Quản lý tiền công đức: Để sự minh bạch luôn được đảm bảo trên cơ sở thượng tôn pháp luật

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Ngày 7/3/2023, Văn phòng Chính phủ thông báo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc kiểm tra tổng thể về quản lý tiền công đức tại di tích lịch sử, văn hóa, đình chùa trên toàn quốc.
Định kỳ hằng ngày hoặc hằng tuần thực hiện kiểm đếm, ghi tổng số tiền tiếp nhận đối với tiền trong hòm công đức (nếu có). Nguồn ảnh: Tạp chí Tài chính
Định kỳ hằng ngày hoặc hằng tuần thực hiện kiểm đếm, ghi tổng số tiền tiếp nhận đối với tiền trong hòm công đức (nếu có). Nguồn ảnh: Tạp chí Tài chính

Tháng 3 cũng là thời điểm mà Thông tư số 04/2023 hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội do Bộ Tài chính xây dựng có hiệu lực.

Ban hành ngày 19/1/2023, Thông tư ra đời trong bối cảnh tiền công đức lâu nay không được kiểm toán, không công khai để người dân biết tiền đó được sử dụng thế nào. Để khắc phục tình trạng này, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư nói trên. Có thể nói, đây là văn bản pháp lý đầu tiên quy định cụ thể về quản lý, thu chi tiền công đức.

Cần biết rằng, trước nay lĩnh vực quản lý tiền công đức được xem là tương đối nhạy cảm, do đó dự thảo Thông tư đã được Bộ Tài chính xây dựng từ đầu năm 2021 và đã qua nhiều lần chỉnh sửa. Vào tháng 4/2022, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng gửi văn bản góp ý. Đến nay, sau khi Thông tư được ban hành và chuẩn bị có hiệu lực từ ngày 19/3/2023, trao đổi với truyền thông, nhiều sư thầy cho biết vẫn bối rối với cách quản lý mới, chưa biết sẽ quản lý tài khoản công đức ra sao…

Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Dù vậy, thiết nghĩ dù ở lĩnh vực nào thì thượng tôn pháp luật để đảm bảo sự minh bạch, tính công khai cũng là vấn đề rất được người dân quan tâm. Bằng chứng là thời gian qua, nhiều vụ việc lùm xùm liên quan đến việc sử dụng tiền công đức ở các chùa và nhiều hành vi ứng xử không chuẩn mực của một số vị sư đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nhiều người dân, Phật tử mong muốn Giáo hội sớm thắt chặt kỷ cương và ban hành nhiều giới luật mới để ngăn chặn tình trạng này.

Chính vì thế, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX diễn ra vào cuối tháng 11/2022, Hiến chương GHPGVN đã được tu chỉnh lần thứ 7 và được xem là một trong những nội dung quan trọng nhằm chấn chỉnh lại những vấn đề đang tồn tại trong Giáo hội.

Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì việc sửa đổi Hiến chương nhằm hoàn thiện Hiến chương theo hướng phù hợp với Hiến pháp và pháp luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và tầm nhìn, định hướng tương lai hoạt động Phật sự của Giáo hội.

Có thể thấy, lấy giới luật, luật pháp Nhà nước làm nền tảng, nghiêm khắc trong chấn chỉnh các hoạt động tu hành và đạo đức người tu sĩ – quan điểm này được nhiều nhà tu hành cũng như người dân ủng hộ.

Do đó, tin rằng với hàng loạt các động thái tích cực như: giới luật đã được tu chỉnh; hoạt động kiểm tra về quản lý tiền công đức theo chủ đạo của Chính phủ tới đây; Thông tư 04/2023 có hiệu lực; cùng sự đồng tình, ủng hộ của dư luận xã hội… sẽ tạo ra một hành lang để từ đó sự minh bạch luôn được đảm bảo trên cơ sở thượng tôn pháp luật ở một lĩnh vực vốn được coi là nhạy cảm này.

Theo Thông tư 04/2023, với tiền mặt, người tiếp nhận tiền công đức mở sổ ghi chép đầy đủ. Tiền trong hòm công đức phải kiểm đếm hàng ngày hoặc hàng tuần, ghi tổng số tiền. Các khoản tiền đặt không đúng nơi quy định cũng được thu gom, kiểm đếm. Nếu tiền công đức được chuyển khoản hoặc qua hình thức thanh toán điện tử, người tiếp nhận tiền công đức phải mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng. Tiền công đức chưa sử dụng phải gửi vào tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để an toàn, minh bạch. Người tiếp nhận công đức bằng giấy tờ có giá hoặc kim khí quý, đá quý cũng phải mở sổ ghi chép.

Cũng theo Thông tư, với di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo (chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, trụ sở tổ chức tôn giáo) và di tích đồng thời là cơ sở tín ngưỡng (đình, đền, miếu, nhà thờ dòng họ), người đại diện tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ; đảm bảo đúng pháp luật.