Ô tô điện du lịch sẽ do một đơn vị vận tải khai thác, bước đầu là 20 chiếc xe 4 bánh, từ 8-14 chỗ ngồi, và lưu thông trong khu vực trung tâm thành phố, với lộ trình qua các điểm du lịch, di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng của thành phố như Bưu điện thành phố, Nhà thờ Đức Bà, chợ Bến Thành, Bảo tàng chứng tích chiến tranh, Công viên Tao Đàn, chùa Thiên hậu…
Trước TPHCM, đa phần các thành phố phát triển, mạnh về du lịch khác đã khai thác dịch vụ ô tô điện du lịch để phục vụ du khách như Đà Nẵng, Nha Trang, Hà Nội. Hiện, hầu hết các thành phố du lịch có mật độ dân cư cao ở các nước lân cận, xe điện cũng không được phép sử dụng trong nội đô mà chỉ di chuyển trong các khu vực cố định như khu sinh thái, công viên, đảo du lịch…
TP HCM là thành phố đứng hàng đầu cả nước về mật độ dân cư, chỉ sau Hà Nội. Việc xe ô tô điện đưa vào thí điểm cũng khiến nhiều người nghi ngại vì tính khả thi. Trước mắt, để hạn chế những bất tiện có thể gây ra, ô tô điện du lịch chỉ được phép chạy qua khoảng 40 con đường chính ở trung tâm thành phố.
Về giờ giấc, thành phố cũng đã có sự cân nhắc, sắp xếp sao cho hạn chế xe ô tô điện lưu thông ở giờ tan tầm, gây thêm ách tắc. Xe sẽ chạy trong khung giờ từ 8h-16h và từ 19h-23h hàng ngày. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thành phố không chỉ kẹt xe ở giờ tan tầm mà rất nhiều thời điểm trong ngày đều trở thành giờ cao điểm.
Như vậy, phải quản lý sao để nếu nhu cầu sử dụng xe dù cao cũng không gây ảnh hưởng giao thông, phân bố đều xe trên các tuyến đường, điều phối lưu thông sao cho linh động, tránh được các tuyến phố đang ách tắc… Còn khá nhiều vấn đề mà đơn vị khai thác xe điện du lịch phải lưu ý, để không biến xe điện góp thêm một gánh nặng cho nạn kẹt xe của đô thị Sài Gòn./.