Quản lý, sử dụng vốn ODA: Cần cơ chế mới cho ngày “tốt nghiệp”

(PLO) - Dự kiến đến tháng 7/2017, Việt Nam có thể không còn được vay theo điều kiện ODA, phải chuyển chủ yếu sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường.
Cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng), công trình sử dụng vốn vay ODA của Cơ
quan hợp tác quốc tế Nhật Bản
Cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng), công trình sử dụng vốn vay ODA của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản

Vì vậy, một cơ chế quản lý, sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi của nước ngoài đang được Bộ Tài chính gấp rút tính toán…

Rủi ro - Nhà nước chịu

Tại buổi họp báo chuyên đề do Bộ Tài chính tổ chức sáng qua (22/3), ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ cho hay, trong giai đoạn 10 năm trở lại đây (2005 – 2015), tổng số vốn ODA, vay ưu đãi được ký kết (khoảng 45 tỷ USD), cơ cấu sử dụng trong nước được phân chia như sau: 1/3 cho ngân sách (NS) trung ương để cấp phát cho các chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương; 1/3 dành cho các chương trình, dự án của địa phương; và 1/3 để cho vay lại các dự án trọng điểm của Nhà nước. 

Trong tổng số vốn dành cho chương trình, dự án của địa phương, tỷ trọng vốn cấp phát chiếm 92,2%, cho vay lại chỉ chiếm 7,8%. “Đối với phần vốn để cho vay lại các dự án đầu tư trọng điểm của Nhà nước, cho đến nay hầu hết Chính phủ vẫn chịu toàn bộ các rủi ro tín dụng. Cơ quan cho vay lại chỉ có vai trò là ngân hàng phục vụ và hưởng phí dịch vụ...”, ông Long cho biết.   

Mặc dù khẳng định việc sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài cho đầu tư phát triển trong những năm qua đã góp phần thay đổi diện mạo của đất nước, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đã thay đổi căn bản, song theo ông Long, chính cơ chế sử dụng vốn chủ yếu dựa vào cấp phát từ ngân sách nhà nước và Nhà nước chịu rủi ro toàn bộ như hiện nay cũng đang đặt ra nhiều vấn đề.

Thứ nhất, đầu tư dàn trải, chưa thực hiệu quả; tình trạng chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư còn không ít; thứ hai, tính hợp lý trong phân bổ nguồn vốn giữa các địa bàn còn bất cập. Mức độ tiếp cận nguồn vốn của các địa phương miền núi, khó khăn thường hạn chế hơn các tỉnh, thành phố lớn; thứ ba, việc duy trì cơ chế mang tính bao cấp từ phía Trung ương trong thời gian dài đã tạo ra tâm lý ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, chưa thực sự khuyến khích các chủ đầu tư sử dụng vốn tiết kiệm, có hiệu quả. 

Ưu đãi - không còn dài

Tính từ năm 2010, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình, mức độ  ưu đãi của các khoản cho vay của các đối tác phát triển dành cho Việt Nam đang giảm rõ rệt. Nếu như giai đoạn trước năm 2010, thời hạn vay bình quân khoảng từ 30 - 40 năm, với chi phí vay khoảng 0,7-0,8%/năm, bao gồm thời gian ân hạn, thì giai đoạn 2011-2015, thời hạn vay bình quân chỉ còn từ 10 - 25 năm, tùy theo từng đối tác và từng loại vay, với chi phí vay khoảng 2%/năm trở lên. Nhiều nhà tài trợ đã chuyển từ nguồn vốn ODA sang nguồn vốn vay hỗn hợp.

Dự kiến đến tháng 7/2017, Việt Nam có thể không còn được vay theo điều kiện ODA, phải chuyển chủ yếu sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên từ 2 - 3,5%. 

“Vấn đề đặt ra là từ nay đến ngày “tốt nghiệp” nguồn vốn ODA, chúng ta phải sử dụng nguồn vốn này như thế nào cho có hiệu quả!”, ông Long lưu ý. Mặt khác, Luật Ngân sách nhà nước 2015 (có hiệu lực thi hành từ năm 2017) đã chính thức quy định ngân sách địa phương được phép bội chi, tức là xác lập quyền vay nợ và nghĩa vụ trả nợ của địa phương.

Vì vậy, theo ông Long, việc tách bạch quyền, nghĩa vụ trong việc vay, trả nợ giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương là cần thiết; đồng thời tăng tính trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc nâng cao tính chủ động và hiệu quả sử dụng vốn vay, góp phần quản lý hiệu quả nợ công.

Đối với cho vay lại dự án đầu tư trọng điểm, trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ đang có chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa, cải cách giá dịch vụ công ích, theo đó một số ngành, lĩnh vực cơ sở hạ tầng có khả năng hoàn vốn cao hơn  như: điện, nước, một số dự án hạ tầng giao thông... Vì vậy, để tăng cường hiệu quả dự án, trách nhiệm của chủ đầu tư và cơ quan cho vay lại, nâng cao chất lượng thẩm định, quản lý khoản vay của cơ quan cho vay lại, việc mở rộng cơ chế cơ quan cho vay lại chia sẻ rủi ro với Chính phủ là cần thiết nhằm đảm bảo nguyên tắc tín dụng trong cho vay lại.   

Với cơ chế mới, ông Long cho biết, đối với cho vay lại chính quyền địa  phương, tỷ lệ cho vay lại được xác định theo điều kiện của nguồn vốn (vay ODA và vay ưu đãi). Tỷ lệ cho vay lại vốn ODA dự kiến chia làm 5 nhóm, bao gồm 3 nhóm đối với các tỉnh nhận trợ cấp từ ngân sách trung ương (theo mức độ trợ cấp) và 2 nhóm đối với các tỉnh điều tiết về ngân sách trung ương. Đối với vốn vay ưu đãi, tỷ lệ cho vay lại chia làm 2 nhóm, gồm nhóm các tỉnh nhận trợ cấp và nhóm các tỉnh có điều tiết về Trung ương. 

Đối với cơ chế cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ qua cơ  quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng, căn cứ tính chất nguồn vốn và mức độ ưu đãi về điều kiện cho vay lại hiện hành, tỷ lệ chịu rủi ro tín dụng của cơ quan cho vay lại như sau: Đối với cho vay lại vốn ODA, trường hợp dự án thuộc danh mục ngành, lĩnh vực hưởng mức lãi suất ưu đãi khi vay lại nguồn vốn vay ODA của Chính phủ theo Quyết định 29/2011/QĐ-TTg ngày 1/6/2011 tối đa 30%, trường hợp dự án không thuộc Danh mục này tối thiểu 30%; đối với cho vay lại vốn ưu đãi, tối thiểu 50%. Mức chênh lệch lãi suất mà các cơ quan cho vay lại hưởng tương ứng các tỷ lệ chịu rủi ro tín dụng nêu trên là tối đa 0,3%/năm, 0,5%/năm, 1%/năm. 

Theo ông Long, khi cơ quan cho vay lại cũng phải chịu rủi ro tín dụng thì việc quản lý, sử dụng nguồn vốn sẽ hiệu quả hơn… 

Đọc thêm