Quảng Bình: Gồng mình khẩn trương chống “siêu bão“

(PLO) - Chính quyền và nhân dân toàn tỉnh Quảng Bình đang tập trung, gồng mình triển khai các phương án phòng, chống bão số 10 – cơn bão dự đoán có sức tàn phá lớn nhất trong nhiều năm qua.
 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Bình kiểm tra công tác phòng chống bão tại cảng La, tỉnh Quảng Bình.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Bình kiểm tra công tác phòng chống bão tại cảng La, tỉnh Quảng Bình.

Đình hoãn những họp, việc không cần thiết

Ngày 14/9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình đã phát đi công văn hỏa tốc khẩn trương lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống cơn bão số 10 gửi các huyện thị, thành phố, cơ quan, đơn vị. Công văn nêu rõ: Dự báo, bão sẽ tiếp tục mạnh lên, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão có thể đạt cấp 12-13, giật cấp 15. Từ ngày 15 đến 16/9 bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến ven biển và đất liền.

Đây là cơn bão rất mạnh, diễn biến phức tạp và có khả năng ảnh hưởng lớn. Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Ban cán sự đảng UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, các huyện thị, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm việc chủ động đối phó với bão số 10. Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa, tài sản, bảo vệ cây cối, hoa màu, tàu, thuyền, thủy sản và triển khai các biện pháp cần thiết để phòng, chống bão, giảm thiểu thiệt hại do bão, lũ gây ra; Đình hoãn các cuộc họp và những công việc chưa thật sự cần thiết để tập trung cao cho công tác phòng, chống bão; Căn cứ tình hình để chủ động cho học sinh nghỉ học; Tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi, thông báo cho tất cả các tàu thuyền nắm tình hình của bão, kêu gọi tất cả khẩn cấp về nơi tránh trú bão…

Ngư dân Quảng Bình đưa tàu thuyền vào neo đậu và chằng néo, gia cố tại Khu neo đậu Cửa Phú, xã Bản Ninh, TP. Đồng Hới.
Ngư dân Quảng Bình đưa tàu thuyền vào neo đậu và chằng néo, gia cố tại Khu neo đậu Cửa Phú, xã Bản Ninh, TP. Đồng Hới.

Sau cuộc họp chủ trì hội nghị trực tuyến ứng phó bão số 10 tại Hà Nội, trưa 14/9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác Chính phủ đã vào Quảng Bình trực tiếp chỉ đạo ứng phó với cơn bão lớn này. Phó Thủ tướng đi kiểm tra khu neo đậu tàu thuyèn tại Cửa Gianh, nơi hàng nghìn phương tiện của ngư dân Quảng Bình và các địa phương lân cận đã vào tránh trú bão an toàn. Theo báo cáo, đến đêm nay (14/9), toàn bộ các phương tiện đang hoạt động trên biển sẽ vào bờ.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với chủ tàu, gia đình ngư dân để liên hệ, hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân vào tránh trú bão an toàn. Đặc biệt, cần thường xuyên kiểm tra, có các biện pháp chằng néo tàu thuyền tại nơi neo đâu đảm bảo an toàn. Đối với ngư dân các tỉnh bạn, cần có sự hỗ trợ về nơi trú ẩn, thức ăn, nước uống... Tại khu vực đê biển cảng Hòn La, công nhân đang tích cực chuẩn bị bao cát để sẵn sàng ứng phó sự cố khi cần thiết. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao công tác chuẩn bị tích cực, chủ động của tỉnh Quảng Bình. Tuy nhiên, cần tuyệt đối không được chủ quan.

Tàu thuyền neo đậu tránh bão tại khu neo đậu Cửa Phú, xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới.
Tàu thuyền neo đậu tránh bão tại khu neo đậu Cửa Phú, xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới.

Chủ động ứng phó

Tại cuộc họp trực tuyến với Chính phủ ứng phó bão, đại diện tỉnh Quảng Bình cho biết còn 298 tàu đang đánh bắt trên biển. Tỉnh đã liên lạc và yêu cầu các tàu vào bờ an toàn. Hiện trên địa bàn tỉnh có trên 20.000 hộ cần di dời, sáng 15/9 tỉnh sẽ quyết định phương án. UBND tỉnh Quảng Bình luôn nhắc nhở các địa phương luôn luôn chủ động phòng chống theo phương châm “4 tại chỗ”. Tuy nhiên, việc bố trí tàu công suất lớn vào neo đậu tránh bão đang gặp bế tắc, đề nghị Chính phủ hỗ trợ Quảng Bình về trước mắt và lâu dài để xây dựng.

Người dân xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) chằng néo nhà cửa chống bão.
Người dân xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) chằng néo nhà cửa chống bão.

Từ sáng sớm 14/9, người dân các xã ven biển bãi ngang Đức Trạch, Nhân Trạch (huyện Bố Trạch); Hải Ninh (Quảng Ninh); Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Bắc và Ngư Thủy Nam (Lệ Thủy) đã huy động cả làng khiêng tàu thuyền, được coi là “gia sản” của họ vào sâu trong rừng dương, ngõ làng, bãi đất cao để tránh cơn bão số 10. Theo ghi nhận của Pháp luật Việt Nam, công tác ứng phó với cơn bão số 10 đã được lãnh đạo các địa phương và người dân Quảng Bình rốt ráo triển khai. Tại xã Nhân Trạch (Bố Trạch) đến thời điểm 14 giờ chiều nay, toàn bộ tàu thuyền, được xem là “gia sản” của ngư dân đã được huy động người dân cả làng cùng nhau khiêng lên neo đậu, chằng néo những nơi cao, khuất để tránh bão được an toàn.

Ở xã Ngư Thủy Bắc, ông Trần Quang Cả - Phó Chủ tịch UBND xã cũng cho biết, đến thời điểm này, toàn bộ 480 chiếc tàu thuyền của địa phương đã được lực lượng tại chỗ của xã và bà con ngư dân đưa vào nơi trú ẩn an toàn. Ông Cả cho biết thêm: “Ngoài việc đưa các phương tiện vào nơi neo đậu, chằng néo chỗ an toàn, xã chúng tôi cũng có 76 nhà tạm với 266 nhân khẩu sinh sống trong đó. Với các hộ này, chúng tôi cũng đặt trong tình trạng báo động, khi tình hình nguy hiểm, bà con sẽ được di tản đến nơi an toàn ngay”.

Công nhân tạm tháo dỡ những biển bảng du lịch của TP. Đồng Hới để tránh thiệt hại khi bão ập đến.
Công nhân tạm tháo dỡ những biển bảng du lịch của TP. Đồng Hới để tránh thiệt hại khi bão ập đến.

Do ảnh hưởng của bão, mưa lớn kéo dài và nước dâng cao nên Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng (đơn vị thuộc Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng) đã có thông báo tạm ngừng đón khách tại các điểm du lịch của trung tâm từ ngày 15/9. Cụ thể, các điểm du lịch tạm ngừng đón khách là: động Phong Nha - Tiên Sơn, sông Chày - hang Tối, suối nước Moọc. Ban quản lý động Thiên Đường cho hay, đến đầu giờ chiều ngày 15/9, động Thiên Đường cũng sẽ tạm ngừng đón khách du lịch.

Đọc thêm