Công điện của UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu: Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng; Giám đốc sở NN-PTNT; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã ven biển tìm mọi biện pháp thông báo, kiên quyết kêu gọi toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động trong vùng nguy hiểm vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn.
Công điện khẩn cũng yêu cầu UBND các địa phương phân công cụ thể cán bộ trực tiếp chỉ đạo các cấp từ xã đến các thôn, bản về việc phòng chống bão lũ. Đặc biệt ở những vùng thường xuyên bị chia cắt, những vùng thường bị ngập sâu hoặc có nguy cơ sạt lở, lũ quét.
Công tác cứu hộ cứu nạn và dự trữ lương thực thực phẩm, thuốc men, nhu yếu phẩm cần thiết khác cho nhân dân các vùng có xung yếu cũng được UBND tỉnh này quan tâm chỉ đạo trong công điện theo phương châm “4 tại chỗ”. Rà soát phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng sơ tán khẩn cấp người dân khi có tình huống xấu.
Ghi nhận của PLVN tại Quảng Bình vào trưa và chiều 29/8, mưa lớn nhiều nơi từ sáng sớm kéo dài đã khiến nhiều tuyến đường ở các địa phương của tỉnh này xảy ra tình trạng ngập lụt cục bộ. Ngư dân các vùng ven biển nói riêng và người dân toàn tỉnh Quảng Bình nói chung đều đang nỗ lực hết sức chuẩn bị ứng phó với bão PODUL.
Tại xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới với 80 dân số sống bằng nghề biển đánh bắt xa bờ thì người dân nơi đây ưu tiên chủ động tìm cách trú tránh tàu bè an toàn trước, sau đó mới trở về gia cố gia cửa, vườn tược.
Cũng trong ngày 29/8, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình cho hay, đến sáng cùng ngày, tỉnh này còn 677 tàu với 4.325 ngư dân lao động vẫn đang hoạt động trên biển.