Nhiều văn hóa phẩm nước ngoài xâm phạm chủ quyền biển đảo nước ta
Vụ việc mới đây nhất là bộ phim “Búp bê Barbie”, tác phẩm điện ảnh Hollywood, đã “cháy vé” tại nhiều rạp trên thế giới và dự kiến ra mắt khán giả trong nước từ ngày 21/7 nhưng không được phép công chiếu tại Việt Nam. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã quyết định cấm chiếu bộ phim này vì có hình ảnh “đường lưỡi bò 9 đoạn”, thông tin sai sự thật về chủ quyền trên Biển Đông của Việt Nam.
Trước đó, đã có không ít sự việc xảy ra liên quan đến những bộ phim điện ảnh công chiếu tại Việt Nam có nội dung xâm phạm chủ quyền biển đảo. Đơn cử, phim “Người tuyết bé nhỏ” sau khi công chiếu rộng rãi tại các rạp trong nước, mới phát hiện phim có đưa hình ảnh “đường lưỡi bò”. Sau đó bộ phim đã ngưng chiếu lập tức và cơ quan phát hành bị phạt 170 triệu đồng. Tháng 3/2022 bộ phim “Thợ săn cổ vật” (Uncharted) cũng đã bị Việt Nam cấm chiếu vì lý do tương tự.
Thời gian qua, không ít phim truyền hình nước ngoài đã xuất hiện bản đồ có hình lưỡi bò. Có thể kể đến trường hợp bộ phim đình đám “Lấy danh nghĩa người nhà”, khi đang chiếu trên các nền tảng mạng thì buộc ngưng phát hành vì có thông tin vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam. Hay mới đây nhất là phim truyền hình nổi tiếng “Hướng gió mà đi” cũng được phát hiện có hàng chục tập phim hình ảnh “đường lưỡi bò” xuất hiện trên bản đồ.
Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 9 Luật Điện ảnh 2022 về những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh thì những phim vi phạm Điều 9 đều bị dừng chiếu, không chấp nhận việc cắt, sửa, làm mờ, vì đã thể hiện không đúng, xâm phạm chủ quyền quốc gia.
Tuy luật đã có quy định rõ ràng như thế, nhưng không hiểu do vô tình hay cố ý mà thời gian qua một số nhà phát hành vẫn để “lọt lưới” không ít bộ phim vi phạm. Đáng nói, có những trường hợp phim được phát hiện có thông tin vi phạm chủ quyền biển đảo trước khi khởi chiếu, nhưng lại không ít phim chỉ được phát hiện sau khi phim công chiếu, thậm chí đã chiếu gần hết chặng đường.
Một trường hợp phổ biến nữa là những phim điện ảnh dù bị cấm chiếu ở rạp nhưng vẫn phát tràn lan trên các web lậu, khán giả có thể dễ dàng tìm xem. Cạnh đó, hiện nay, các nền tảng truyền hình trả tiền đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là các nền tảng xuyên biên giới. Việc các nền tảng phim này chiếu những bộ phim có thông tin sai lệch về chủ quyền biển đảo không chỉ gây ảnh hưởng trong phạm vi đất nước mà còn khiến khán giả nhiều quốc gia bị tiếp nhận những thông tin sai lệch, nguy hại.
Chính vì thế, vấn đề kiểm duyệt và hậu kiểm đang được đặt ra: Làm sao cho hiệu quả, sao để không “lọt lưới” những sản phẩm độc hại? Và một câu hỏi nữa là: Việc các nhà phát hành vẫn vi phạm liên tục phải chăng bởi mức chế tài xử phạt của chúng ta cho những vi phạm này còn quá nhẹ nhàng, không đủ sức để răn đe, cũng không đủ để khiến các đơn vị phát hành phải chùn chân trước sự mời mọc lợi nhuận lớn từ phía các bộ phim đang nóng hổi, hút khách từ nước ngoài?
Trả lời báo chí xoay quanh vấn đề này, GS, TS Trần Thanh Hiệp chia sẻ, căn cứ Điều 9 Luật Điện ảnh, những phim chiếu rạp như “Búp bê Barbie”, phim chiếu trên không gian mạng như “Hướng gió mà đi” do nước ngoài sản xuất đã bị cấm do cài cắm “đường lưỡi bò”, tham vọng vi phạm chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam. Phim “Barbie” (trong đó có “đường lưỡi bò” được cài cắm rất tinh vi) bị cấm chiếu ở Việt Nam, không chỉ được dư luận đồng tình mà được nhiều hãng thông tấn nước ngoài đưa tin.
Quyết định cấm phim có hình ảnh, tình tiết vi phạm chủ quyền quốc gia Việt Nam thể hiện thái độ dứt khoát, kiên quyết không khoan nhượng nhằm bảo vệ chủ quyền văn hóa, chủ quyền lãnh thổ của chúng ta. Cấm chiếu hoàn toàn bộ phim chứ không chỉ yêu cầu làm mờ, chỉ cắt các cảnh mà bộ phim vi phạm. Theo GS. TS Trần Thanh Hiệp, đây là một thông điệp, một thái độ rõ ràng cần có trong quan hệ hợp tác, giao lưu văn hóa với nước ngoài và cũng là nguyên tắc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của chúng ta.
GS. TS Trần Thanh Hiệp nhận định, việc Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất vận động người xem tham gia phát hiện phim vi phạm Luật Điện ảnh là đề xuất đáng khuyến khích. Nhưng để ngăn chặn những hành vi vi phạm, tái phạm, các cơ quan chức năng cần làm nhiều hành động quyết liệt hơn thế.
Siết chặt quản lý nền tảng xuyên biên giới
Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, chúng ta đang có sự giao thoa văn hóa vô cùng mạnh mẽ, bên cạnh việc các sản phẩm văn hóa nội địa “xuất ngoại” thì các sản phẩm ngoại cũng ồ ạt tràn vào Việt Nam. Và hệ quả tất yếu của việc “tiến công ồ ạt” ấy là không ít sản phẩm phản cảm, độc hại, trái với thuần phong mỹ tục... nguy cơ “đầu độc” khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ.
Thời gian qua, hàng loạt clip tình huống, phim ngắn, video “trend” nước ngoài thông qua các nền tảng như Youtube, TikTok, Facebook... tiếp cận khán giả Việt Nam. Không ít trong số các clip này có những nội dung “bẩn”, hướng đến bạo lực, tình dục, cổ súy hành xử kém văn hóa, có hành vi vi phạm pháp luật... Đáng nói là các clip này lại tạo ra một số trào lưu trong giới trẻ và nhiều kênh của Việt Nam lại bắt chước, sản xuất video theo phong cách như trên.
Cạnh đó, một vấn đề đáng nói nữa là các “mầm độc” từ quảng cáo thông qua các nền tảng xuyên biên giới. Một thời gian, khán giả bức xúc vì các quảng cáo của nhãn hàng, thương hiệu Việt Nam bị gắn tràn lan vào nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, sai sự thật; khiêu dâm, giật gân, “câu view”, vi phạm bản quyền ở rất nhiều video xấu độc trên YouTube, Facebook...
Phát ngôn với báo chí, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tình trạng quảng cáo vi phạm trên mạng vẫn tiếp diễn, chủ yếu là do hầu hết các nhãn hàng, thương hiệu khi quảng cáo chỉ yêu cầu đối tác bảo đảm lượng view... nên một số đại lý quảng cáo chỉ chú trọng đến lợi nhuận thay vì kiểm soát kĩ lưỡng quảng cáo gắn ở nội dung nào.
Ngày 4/8 vừa qua, tại Hội thảo phổ biến thông tư hướng dẫn Nghị định số 71/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016 do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, vấn đề quản lý sản phẩm văn hoá trên các nền tảng xuyên biên giới cũng đã được đặt ra.
Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, đấu tranh với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới là một chủ trương đã được Bộ Thông tin và Truyền thông (đầu mối là Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử) thực hiện trong nhiều năm qua. Hoạt động này bao gồm việc buộc các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ luật pháp Việt Nam, gỡ bỏ các thông tin xấu độc, sai lệch, tiêu cực, gây ảnh hưởng xấu tới xã hội.
Thời gian qua, các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Google, Tiktok đều có sự phối hợp tích cực trong việc gỡ bỏ các thông tin vi phạm khi được yêu cầu. Từ ngày 1 - 24/7/2023, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 224 bài viết đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức (đạt tỉ lệ đáp ứng 90%); Google đã gỡ 1.052 video vi phạm trên YouTube (đạt tỉ lệ đáp ứng 91%); TikTok đã gỡ bỏ 19 link vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực (đạt tỉ lệ đáp ứng 90%).
Để không “lọt lưới” những sản phẩm văn hóa nước ngoài tiến vào nước ta với mục đích xấu, bên cạnh việc kiểm soát kĩ lưỡng, hậu kiểm cẩn thận và tăng cường chế tài, một yếu tố quan trọng không kém là việc nâng cao ý thức người kinh doanh và nhân dân.
Làm sao để người làm kinh doanh văn hóa biết “dừng chân” trước những lợi nhuận phi pháp có thể làm ảnh hưởng đến quyền lợi quốc gia và nhận thức của nhân dân, còn người dân thì mạnh mẽ quay lưng, nói không với các sản phẩm “văn hóa độc” từ ngoại quốc. Đó mới chính là tấm “màng lọc” hữu hiệu nhất đối với những sản phẩm văn hóa xuyên biên giới khi bước chân vào lãnh thổ văn hóa của Việt Nam.
Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để quản lý việc phân phối những sản phẩm văn hóa xuyên biên giới. Đặc biệt đối với các sản phẩm có chứa nội dung, hình ảnh xâm phạm chủ quyền của Việt Nam dưới bất kỳ hình thức nào đều không được chấp nhận.
Bên cạnh kiểm soát nội dung độc hại, bảo đảm chủ quyền, an ninh quốc gia, việc siết chặt quản lý các văn hóa phẩm xuyên biên giới là cực kì cần thiết trong nhiều khía cạnh. Việc kiểm soát, quản lý chặt chẽ giúp bảo đảm rằng các sản phẩm văn hóa truyền thống của chúng ta không bị biến dạng hoặc lạm dụng khi va chạm với các sản phẩm văn hóa nước ngoài. Siết chặt quản lý văn hóa phẩm còn có thể giúp bảo vệ các ngành công nghiệp văn hóa nội địa khỏi sự cạnh tranh không lành mạnh từ sản phẩm nhập khẩu.