Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3, Cục QLTT Quảng Bình đã tiến hành khám một chiếc xe ô tô khách giường nằm và phát hiện 460 kg nội tạng động vật (lòng lợn) và sản phẩm động vật (tai lợn) chứa trong 6 thùng xốp không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
Đội QLTT số 7 của Cục này cũng đã phát hiện 59 bình kim loại có chứa khí (nghi là khí gây cười) có trọng lượng 495kg, không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ. Ngoài ra, đơn vị này còn phát hiện một lượng lớn hàng hoá gồm 246 chai, bịch rượu các loại, 1.186 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm các loại, 570 gói, thùng thực phẩm các loại… không xuất trình được hóa đơn, chứng từ. Đồng thời phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Quảng Bình) thực hiện kiểm tra xe ô tô tải phát hiện 18.600 bao thuốc lá điếu do nước ngoài sản xuất nhập lậu.
Theo lãnh đạo Cục QLTT Quảng Bình, Đội 5 trực thuộc cơ quan này, vừa qua cũng phát hiện, tạm giữ lô hàng gồm 2.015 sản phẩm hàng hóa có gắn nhãn hiệu Adidas và Nike không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa, không rõ nguồn gốc xuất xứ và có dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu của 2 hãng trên…
Trao đổi với PLVN, ông Vũ Quang Thắng - Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Quảng Bình cho hay, điều khó khăn nhất khi thực hiện các vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường là xác minh thông tin từ các cơ sở mà cấp Đội đã xây dựng được do chủ yếu các cơ sở này đều ở khá xa địa bàn của các Đội, có những thông tin xuất phát từ địa bàn của các tỉnh, thành lân cận...
Đặc thù của Quảng Bình là địa bàn có đủ các tuyến đường giao thông, từ QL1A, tuyến đường Hồ Chí Minh (bao gồm 2 nhánh Tây và Đông), QL12A đi Cửa khẩu quốc tế Cha Lo và cả tuyến đường sắt, đường biển… nên việc kiểm soát thị trường vô cùng vất vả. Theo ông Thắng, với đặc điểm vị trí địa lý và hệ thống giao thông như đã nêu, Quảng Bình là địa bàn vô cùng thuận lợi cho việc giao thương buôn bán nhưng đồng thời thuận lợi cũng là những con đường cho các đối tượng tiến hành các hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại.
Cụ thể, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, hàng cấm, hàng giả lại ngày một tinh vi, đặc biệt là hiện tượng sử dụng biển kiểm soát giả của phương tiện giao thông để đánh lạc hướng các cơ quan chức năng. Phần lớn phương tiện của các đối tượng đi qua địa bàn tỉnh Quảng Bình chủ yếu vào ban đêm nên gây ra không ít khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc theo dõi và bắt giữ.
Ông Thắng cho biết thêm, do địa bàn khá rộng nên lực lượng QLTT phải phân chia cán bộ công chức kiểm soát trên trên nhiều tuyến, trong khi biên chế, trang thiết bị phương tiện của Cục QLTT Quảng Bình vẫn còn rất thiếu thốn, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ và diễn biến tình hình trên địa bàn. Do đó, để khắc phục những khó khăn này, có nơi, có lúc cán bộ công chức được giao nhiệm vụ giám sát, đeo bám phương tiện vận chuyển hàng hóa vi phạm phải thực hiện từ xa, thậm chí phải đến tận địa giới hành chính của các tỉnh bạn.
Chẳng hạn vụ bắt giữ 18.600 bao thuốc lá điếu nhập lậu, cán bộ QLTT Quảng Bình đã phải di chuyển đến tận địa phận giáp ranh giữa Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị, rồi bí mật theo đối tượng về đến “đất” Quảng Bình mới tiến hành dừng phương tiện kiểm tra và thu giữ hàng hóa.
Theo lãnh đạo Cục này, do lực lượng mỏng, địa bàn rộng nên vào các dịp cao điểm, đơn vị luôn phải bố trí lực lượng trực 24/24, đặc biệt vào các ngày lễ, Tết… luôn phải tăng cường quân số 100% để không rời mắt khỏi địa bàn và phát hiện, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật.