Báo cáo với Lãnh đạo Bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế Nguyễn Thanh Tú đã cập nhật tình hình diễn biến gần đây xung quanh vấn đề tiền ảo. Theo đó, Bộ Tư pháp đã làm việc với các cơ quan liên quan để nắm bắt vụ việc có dấu hiệu lừa đảo khoảng 15 nghìn tỷ đồng liên quan đến iFan, đã tổ chức hội thảo về tiền ảo… Qua nghiên cứu bước đầu về khái niệm và bản chất công nghệ của tiền ảo, kinh nghiệm quốc tế về quản lý tiền ảo, đề xuất các hướng và kiến nghị một số biện pháp tạm thời trong thời gian chưa có khung pháp lý, bao gồm việc tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp về các rủi ro tiềm ẩn có thể có khi tham gia đầu tư, kinh doanh tiền ảo.
Riêng về xu hướng quản lý tiền ảo hiện nay trên thế giới, ông Tú cho biết 3 xu hướng phổ biến là không cần quản lý (thả nổi); cấm giao dịch; cho phép giao dịch có kiểm soát, quản lý (chủ yếu qua kiểm soát trung gian như sàn, công bố thông tin, khuyến cáo…). Chẳng hạn, kinh nghiệm Nhật Bản coi đây là phương tiện thanh toán, tức là định danh tiền ảo để quản lý bởi cấm là không khả thi.
Liên hệ với bối cảnh hiện nay của Việt Nam, trường hợp thấy rủi ro của tiền ảo quá lớn (khả năng giao dịch xuyên biên giới để tài trợ khủng bố, rửa tiền; giảm tính pháp định của đồng tiền…) thì chắc chắn phải cấm chứ không phải cho giao dịch có kiểm soát. Tuy nhiên, nguyên Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cho rằng, cấm thì có phù hợp với xu thế không vì nếu cấm, người dân sẽ chơi “chui”. Còn “bỏ mặc” (không cần quản lý) thì sẽ “loạn”, sẽ còn nhiều vụ đáng tiếc như iFan. Hay quan điểm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định không coi bitcoin là phương tiện thanh toán thì nên chăng chúng ta phải có hướng quản lý, kiểm soát. Kinh nghiệm của một nước cho thấy là quản lý thông qua các khâu trung gian (sàn giao dịch) như Luật của Nhật Bản quy định người chơi phải đăng ký, khi ấy người chơi không còn ẩn danh nữa.
Đại diện lãnh đạo nhiều đơn vị thuộc Bộ cho rằng tiền ảo là xu thế tất yếu diễn ra nên chắc chắn phải có cách ứng xử với vấn đề này, có thể coi là quyền tài sản trên môi trường mạng (môi trường ảo), pháp luật dân sự điều chỉnh thì sẽ xây dựng được cơ chế phù hợp. Còn theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện nay mới chỉ có một số điều khoản liên quan như quy định xử lý hành vi sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Có ý kiến nhấn mạnh trách nhiệm của Bộ Tư pháp rất quan trọng, làm sao qua nghiên cứu sẽ xác định có cần phải quản lý hay không, nếu cần thì phải có đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, từ đó mới đặt ra chế tài xử lý…
Bàn về các nhiệm vụ phải triển khai theo Đề án quản lý tiền ảo, tài sản ảo, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu lưu ý công việc đang rất gấp rút từ việc nghiên cứu rà soát, lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, khảo sát kinh nghiệm nước ngoài, chế tài xử lý… Vì vậy, Thứ trưởng mong muốn có tổ công tác triển khai Đề án vì công việc liên quan rất nhiều, một mình Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế không thể làm hết, không kịp tiến độ.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng chia sẻ với khó khăn hiện nay khi mà kinh nghiệm quản lý của các nước về “tiền ảo” cũng rất khác nhau, liên tục thay đổi. Để đảm bảo hiệu quả nhiệm vụ được giao, Bộ trưởng đồng ý phải tiến hành rà soát theo từng lĩnh vực pháp luật để có cái nhìn bao quát, tổng thể, từ đó có những đề xuất xử lý được các vấn đề thực tiễn xảy ra, chứ không thể “đợi” hoàn thiện pháp luật nội dung mới tính đến cách thức quản lý.
Có nhiều tên gọi dành cho tiền ảo như tiền mã hóa, tiền thuật toán, thậm chí là tiền kỹ thuật số hay tài sản kỹ thuật số. Tiền ảo là biểu hiện kỹ thuật số của giá trị có thể có trong giao dịch kỹ thuật số và có các chức năng như một phương tiện trao đổi và/hoặc một đơn vị kế toán và/hoặc một phương tiện cất trữ có giá trị. Tiền ảo không phải là tiền pháp định ở một quốc gia, lãnh thổ nào. Các chức năng trên chỉ được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận trong cộng động người sử dụng của loại tiền ảo đó. Tuy nhiên, đầu năm 2018 vừa qua, Venezuela đã phát hành tiền ảo Petro, được bảo đảm bằng trữ lượng dầu mỏ của nước này.
Một rủi ro được cơ quan quản lý tài chính – tiền tệ của nhiều quốc gia cảnh báo là hoạt động ICO/ITO (phát hành tiền ảo/token ra công chúng) tiềm ẩn nguy cơ biến động về giá (tiền ảo có thể sụt giảm giá hoặc thậm chí trở nên vô giá trị một cách đột ngột) và nguy cơ lừa đảo. Điển hình đáng tiếc nhất của nguy cơ lừa đảo vừa diễn ra ngay tại Việt Nam qua vụ việc iFan với hàng chục nghìn nạn nhân, tổng số tiền được cho là thiệt hại lên đến 15 nghìn tỷ, trong khi loại tiền ảo trước đó được quảng cáo vô cùng rầm rộ.