Nhà vệ sinh công cộng ở Thủ đô: đầu tư cả trăm triệu để...ngắm!

(PLO) - Theo kế hoạch sau ngày 2/9 này, 250 nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) mới được lắp đặt trong năm 2017 tại Hà Nội sẽ được bàn giao và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, trên thực tế tiến độ triển khai khá chậm và bộc lộ nhiều bất cập.
Nhà vệ sinh công cộng ở Thủ đô: đầu tư cả trăm triệu để...ngắm!

Tại đường Dương Đình Nghệ (Quận Cầu Giấy), khu vực có khá nhiều người qua lại, NVSCC ở đây vẫn cửa đóng then cài. Theo quan sát của phóng viên và phản ánh của người dân, tình trạng này đã diễn ra được khá lâu. Nhiều người dân ở gần khu vực này cho biết thêm, gần đây xuất hiện các tấm gỗ quây bên hông NVSCC này chỉ để phục vụ nhu cầu “giải quyết tạm” của người đi đường. Điều đó khiến khu vực này luôn có mùi khai rất khó chịu, ảnh hưởng tới môi trường và mĩ quan đô thị.

Bên cạnh đó, ổ khóa của NVSCC này cũng đã hoen gỉ, đầu dây điện không được buộc gọn gàng cho thấy cơ sở vật chất được đầu tư lên tới trăm triệu một NVSCC đang trở nên lãng phí.

Một trong những nhà vệ sinh công cộng bị xuống cấp
Một trong những nhà vệ sinh công cộng bị xuống cấp

Cũng trong tình trạng tương tự, NVSCC ở đường Trần Khánh Dư (phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đoạn gần bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng biến thành “nơi kín đáo” để người dân đi tiểu bậy khiến khu vực này trở nên nhếch nhác và bốc mùi hôi thối.

Nằm trên tuyến đường Kim Mã, NVSCC ở đây đang trở nên quá tải khi chỉ có một cửa được mở để phục vụ nhu cầu của người dân. Thêm vào đó, vòi rửa tay ở NVSCC này cũng không có nước khiến sự bất tiện càng bộc lộ rõ.

NVSCC khu vực Kim Mã không có nước để sử dụng
NVSCC khu vực Kim Mã không có nước để sử dụng

Dở khóc dở cười nhất phải kể tới NVSCC tại điểm Công viên Thống Nhất. Hằng ngày, công viên này tiếp nhận hàng trăm lượt khách thăm quan và vui chơi. Tuy nhiên khi có nhu cầu, họ chẳng biết chạy đi đâu vì NVSCC này chỉ có duy nhất một cửa mở.

Điều đáng nói là hằng ngày, người trông coi tại điểm này phải xách nước vào các xô để phục vụ khách thăm quan do vòi nước bị hỏng, không có nước. Ngoài ra, NVSCC điểm này lại không được lắp bóng đèn khiến NVSCC này hầu như ‘vô dụng’ vào buổi tối. Được biết, tình trạng này đã kéo dài tới vài tháng nay mà vẫn không đơn vị nào giải quyết, xử lí mặc dù người trông coi cũng như nhiều người dân đã có ý kiến.

Cô Nguyễn Thị H, người bán hàng rong đã vài năm nay ở khu vực này cho biết, NVSCC ở điểm này còn bộc lộ khá nhiều hạn chế và không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Chính vì vậy, xung quanh những gốc cây hay bên xung quanh khu vực Công viên, tình trạng tiểu tiện bậy vẫn xảy ra hằng giờ. 

Ở một số điểm khác, nhà vệ sinh công cộng ngang nhiên bị biến tướng thành trụ sở bán trà đá. Nhiều người thậm chí đun nước, sinh hoạt ngay cạnh nhà vệ sinh công cộng. Một số khác dù chưa sử dụng nhưng đã có dấu hiệu xuống cấp.

Nhiều NVSCC khu vực Hà Nội bị xuống cấp hoặc bị khóa không sử dụng được
Nhiều NVSCC khu vực Hà Nội bị xuống cấp hoặc bị khóa không sử dụng được

Tình trạng có nhà vệ sinh công cộng nhưng không thể sử dụng khiến nhiều người dân không khỏi bức xúc, đồng thời cho rằng đó là sự lãng phí của TP. Đặc biệt, nhiều trường hợp người dân tiểu bậy, vệ sinh không đúng chỗ đã bị lực lượng chức năng tiến hành xử phạt có nguyên nhân ít nhiều từ tình trạng thiếu nhà vệ sinh.

Theo tìm hiểu, cuối năm 2016, TP.Hà Nội đặt mục tiêu lắp đặt và đưa vào sử dụng 1.000 nhà vệ sinh công cộng mẫu mới, theo hình thức xã hội hóa do công ty cổ phần Thương mại và Truyền thông Vinasing đề xuất xây dựng. Nguồn vốn do doanh nghiệp đầu tư và khai thác từ quảng cáo trên chính các công trình vệ sinh và tại các cầu dành cho người đi bộ. Công trình vận hành theo hình thức nhà đầu tư quản lý, vận hành trong thời gian 10 năm sau đó chuyển giao cho các đơn vị của thành phố quản lý, vận hành.

Được biết mỗi NVSCC có giá khoảng 200 triệu đồng.

Đọc thêm