác định hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản và sản lượng cho phép khai thác theo loài tại vùng ven bờ và vùng lộng được kế thừa và phát triển từ những quy định cũ được ban hành trước đó.
Theo Thứ trưởng Tám, giữa các tỉnh đều có đường biên trên biển. Đường biên này được các tỉnh thỏa thuận bằng mốc giới. Việc khai thác thủy sản được phân theo vùng biển. Trên cơ sở điều tra nguồn lợi thủy sản của Trung ương, các địa phương căn cứ vào tình hình thực tiễn sẽ điều chỉnh cái sản lượng tối đa cho phép khai thác từ vùng lộng trở vào. “Không chỉ phân cấp quản lý về mặt khai thác, Luật Thủy sản 2017 còn giao thêm cho các địa phương quản lý luôn nguồn lợi thủy sản trong vùng lộng. Việc phân cấp như vậy quản lý sẽ có hệ thống hơn, tức là anh muốn khai thác một cách bền vững thì anh phải có trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi”- Thứ trưởng Tám nhấn mạnh.
Giải pháp nào để giải quyết tình trạng nguồn lợi hải sản ven bờ bị khai thác quá mức? Vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết: Ngoài quản lý bằng quy hoạch, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ còn phải quản lý cường lực khai thác bằng hạn ngạch cấp phép cho tàu cá, bằng cách quản lý đóng mới tàu cá và tới đây chúng ta sẽ đưa ra quy định về cấm khai thác theo mùa, theo khu vực và theo đối tượng như các nước đang làm. “Áp lực thẻ vàng của châu Âu cũng như tổ chức khai thác lại hiện nay buộc chúng ta thực hiện quyết liệt nhiệm vụ này”- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định.
Ngoài ra, Luật Thủy sản mới cũng đã nâng chế tài xử lý vi phạm về khai thác thủy sản nghiêm ngặt hơn. Luật đã quy định sửa đổi điểm đ, khoản 1 Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính về mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thủy sản. Theo đó, các hành vi khai thác của chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm sẽ được áp vào khung xử phạt rất cao, đối với cá nhân lên đến 1 tỷ đồng và tổ chức là 2 tỷ đồng. Mức phạt này được cho là tăng lên gấp 10 lần so với mức phạt tiền như quy định hiện nay.