Quản lý thị trường xăng dầu như thế nào cho hài hòa, hợp lý?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Quản lý xăng dầu vẫn còn những bất cập trong thời gian vừa qua. Các thành tố trong chuỗi kinh doanh xăng dầu đang gặp nhiều vấn đề khó khăn chưa thể giải quyết. Vậy làm thế nào để có thể quản lý thị trường xăng dầu hài hòa, hợp lý nhất? Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh để làm rõ về vấn đề này?
Một cửa hàng trong hệ thống kinh doanh của PV Oil. (Ảnh minh họa: PV).
Một cửa hàng trong hệ thống kinh doanh của PV Oil. (Ảnh minh họa: PV).

Thưa ông, thời gian vừa qua, các nghị định về quản lý xăng dầu (XD) đã phải sửa đổi liên tục. Thị trường XD cũng gặp vấn đề khi các thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ liên tục có khiếu nại về chính sách cho quản lý XD. Mới đây nhất, thương nhân phân phối (TNPP), doanh nghiệp bán lẻ (DNBL) đã đề nghị cần lập sàn kinh doanh XD. Ông có ý kiến gì về đề xuất này?

- Nếu lập được sàn kinh doanh XD thì quá tốt nhưng tôi phải nhắc lại, XD vẫn đang là lĩnh vực mà Nhà nước quản lý và điều hành. Ví dụ như bây giờ muốn nhập khẩu (NK) XD chẳng hạn thì dứt khoát là phải có lượng ngoại tệ nhất định để nhập. Và ngoại tệ thì các DN không thể tự lo được vì Ngân hàng Nhà nước đang quản lý chặt. Hiện giờ Bộ Công Thương cũng đang phân giao khối lượng NK XD cho các thương nhân đầu mối. Từ kế hoạch phân giao này thì DN đầu mối mới có thể mua ngoại tệ để NK nên cũng không thể có sẵn ngoại tệ để NK và lập sàn.

Tôi phải khẳng định lại rằng, đề xuất này là khá tốt nhưng khó thực hiện, cần thí điểm, cần xem xét, tính toán cụ thể và nghiên cứu một cách đầy đủ trong điều kiện vẫn coi XD là mặt hàng chiến lược, Nhà nước quản lý và chúng ta vẫn đang phải nhập khẩu XD. Chúng tôi cũng mong muốn thị trường tự do lắm nhưng cũng không dễ điều chỉnh bởi thực tế đây là một mặt hàng Nhà nước quản lý vì XD ảnh hưởng lớn đến cân đối kinh tế vĩ mô.

Từ đầu năm có nhiều TNPP xin trả giấy phép kinh doanh XD, nhiều DNBL cũng vẫn thông tin về câu chuyện ép giá chiết khấu khiến họ không còn mặn mà với chuyện kinh doanh XD nữa. Và họ mong muốn Nhà nước đứng ra phân xử câu chuyện định mức tách bạch giữa các khâu đầu mối - phân phối - bán lẻ để bảo đảm quyền lợi cho từng đối tượng trong mắt xích cung ứng XD nhưng vẫn không được. Lý do là vì sao vậy, theo ông?

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh. (Ảnh: VnEconomy)

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh. (Ảnh: VnEconomy)

- Hiện nay, Nhà nước quy định định mức chung của tất cả các khâu, trên cơ sở đó cả hệ thống cung ứng tự chia nhau. Điều này có nghĩa là các khâu phải đàm phán, phải tự chia ra chứ không thể nào có câu chuyện Nhà nước chia được. Không thể quy định cụ thể mỗi khâu bao nhiêu phần trăm, nếu quy định cụ thể thế thì kinh doanh XD lại dễ quá.

Nếu nói DN bán lẻ ở thế yếu không thể đàm phán được thì cũng không phải. Bởi vì bản chất vấn đề ở chỗ, nếu có DN đầu mối mà cứ ép chiết khấu thì 2 mắt xích sau đó (TNPP và DNBL) hoàn toàn có thể đi đàm phán với “ông đầu mối” khác. Trước đây, nếu chỉ được mua của một thương nhân thôi thì những cửa hàng độc lập lại chịu thiệt thòi thật vì trong cùng hệ thống, câu chuyện “mẹ chia cho con” là có. Khi ấy, cửa hàng độc lập là đại lý nên thành “con nuôi, thậm chí con ghẻ”, nhiều khi bị ép chiết khấu như báo chí đã nêu nhiều lần. Chính vì thế nên Nghị định 80 về quản lý XD (có hiệu lực từ 27/11/2023) đã cho phép đối tượng này được đàm phán với nhiều đầu mối.

Hiện Bộ Công Thương cũng đang quản lý và thực hiện phân giao NK. Nếu “ông đầu mối” mà chỉ bán trong hệ thống thì có thể không hoàn thành kế hoạch theo sản lượng đăng ký, phân giao, có thể sẽ mang đến những khó khăn cho các năm kinh doanh sau. Do đó, đầu mối cũng phải “dè chừng” chứ, theo tôi, TNPP và DNBL cứ nên tìm đến những đầu mối có thể đàm phán để có mức chiết khấu nhất định.

Vấn đề bỏ hay không bỏ Quỹ bình ổn giá (BOG) XD đã liên tục được đề cập đến trong nhiều năm nay, đặc biệt giai đoạn vừa qua, mấy tháng liền Quỹ này gần như “tê liệt” không trích, không chi. Vậy theo ông, có nên bỏ Quỹ BOG không?

- Thường thì khi mức tăng của kỳ điều hành lần này tương đương từ 5% trở lên so với kỳ trước thì các nhà điều hành sẽ xả quỹ để BOG và mức xả quỹ sẽ tùy theo mức tăng, để làm sao giá không bị tăng cao chứ không phải là triệt tiêu mức tăng. Tương tự, nếu mức giảm so với kỳ trước mà giảm nhiều (từ 5%) thì cũng sẽ thực hiện trích vào quỹ. Thường thì quỹ chỉ dùng để tham gia điều chỉnh khi thị trường tăng hay giảm đột biến thôi nên gần đây không trích, không xả vì giá XD không có đột biến lớn.

Tôi biết hầu hết các chuyên gia, DN đều muốn bỏ Quỹ BOG. Nhưng theo tôi không thể bỏ được Quỹ BOG này. Vì sao? Vì thứ nhất, phải khẳng định rằng mình là “con nhà nghèo”. Mà “con nhà nghèo” thì cần phải có tiết kiệm chứ. Quỹ BOG đang được coi là quỹ tiết kiệm của XD. Thứ hai, Nhà nước vẫn coi đây là mặt hàng thiết yếu và Nhà nước muốn điều chỉnh và có thể dùng để hỗ trợ khi thị trường tăng sốc. Nếu không có quỹ này thì Nhà nước lấy gì ra để điều hành, để hỗ trợ. Nếu bảo phải dùng ngân sách nhà nước can thiệp vào các cú sốc tăng giá cũng không được. Do đó, Quỹ BOG như hiện nay là phù hợp nhất, được sử dụng ngay khi cần thiết và có thể là một công cụ hỗ trợ để điều hành kinh tế vĩ mô.

Trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm