Ở nhiều quốc gia trên thế giới, chế định QTV đã có từ khá lâu, tuy nhiên ở Việt Nam, nội dung này còn khá mới mẻ và mới được quy định trong Luật Phá sản năm 2014. Những người được bổ nhiệm làm QTV thường là những chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong quản lý doanh nghiệp, pháp luật, tài chính…
Họ chịu trách nhiệm chủ yếu trong công tác quản lý, thanh lý tài sản, tùy theo kinh nghiệm của mình mà họ được chỉ định vào từng vụ việc phá sản phù hợp. Không chỉ là các luật sư kỳ cựu mà những người tốt nghiệp đại học, đã tham gia làm ở lĩnh vực này được khoảng 5 năm đều có thể trở thành các QTV.
Luật Phá sản năm 2014 cũng quy định rõ các quyền và nghĩa vụ của QTV trong suốt thời gian giải quyết vụ việc kể từ khi Tòa án có Quyết định mở thủ tục phá sản cho đến khi kết thúc thi hành án Quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp. Phần lớn các công việc đều được tiến hành bởi QTV hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
Dù đã được coi là một nghề nhưng số vụ việc có sự tham gia của QTV hiện nay còn rất ít, năng lực của đội ngũ QTV có sự chênh lệch, còn nhiều bỡ ngỡ do thiếu kinh nghiệm thực tế, đặc biệt là vướng mắc về pháp lý trong quá trình giải quyết vụ việc. Do được ít người biết đến nên đội ngũ QTV chưa nhận được quan tâm đúng mức để phát triển, nhiều khi còn gặp khó khăn trong phối hợp giữa tòa án và những người làm nghề này.
Vì chế định QTV là rất mới, chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn nên các thẩm phán đã gặp không ít khó khăn, lúng túng khi áp dụng chế định này. Thực tế cho thấy mỗi loại việc phá sản lại có những bước tiến hành, tính phức tạp khác nhau. Từ việc tiến hành các bước để lập danh sách chủ nợ, kiểm đếm tài sản ở nhiều địa bàn (cả trong và ngoài nước), có tài sản trục vớt, bảo quản, gửi giữ, lưu kho phải đánh giá thẩm định…
Do đó, thẩm phán khó lường trước mức độ phức tạp của những loại việc sẽ phải làm khi chỉ mới tiếp xúc với đơn yêu cầu tuyên bố phá sản. Mặt khác, việc chỉ định QTV cho từng loại vụ việc phá sản riêng đòi hỏi trình độ, hiểu biết chuyên ngành khác nhau của từng QTV. Điều này tất yếu dẫn đến cách tính chi phí của các QTV cũng khác nhau và họ có tâm lý băn khoăn, e ngại khi được chỉ định tham gia vụ việc phá sản.
Trong một số trường hợp khác, chủ nợ nộp đơn đề nghị mở thủ tục phá sản có kèm theo danh sách QTV đề nghị tòa án chỉ định. Tuy nhiên, Tòa án đã kéo dài thời gian thụ lý đơn mở thủ tục phá sản và khi nhận được thông báo thụ lý phá sản lại thấy Tòa án đã chỉ định một QTV khác không nằm trong danh sách QTV mà chủ nợ đã yêu cầu.
Một khó khăn khác trong thực tiễn hành nghề của các QTV đó là thời gian nhận được tạm ứng chi phí quá lâu, thủ tục quá phức tạp, mức tạm ứng chi phí không đủ bù đắp chi phí bỏ ra. Có trường hợp QTV phải đi xác minh tài sản ở nhiều tỉnh, thành khác nhau, thậm chí ở nước ngoài, lúc này phần tạm ứng chi phí đã không thể đủ. Việc bồi hoàn lúc này lại gặp khó khăn nếu thẩm phán không cho đấu giá, thanh lý tài sản đề bù đắp chi phí thực tế đó.
Thậm chí, nhiều trường hợp tài sản doanh nghiệp nhiều không còn, dẫn tới QTV tự bỏ tiền túi ra thực hiện công việc mà khả năng được bồi hoàn rất thấp. Ví dụ như tại Điều 16 Luật Phá sản quy định, QTV được quyền “thuê cá nhân, tổ chức thực hiện công việc theo quy định của pháp luật” nhưng vấn đề đặt ra ở đây là chi phí thuê lấy từ nguồn nào, nếu tự bỏ tiền túi ra thì bao giờ được bồi hoàn?
Để có thể tháo gỡ phần nào những khó khăn trên, thiết nghĩ cần xây dựng quy định cụ thể về lệ phí và phí chi trả cho QTV trong hoạt động quản lý, thanh lý tài sản; tăng cường các hoạt động nghiên cứu, tập huấn để nâng cao kiến thức pháp luật đồng thời thi hành các quy định pháp luật về vấn đề phá sản nói chung và liên quan tới QTV nói riêng được phù hợp, hiệu quả. Ngoài ra, cần nghiên cứu xem xét việc thành lập Hội/Hiệp Hội QTV để có thể tập hợp tiếng nói và sức mạnh để bảo vệ QTV trong những trường hợp cần thiết.